Quan niệm về tu dưỡng bản thân

Một phần của tài liệu Thế giới quan trong triết học Trung Quốc cổ đại (Trang 164 - 168)

Vấn đề tu dưỡng bản thân, để sống một cách hoà nhập với mọi người trong cộng đồng vốn là vấn đề thu hút sự quan tâm của các triết gia đông tây kim cổ, được xếp là một trong những vấn đề quan trọng của triết học nhân sinh. Socrate – một triết gia Hy Lạp cổ đại – với một mệnh đề: “Hãy tự biết mình”, ông cho rằng con người vì những ham muốn nào đó mà quên mất sự suy nghĩ

162

về chính bản thân mình, vì vậy con người phải biết tự vấn, rèn luyện để có được lương tâm, trách nhiệm với đời. Phật tổ Thích Ca Mầu Ni cũng quan niệm rằng: con người phải biết tự vượt lên chính mình, phải biết giải thoát mình khỏi những phiền muộn, đau khổ trong cuộc sống (thoát khổ). Trong cõi nhân sinh, con người tự làm khổ lẫn nhau bởi những dục vọng khác nhau, vì vậy cuộc đời của con người như một kẻ bơi trong “bể khổ” mà không tự biết, Phật gọi đó là trạng thái “vô minh”. Muốn vượt qua được “bể khổ” người ta phải tu dưỡng theo những phương pháp nhất định, để đạt đến trạng thái ung dung tự tại (niết bàn). Nhân đây chúng tôi nói thêm rằng nhà Phật không đưa ra một cõi giới cho sự giải thoát như mọi người vẫn nghĩ, mà niết bàn chỉ là một trạng thái tinh thần, không vui,không buồn,không sướng, không khổ.

Đối với Nho giáo vấn đề tu thân được đặt ra đầu tiên cho những người đi học (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Để trở thành người hữu ích cho xã hội, hoặc ít nhất cũng là người biết sống hòa mục với xã hội thì việc đầu tiên là phải học tập, nhưng việc đầu tiên của học tập không phải là học tập nghĩa lý, mà là tu dưỡng đạo đức. Đạo tu thân hết sức rộng lớn phải học tập đầy đủ Tứ Thư, Ngũ Kinh. Tu thân kiểu Lão - Trang có khác hơn Nho phái song vẫn đòi hỏi ở con người một sự rèn luyện, học tập. Về thực chất, không có điều gì con người có thể đạt được mà không thông qua sự tu dưỡng.

Sách Đại học nói: “Từ bậc thiên tử xuống tới hạng thứ dân, ai nấy đều phải lấy sự tu thân làm gốc. Cái gốc đã hư hoại mà cái ngọn lại tốt tươi, đâu có thể như vậy”(17. 18); “Thân mình được tu tập thì nhà cửa mới được sắp đặt chỉnh tề. Nhà cửa được sắp đặt chỉnh tề thì nước mới được sửa trị. Nước được sửa trị thì thiên hạ mới bình yên”(17.17). Khổng Tử vốn là người lấy giáo dục làm nền tảng cho sự phát triển xã hội, rất nhiều lần ông nói đến sự cần thiết của việc tu dưỡng bản thân. Ông nói: “Ham học hỏi thì gần với đức trí. Ra sức làm điều lành, làm phải thì gần với đức nhân. Biết hổ ngươi thì gần với đức dũng. Biết ba việc ấy là biết phương pháp tu thân. Biết phương pháp tu thân ắt là biết phương pháp trị người. Biết phương pháp trị người ắt là biết phương pháp trị yên cả thiên hạ và các quốc gia đó”(17. 132). ở chỗ khác ông nói: “Người quân tử

163

sửa mình nhờ đó mà trăm họ được yên trị. Sửa mình để yên trị trăm họ, việc ấy chẳng phải dễ, dẫu vua Nghiêu, vua Thuấn còn làm chẳng hết thay”(17.559). Người quân tử đi học là để làm quan, cai trị người khác, ông nói: “Người nào đã sửa trị lấy mình thì đứng ra cai trị có khó gì? Nhược bằng chẳng có thể sửa trị lấy mình, thì làm sao cai trị dân được? ” (17. 507). Vấn đề quan trọng nhất của sự tu dưỡng bản thân là phải biết coi trọng đạo, Khổng Tử nói: “Buổi sáng được nghe đạo, buổi chiều chết cũng cam – Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ” (17. 272). Đối với việc học đạo người quân tử không bao giờ được xa rời nó: “Đạo mình không nên xa rời khỏi nó, nếu xa rời ra thì không phải là đạo nữa” (17. 85). Người ta chẳng những không xa rời đạo mà còn phải biết vui với đạo: “Biết đạo chẳng bằng ưa đạo, ưa đạo chẳng bằng vui với đạo” (17. 332). Người học đạo không nên quan tâm nhiều đến chuyện cơm áo, không vì nghèo hèn mà bỏ đạo, ông nói: “Kẻ sĩ chuyên tâm cầu đạo nhưng còn hổ thẹn vì nỗi áo xấu, cơm thô thì chưa đáng nghe bàn luận đạo lý” (17. 273). “Người quân tử chi mưu cầu đạo chứ chẳng mưu cầu ăn, người cày ruộng gặp khi mất mùa, thì phải đói khó. Còn người quân tử trong khi học đạo lại được bổng lộc. Cho nên người quân tử chỉ lo đạo mà chẳng lo nghèo” (17. 583). Khi Diệp Công hỏi Tử Lộ (một học trò của Khổng Tử) về đức Khổng là người thế nào (?) Tử Lộ không đáp. Biết điều này, Khổng Tử bèn bảo Tử Lộ rằng: “Sao không đáp như vầy: Đó là người phấn phát (mà suy ngẫm đạo lý) cho đến quên ăn, vui sướng khi được đạo lý cho đến quên các nỗi lo buồn; chẳng hay cái già sắp đến” (17. 358). Với vấn đề học tập và tu dưỡng đạo lý, Khổng Tử luôn là một tấm gương lớn cho hậu thế noi theo. Bản thân ông dù trong những hoàn cảnh khó khăn như thế nào, cũng chưa bao giờ buông lơi sự học tập và tu dưỡng. Ông đi chu du liệt quốc ngoài mục đích mang cái sở học của mình để thuyết phục các chư hầu sử dụng cho quốc thái dân an, còn có mục đích thu nhập và học hỏi tri thức, đạo lý. Ông học tập ở mọi nơi, mọi lúc. Một trong những điều quan trọng của tu thân là phải giữ được sự ngay thẳng, ông nói: “Thủa xưa (những vị vua thánh) muốn làm sáng đức sáng của mình trong thiên hạ, trước phải trị nước mình, muốn trị nước mình trước phải tề gia. Muốn tề gia, trước hết phải tu thân. Muốn tu thân, trước phải chính tâm.

