2.3.3.1 Tư tưởng kinh tế của Thương Ưởng
Nói đến tư tưởng kinh tế của Thương Ưởng, không thể không nói đến hai lần biến pháp, nó dường như là kết tinh của tư tưởng chính trị lẫn kinh tế trong học thuyết của Thương Ưởng. Lần biến pháp thứ nhất: - Lập ra hộ tịch, bắt thanh niên đến tuổi nhất định phải ra ở riêng, không được ỷ vào cha mẹ; - Tưởng lệ quân công, ai có quân công thì được thăng một bậc, được cấp thêm đất đai,
123
nhờ vậy, họ có thể trở thành tiểu điền chủ hoặc trung điền chủ; - Biến lãnh chúa thành địa chủ, quý tộc mà không có quân công thì bị tước địa vị, chỉ còn là địa chủ; Lần biến pháp thứ hai: - Chia nước thành huyện; - Mở mang đất đai, ai vỡ thêm đất, khai hoang thêm đất thì được làm chủ; - Thống nhất đo lường; - Cấm cha, con, đồng tộc sống gần nhau để công việc khai hoang nhanh phát triển.
Qua nội dung trên có thể thấy rằng, đặc điểm nổi bật trong tư tưởng kinh tế của Thương Ưởng là trọng nông nghiệp. Ông cho rằng, muốn cho một nước giàu mạnh thì chỉ có cách mọi nhà phải làm nông nghiệp. Nông nghiệp là phương sách hữu hiệu làm cho nước giàu mạnh.
Ông trọng nông nghiệp tới mức cực đoan, cho rằng thương nghiệp, công nghiệp đều không phải là sản xuất. Thương nghiệp chỉ là sự thay đổi vị trí của vật phẩm, công nghiệp là sự thay đổi hình thức của vật phẩm, chỉ có nông nghiệp mới thực sự làm ra sản phẩm. Hơn thế, ông còn cho rằng bọn có học là bọn không những không đem lại ích lợi gì cho xã hội, chuyên đi tranh giành lợi ích, mà còn hay gây loạn trong xã hội, phá hoại luật pháp: “ Nếu tôn chuộng kẻ sĩ,
Thi Thư và nói lý thuyết, thì dân sẽ thích chơi không, vô nghề nghiệp và khinh
nhà vua; Nếu tôn chuộng kẻ sĩ thích ở nhà không làm quan thì dân sẽ xa lánh và xem thường người trên; Nếu tôn chuộng các dũng sĩ thì dân sẽ ganh đua nhau coi khinh pháp luật; Nếu bọn thợ khéo đắc dụng thì dân sẽ thích phiêu lưu, nay đây mai đó và dễ thay đổi; Nếu bọn buôn bán nhàn hạ mà lại được hưởng lợi, thì dân sẽ theo đó mà dị nghị người trên. Nếu trong nước năm loại dân đó mà nhiều lên thì đồng ruộngjsẽ bị bỏ hoang và quân đội sẽ yếu” (56.201). Qua đoạn trích đó có thể thấy thái độ và biện pháp của Thương Ưởng là đề cao nông nghiệp, hạ thấp vai trò của các ngành nghề khác và hạn chế nó phát triển trong xã hội, để phát triển nông nghiệp.
Thương Ưởng còn là người sớm biết sử dụng thuế như một công cụ hữu hiệu để điều chỉnh sản xuất trong xã hội, mà cụ thể là đẩy mạnh nông nghiệp, hạn chế thương nghiệp: “ muốn cho nhà nông làm giàu cho nước, thì trong nước phải quý lương thực, và phải đánh thuế nặng những người không làm nghề nông. Các tô thuế của bọn trục lợi phải nặng thì dân không thể không có ruộng, vì
124
không có ruộng thì cũng phải đổi lấy lương thực mà ăn. Lương thực đắt, thì người làm ruộng sẽ lợi, người làm ruộng có lợi thì người làm ruộng đông. Lương thực đắt, mua thóc sẽ không có lợi, mà còn bị thuế nặng, thì dân không thể không bỏ nghề buôn bán và công nghệ mà chuộng cái lợi của nghề nông.” (56. 202).
Tóm lại, Thương Ưởng ra sức đề cao chính sách khuyến nông, coi đó là một công cụ mạnh mẽ để củng cố nền chính trị: Quốc phú binh cường.
