Đặc điểm lớn của triết học Trung Quốc cổ đại là quan niệm Vũ trụ vạn vật đồng nhất thể. Đặc điểm này quán xuyến toàn bộ các hệ thống triết học sau này
73
như Nho, Lão, Pháp. Trong cái vũ trụ ấy bao gồm con người và cả xã hội. Đứng đầu xã hội là thiên tử. Thiên tử có trách nhiệm nuôi dưỡng dân, bảo vệ sự bình yên cho dân, hào 6 quẻ Sư viết: “Vị vua lớn chịu mệnh trời, mở nước, giúp nhà, không dùng kẻ tiểu nhân vào việc này được”. Các tác giả của Kinh Dịch đã thống nhất thần quyền với thế quyền, mượn trời để thuyết minh cho hành vi của thánh nhân, “chịu mệnh trời”. Việc mở mang đất nước là việc của con trời, con trời chấp hành mệnh trời là kẻ thống trị duy nhất và tuyệt đối thiên hạ. Chiến tranh thôn tính các nước láng giềng gần như là phương pháp duy nhất để chiếm đoạt đất đai, của cải và nô lệ. Do đó, việc năm trong tay quân đội là biện pháp hữu hiệu để giai cấp thống trị duy trì và củng cố quyền lực, cũng như gây chiến tranh. Các tác giả của Kinh Dịch đã có nhiều tư tưởng về phép dụng binh có giá trị mà nhiều người trong phái Binh gia sau này phải vận dụng đến.Ví dụ, trong quẻ Sư có nói đại ý về phép dụng binh như sau: Bất đắc dĩ mới phải ra quân, ra quân phải nêu được chính nghĩa;dùng tướng phải xứng đáng với trọng trách; kỷ luật phải nghiêm minh, nhưng không để mất lòng quân, dân; gặp địch ở thế mạnh thì hãy tạm lánh; kẻ tiểu nhân có công chỉ nên khen thưởng tiền bạc, không bổ nhiệm chức tước; chức tước phải trao cho người có đủ đức, tài thì đất nước mới mong thịnh trị...Đây cũng là những manh nha chủ trương Thuật mà Pháp gia sau này vận dụng.
Trong quẻ Di có nói rõ kẻ làm vua không những phải nuôi dưỡng thể xác mà còn phải nuôi dưỡng cả đạo đức người dân. Trong khi giáo dục dân phải bao dung, có khi phải sử dụng cả pháp luật, nhưng cũng không nên quá lạm dụng gông cùm khiến dân sợ phải nghe theo, đến lúc nào đó, dân sẽ nổi dậy chống lại, mà phải dùng lối thuyết phục là chính. Đây là những chủ trương dùng đức trị, mà Khổng Tử sau nay kế thừa. Trong quẻ Phệ Hạp nhấn mạnh trong trường hợp dùng hình pháp thì phải nghiêm minh, cương quyết để tỏ rõ uy quyền của vua, nhưng cũng cần có đức nhu để thi ân, bố đức. Trong hào 5, hào 3, hào 2 của quẻ có nói: vua phải trung chính thì hình ngục mới có người phục, không bị oán.
Trong Kinh Thư, thiên Hồng Phạm đã khái quát toàn bộ học thuyết về chính trị và đường lối trị quốc thời Ân Thương thành chín phạm trù, gọi là cửu
74
trù, thường gọi tắt là cửu trù Hồng Phạm. Chúng tôi sở dĩ đặt thiên Hồng phạm ở mục này của chương 2,bởi nó thể hiện một cách rât sớm và khá đầy đủ quan niệm “thiên nhân hợp nhất”, và triển khai vào lĩnh vực quản lý xã hội. Có thể tóm tắt toàn bộ nội dung của cửu trù như sau:
1. Ngũ hành (kim, mộc,thuỷ, hoả, thổ): đó là sự khái quát những chất liệu
cấu thành thế giới;
2. Ngũ sự (mạo, ngôn, thị, thính, tư): mạo là dung mạo, phải luôn cung kính; ngôn là lời nói, phải theo lẽ phải; thị là nhìn nhận, phải sáng suốt; thính là tai nghe, phải rõ ràng; tư là suy nghĩ, phải sâu sắc. Những ai có đủ ngũ sự được xem là người khôn ngoan, sáng suốt.
3. Bát chính (thực, hoá, tự, tư không, tư đồ, tư khấu, tân, sư - tám vấn đề
chính sự phải làm): thực là cái ăn uống của dân; hoá là tiền của của xã hội; tự là việc tế tự; tư không là việc công chính; tư đồ là việc giáo dục; tư khấu là việc an ninh; tân là việc ngoại giao; sư là việc quân sự.
4. Ngũ kỷ (năm, tháng, ngày, tinh tú, lịch số) là những vấn đề thiên văn,
lịch pháp làm căn cứ cho việc điều hành chính sự, và nông nghiệp.
5. Hoàng cực: ngôi vua. Người làm vua phải dựng lên những chuẩn mực
đạo đức cho dân theo.
6. Tam đức (ba cách đối xử-nhu, cương, trực): bình thường thì đối xử
thẳng thắn; gặp kẻ cường ngạnh thì phải cứng rắn; đối với bậc cao minh hay ôn hoà thì phải mềm mỏng.