164

Muốn chính tâm, trước phái khiến cho ý nghĩ thành thật. Muốn làm cho ý mình thành thật, trước phải hiểu thấu đáo. Hiểu thấu đáo ở chỗ nghiên cứu sự vật rõ ràng” (17. 16).

Kế tục tư tưởng tu thân của Khổng tử, Mạnh Tử cũng là một tấm gương lớn về sự tu dưỡng. Ông nói: “Bảo tồn lương tâm mình, trưởng dưỡng bản tính mình là để thờ trời vậy. Dù chết yểu hay sống lâu, hai việc ấy mình coi như nhau. Cứ bền chí mà tu thân, bình tĩnh với giờ phút cuối cùng của mình, đó là cách mình lập vững cái mệnh vậy”(17.1285). Ông cho rằng người học tập đạo lý phải luôn luôn mài dũa, giống như vạch cỏ lau làm đường đi, nếu đi liên tục thì thành đường lớn, nếu bỏ không đi thì cỏ sẽ mọc lại. Cũng với tư tưởng trên, Tuân Tử nói: “Người quân tử thẹn không sửa mình, chứ không thẹn vì người ta làm ô uế mình; thẹn không tin mình được, chứ không thẹn vì người ta không tin mình; thẹn không giỏi chứ không thẹn vì người ta không dùng mình. Thế mới không bị lời khen quyến dụ, không sợ lời chê bai, cứ theo đạo mà đi, đoan nhiên giữ mình cho ngay thẳng, không để ngoại vật làm nghiêng lệch. Thế gọi là thật quân tử” (Phi thập nhị tử, 6).

Đối với Lão – Trang “vô vi” vốn là một triết lý chi phối tất cả vì vậy việc tu thân cũng phải trên cơ sở của sự vô vi. ở chương 15 phần Khắc ý trong Nam Hoa kinh, Trang Tử nói: “Không mài luyện ý chí mà hành vi tự nhiên cao thượng, không nghĩ tới nhân nghĩa mà tự nhiên vẫn là sửa mình (tu thân), không lập công danh mà thiên hạ tự nhiên bình trị, không ẩn cư ở chỗ sông biển mà vẫn nhàn tản, không đạo dẫn luyện khí mà vẫn thọ, quên hết mà vẫn có đủ, điềm tĩnh đến cực điểm, mà bao nhiêu cái tốt đẹp ở đời đều tụ cả nơi mình, như vậy mới là đạt được chính đạo của trời đất, mỹ đức của thánh nhân”. Trang Tử luôn tuyên dương lối sống thảnh thơi tiêu dao, đạm bạc và độc lập cốt để giữ được chân tính của mình đến mức phủ nhận sự tu thân của kẻ sĩ: “Mài luyện ý chí để hành vi ra vẻ cao thượng, thoát ly thế tục, sống khác người, tự cho mình là hơn người, oán thán bài bác người khác, đó chỉ là thái độ khinh thế ngạo vật của kẻ sĩ sống trong hang núi khinh đời, muốn cho hình hài khô đét (vì khổ hạnh) rồi gieo mình xuống vực để tự sát. Bàn về nhân nghĩa, trung tín, thành thực, cung kính, kiệm

165

phác, từ nhượng đó chỉ là hành vi tu thân của kẽ sĩ học giả ở thời thái bình muốn ngồi một chỗ hoặc đi nơi này nơi khác để dạy người”. Trang Tử là người coi trọng chủ nghĩa tự nhiên. Theo ông để cai trị thiên hạ chẳng cần phải tu thân hay làm bất cứ điều gì mà cứ để con người sống một cách tự nhiên, hoang dã trong một xã hội mà ông mơ ước là không thể chế, không pháp luật, không luân lý đạo đức, có lẽ đó là xã hội thời tiền sử. Người ta cho rằng đây là sự biểu hiện của tư tưởng bi quan yếm thế quay lưng lại với thực trạng xã hội, trốn tránh trách nhiệm của con người.

Nhiều người trong giới nghiên cứu cho rằng triết học Trung Quốc cổ đại thiên về đạo đức và chính trị, xã hội, cũng có cái lý của nó. Quả thật chúng ta nhận thấy rằng khắp Bách gia Chư tử ở mọi nơi, mọi lúc đều nhấn mạnh yếu tố tu dưỡng bản thân, tiết chế dục vọng, hành động thuận theo qui luật tự nhiên, thuận theo nhịp điệu của vũ trụ - mặc dù ở những vấn đề khác không phải lúc nào họ cũng có sự thống nhất.

Một phần của tài liệu Thế giới quan trong triết học Trung Quốc cổ đại (Trang 164 - 168)