2.3.3.2 Tư tưởng kinh tế của Hàn Phi Tử
Có thể nói, Hàn Phi Tử là người đầu tiên sáng tạo ra thuyết “con người kinh tế”. Tư tưởng kinh tế của ông xuất phát từ chủ nghĩa lợi kỷ, cho nên có thể gọi đó là chủ nghĩa kinh tế lợi kỷ. Ông cho rằng, thiên tính của con người là tự tư tự lợi, sẵn sàng giết nhau vì miếng ăn hay chức vị. Mọi hành vi của con người đều xuất phát từ lợi ích bản thân: “ Vả lại, cha mẹ đối với con, sinh con trai thì chúc mừng nhau, nhưng sinh con gái thì giết đi. Con trai con gái đều từ lòng mẹ sinh ra, sinh con trai thì chúc mừng nhau, nhưng sinh con gái thì giết đi, đó là vì nghĩ đến cái thuận tiện về sau, tính đến cái lợi lâu dài. Do đó, cha mẹ đối với con cái vẫn dùng lối tính toán mà đối xử với nhau, huống nữa là những người không có cái ân huệ của cha mẹ đối với con cái?” (35. 163).
Ông cho rằng nguyên nhân của mọi sự đói nghèo là do dân số tăng quá nhanh vượt xa sự tăng gia của sản xuất: “ Người ngày nay có năm đứa con không cho là nhiều. Mỗi đứa con có năm đứa con, ông nội chưa chết mà đã có hai mươi lăm đứa cháu. Vì vậy cho nên người thì đông mà của cải thì ít, làm việc vất vả mà nuôi sống vẫn kém. Cho nên tranh giành. Dù thưởng gấp đôi, và phạt nặng hơn nhiều cũng không khỏi làm loạn.” (35.193). Từ đó dẫn đến chuyện trộm cắp, lừa gạt... để duy trì sự sống của mình. Phải chăng Hàn Phi Tử đi trước cả Đácuyn, Mantuýt?
Chính vì thiên tính lợi kỷ của con người là cố hữu cho nên không cần phải thay đổi nó, mà để duy trì sự tồn tại của xã hội, cần dùng đến luật pháp để hạn chế thiên tính đó. Pháp luật vừa là công cụ điều chỉnh quan hệ lợi ích giữa người
125
với người, vừa là phương tiện để bảo hộ cho chủ nghĩa vị lợi phát triển. Ông cho rằng, người nghèo là do kết quả của sự lười biếng và xa xỉ, người giàu là kết quả của sự chăm chỉ và ra sức kinh doanh. Cho nên, để khuyến khích lao động, khuyến khích làm giàu cần miễn thuế cho người giàu và đánh thuế thật nặng người nghèo: “ Nay nếu có những người như nhau, nếu không được mùa và không có cái lợi từ bên ngoài đến mà một người nào đó riêng anh ta được đầy đủ, thì đó là do sức của anh ta, hay do anh ta tiết kiệm. Mọi người đều như nhau, nếu không gặp đói kém dịch bệnh, tai hoạ,mà một người nào đó riêng anh ta bị nghèo đói, thì hoặc do anh ta lười biếng, hoặc do anh ta xa xỉ. Kẻ dốc sức tiết kiệm thì giàu, kẻ xa xỉ lười biếng thì nghèo. Nay nhà vua lại đánh thuế của người giàu cấp cho người nghèo như vậy là cướp của cải của những kẻ dốc sức và tiết kiệm để cho kẻ xa xỉ và lười biếng. Làm như thế mà muốn dân hăng hái làm việc và tiết kiệm tiêu dùng là không thể được.” (35. 212).
Tóm lại, xuất phát từ thiên tính lợi kỷ của mỗi con người, Hàn Phi Tử đề
xuất chủ nghĩa kinh tế lợi kỷ. Trong nền kinh tế đó tất yếu phải có luật pháp mạnh và công bằng để duy trì trật tự xã hội. Trong cuộc đâu tranh khốc liệt giành sự sống còn ấy và để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế, nhà nước bảo hộ và đứng về phía người giàu, kẻ mạnh. Luật pháp và thuế là hai công cụ chính để thực thi chủ nghĩa kinh tế vị lợi