7. Kê nghi gồm việc bói để biết ý trời, việc hỏi ý kiến đa số (gồm dân và
quan) để biết ý dân.
8. Thứ trưng: các điềm trời báo hiệu về những hành vi của vua. Ví dụ: mưa nhiều: vua làm việc rồ dại; đại hạn: vua sai lầm...
9. Ngũ phúc và lục cực: ngũ phúc là kết quả tích cực của đạo đức và chính
trị, còn lục cực là kết quả tiêu cực. Ngũ phúc gồm: phú (giàu), thọ (sống lâu), khang ninh (mạnh khoẻ), du hảo đức (đức tốt), khảo chung mệnh
75
(sống thoải mái đến già). Lục cực gồm: hung đoản chiết (tử nạn, chết non), tật ((bệnh), ưu (lo buồn), bần (nghèo), ác (ác nghiệt, xấu), nhược(yếu đuối).
Cũng như Kinh Dịch, cửu trù Hồng Phạm cũng được phủ lên một lớp sơn thần bí để biện minh cho tính hợp lý, khẳng định lòng tin cho tầng lớp dân chúng trước tầng lớp lãnh đạo, cai trị. Điều này dễ hiểu, vì lúc này, phương thức sản xuất còn lạc hậu, lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên thì việc có một ông Trời đứng ra làm phép tắc cho con ông dùng để trị dân ai mà không nghe cho được. Sự thống nhất vương quyền và thần quyền là một thủ đoạn chính trị mà giai cấp thống trị thời kỳ này tận dụng triệt để.
Nhìn một cách tổng quát nhất vào nội dung của cửu trù Hồng Phạm, ta có thể thấy rõ logic của cách đặt vấn đề như sau: Xuất phát từ tiên đề thiên nhân cảm ứng, thiên nhân tương dữ... từ đó suy ra trời có ngũ hành thì người có ngũ sự. điều khiển hành vi của con người bằng việc cảm ứng thông qua thời tiết (Ngũ trường: mưa, nắng lạnh, ấm, gió). Tuỳ thuộc vào hành vi của con người mà điềm trời có thể lành hay dữ. Do vậy trong xã hội mới nảy sinh một đội ngũ chuyên đi xem xét các điềm, đó là đội ngũ thầy bói, chính xác hơn phải gọi là tăng lữ vì họ tự nhận họ có khả năng cảm ứng với trời. Đội ngũ này nhiều khi có uy tín trong xã hội còn hơn cả vua. Theo lý luận của cửu trù, trời chỉ ban điềm lành khi con người thực hiện ngũ sự, tuân theo ngũ sự. Mà những người biết được ngũ sự là đội ngũ tăng lữ, và quý tộc. Chỉ có họ mới biết cung kính, sáng suốt, suy nghĩ sâu sắc... cho nên, người dân không có cách nào khác là theo sự chỉ bảo của họ. Mặt khác, để minh chứng cho tác dụng của điềm, lý luận của cửu trù còn đưa ra cặp phạm trù ngũ phúc và lục họa. Sở dĩ người ta được hưởng ngũ phúc là vì họ tuân thủ đầy đủ ngũ sự, những người không theo ngũ sự sẽ bị trời trừng phạt lục họa.
Như vậy có thể thấy, sự thống nhất giữa vương quyền và thần quyền cũng được tận dụng triệt để nhằm biện minh tính hợp lý cho sự thống trị của giai cấp quý tộc.
76
Trong Cửu trù cũng đã đặt vấn đề về tư cách của một ông vua mẫu mực. Sự mẫu mực của vua sẽ là khuôn mẫu cho người dân noi theo. Khuôn mẫu gồm: Không thiên lệch, không bè đảng; vua phải ghi nhớ công lao của người dưới; thu dùng người tài làm việc, mặc dù có thể họ chưa thiện, nhưng chưa phạm tội; quan lại có tội thì phải khiển trách, không nể nang; không bắt nạt kẻ cô độc yếu thế; khuyến khích người giàu làm điều thiện, không ban tước lộc cho bọn bất lương;... Tham khảo tam đức, ta thấy rằng, chủ trương của cửu trù là dùng đức trị. ở một khía cạnh nào đấy, tư tưởng thiên nhân tương dữ cũng phát huy tính tích cực của nó khi nó là tiêu chí để đánh giá hành vi của vua (thứ trưng), buộc vua phải hành sử trong một khuôn khổ nhất định, và hơn thế nữa phần nào tính dân chủ trong quản lý xã hội cũng được phát huy (kê nghi).
Tóm lại, thiên Hồng Phạm chứa đựng trong nó một hệ thống tri thức phong phú gồm cả vũ trụ quan,xã hội quan và nhân sinh quan. Song sở dĩ chúng tôi xếp nó ở phần xã hội quan vì nhận thấy điểm tập trung nhất là nó nhấn mạnh các hành vi mang tính xã hội rất cao. Mặc dù ở trình độ còn khá sơ khai, nhưng Cửu Trù Hồng Phạm đã đặt ra khá nhiều những vấn đề chính sự cũng như chính trị, nó có giá trị tham khảo khá lớn cho các nhà tư tưởng sau này như Khổng Tử, Mạnh Tử,... căn cứ vào để xây dựng học thuyết của mình.