Lịch là một hệ thống đếm các khoảng thời gian như ngày, tháng, mùa, năm theo một qui tắc nào đó. Thường là dựa vào các chu kỳ trong tự nhiên, đặc biệt là
52
sự chuyển động biểu kiến của mặt trời, mặt trăng mà người ta quan sát được từ trái đất. Lịch ra đời để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của con người. Đối với các nền văn minh nông nghiệp lấy trồng trọt làm chính (khác với lấy chăn nuôi là chính) thì việc xác định được các qui luật vận động của thời tiết để định ra mùa vụ gieo trồng là hết sức quan trọng. Lịch đã xuất hiện ở Trung Quốc cổ đại từ rất sớm (từ thời vua Nghiêu) như chúng tôi đã nói ở phần trước và lịch của người Trung Quốc cổ đại là lịch có được qua quá trình theo dõi, quan trắc sự vận hành của mặt trăng và mặt trời. Quá trình hình thành lịch ở Trung Quốc cũng qua nhiều giai đoạn khác nhau và hoàn thiện dần. Tương truyền Thiên Hoàng định ra can chi, Phục Hy làm lịch giáp, Hoàng đế sai Đại Náo làm lịch giáp tý, Thái Hạo lập lịch chính, Chuyên Tu làm tân lịch, vua Nghiêu sai họ Hy Hòa làm lịch có 365 - 366 ngày một năm. Việc lấy tháng nào làm đầu năm cũng chưa có một sự ổn định. Thời nhà Hạ (khoảng 2033 – 1562 TCN) ban bố lịch Hạ lấy tháng Kiến Dần làm đầu năm (tháng giêng); nhà Thương (khoảng 1562- 1388 TCN) lấy tháng Kiến Sửu (tháng 12 âm lịch) làm tháng đầu năm; nhà Tần (221 – 190 TCN) lấy tháng Kiến Hợi (tháng 10 âm) làm tháng đầu năm, v.v. Sau này người ta lại trở lại lịch nhà Hạ lấy tháng Kiến Dần (tháng giêng) làm tháng đầu năm, lịch này còn được sử dụng đến tận ngày nay.
Lịch Trung Quốc cổ đại thực chất là âm-dương lịch chứ không phải là âm lịch thuần túy như người ta vẫn tưởng. Âm lịch là lịch mặt trăng đơn thuần, nó được tính trên cơ sở dựa vào sự chuyển động của mặt trăng quanh trái đất một vòng tính chẵn là 29 hoặc 30 ngày vì vậy có những tháng thiếu là 29 ngày và tháng đủ là 30 ngày. Vì vậy một năm của lịch mặt trăng có 354 ngày. Dương lịch là lịch mặt trời dựa trên cơ sở chuyển động của trái đất quanh mặt trời theo một quĩ đạo, một vòng hết 365, 25 ngày. Vì vậy giữa lịch mặt trăng và lịch mặt trời lệch nhau 11 ngày. Để điều chỉnh sự chênh lệch này, người Trung Quốc cổ đại đã biết xếp lịch nhuận, cứ 3 năm có một năm nhuận (13 tháng âm), 5 năm có hai năm nhuận, 19 năm có 7 năm nhuận.
Một điều đặc biệt là, để phân chia thời gian người Trung Quốc còn dùng 10 thiên can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quí) và 12 địa chi (tý,
53
sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi) để phối hợp với nhau vì vậy lịch Trung Quốc còn gọi là lịch can chi. Đây cũng là nét đặc biệt của văn hóa Trung Quốc so với các nền văn hóa khác. Người ta cho rằng thiên can là số của trời tròn (10), địa chi là số của đất vuông (12). Sự kết hợp giữa trời đất thể hiện bằng lịch can chi. Có rất nhiều các công trình nghiên cứu và khảo luận kỹ lưỡng về từng chữ trong 10 can và 12 chi (xem 18. 25). Sự phối hợp giữa can và chi từ đầu đến cuối sẽ có một bội số chung nhỏ nhất là 60, người ta gọi là 60 hoa giáp. Với số 60 hoa giáp này người ta dùng để phân chia cho cả giờ (người Trung Quốc chia một ngày đêm là 12 giờ), ngày, tháng, năm. Cứ 60 năm hết một vòng giáp tý năm năm; 60 tháng hết một vòng giáp tý tháng; 60 ngày hết một vòng giáp tý ngày; 60 giờ (5 ngày) hết một vòng giáp tý giờ.
Cách chia thời gian của người Trung Quốc cổ khác với cách chia thời gian của người phương Tây như chúng ta đã biết, mỗi giờ 120 phút, một tuần thì gồm 10 ngày (một tháng chia làm 3 tuần, thượng – trung – hạ) và các chu kỳ theo 5 năm (60 tháng) hoặc 10 năm (một giáp); 60 năm (một lục thập hoa giáp); ba lục thập hoa giáp là một nguyên (180 năm) gồm giáp tý thượng nguyên, giáp tý trung nguyên và giáp tý hạ nguyên. Đây là các cơ sở để qui đổi về tính chất âm dương – ngũ hành của thời gian.
Các dân tộc khác nhau đều có cách riêng của mình để phân chia thời gian (lịch) ở một ý nghĩa nào đó nó mang tính qui ước. Song nhìn chung càng tiến bộ thì người ta càng phải biết phân chia thời gian theo chu trình vận hành của trái đất, mặt trăng, mặt trời và các tinh tú. Chúng tôi nhận thấy có lẽ ít có một dân tộc nào trên thế giới mà hệ thống lịch lại được coi trọng và phức tạp như lịch của người Trung Quốc. Họ quan niệm lịch là sự biểu hiện nhịp điệu vận động của vũ trụ, vì vậy cần phải được tính toán và phân chia một cách chính xác để từ đó dẫn đến các hành động của con người phù hợp với nhịp điệu của vũ trụ. Vì vậy ngoài việc phân chia như đã nói ở trên, người Trung Quốc cổ còn chia một năm theo 24 tiết khí: lập xuân, vũ thủy, kinh trập, xuân phân, thanh minh, cốc vũ, lập hạ, tiểu mãn, mang chủng, hạ chí, tiểu thử, đại thử,lập thu, xử thử, bạch lộ, thu phân, hàn lộ, sương giáng, lập đông, tiểu tuyết, đại tuyết, đông chí, tiểu hàn, đại hàn.
54
Mỗi một tiết khí là 15 ngày và mỗi tiết khí này lại được chia thành 3 hậu, mỗi hậu 5 ngày. Sự phân chia tiết khí thành các hậu kết hợp lại gọi là khí hậu. Sở dĩ có sự phân chia như vậy vì qua kinh nghiệm thực tế người ta đã tổng kết và nhận thấy đó là khoảng thời gian mà thời tiết, khí hậu thay đổi. Việc định được ra 24 tiết khí là sự tổng hợp kiến thức trên nhiều phương diện như: thiên văn học, khí tượng học, đặc điểm sinh trưởng của hệ sinh thái thực vật và các loại cây nông nghiệp. Các yếu tố này đã phản ánh một cách chính xác nhịp điệu thời tiết trong một năm. Vì vậy cho đến ngày nay lịch tiết khí vẫn có tính ứng dụng cao trong nông nghiệp và một số công việc liên quan đến thời tiết. Có lẽ việc có một hệ thống lịch chi tiết, chính xác và phức tạp như vậy là kết quả của một nền văn minh nông nghiệp trên cơ sở canh tác là chính.