Tính cách nhân vật– đăc trưng của chất nghịch dị kiểu Banana

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của yoshimoto banana (Trang 30)

Nghịch dị (tiếng Pháp: grostesque), xét ở góc độ văn học, là “một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật (hình tượng, phong cách, thể loại) dựa vào huyễn tưởng, tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp và tương phản một cách kì quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài, cái giống như thực với cái biếm họa (người viết nhấn mạnh) [34]. Kiểu nhân vật này đã hình thành từ rất sớm, với việc phóng to hết cỡ hoặc thu nhỏ hết cỡ được xem như một đặc trưng của văn hóa dân gian nhằm gây tiếng cười giải trí hoặc phê phán. Trải qua các giai đoạn, nghịch dị trở thành thủ pháp nghệ thuật với những màu sắc riêng ở từng nền văn học, từng thời kì văn học, từng tác giả. Bắt đầu thời văn học Phục Hưng, với Gargantua et Pantagruel, F. Rabelais đã sử dụng bút pháp nghịch dị như là sự khuếch đại cực độ một cá thể nào đó nhằm làm nổi bật sự

vượt ngưỡng của nhân vật khỏi những giới hạn thông thường lúc bấy giờ. Qua đó, nhà văn bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm và kêu gọi con người tự giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc thời Trung cổ. Trong thời kì văn học Khai sáng, các nhà văn đã sáng tạo ra “kiểu nghịch dị châm biếm cay độc, lật tẩy cái thế giới của sự dốt nát và áp bức”. Điều này có thể thấy ở các nhân vật như Zadig, Candide trong các tác phẩm cùng tên của Voltaire. Đến thời kì văn học Lãng mạn, các nhà văn tiêu biểu của giai đoạn văn học đó như Victor Hugo, thông qua những nhân vật, đặc biệt là Quasimodo trong Thằng gù nhà thờ Đức Bà, đã “dùng cái nghịch dị để nhấn mạnh tình trạng chưa giải quyết của những đối kháng, những tương phản, nhất là về thẩm mĩ và đạo đức”. Đến thế kỉ XX, chất nghịch dị đã xuyên thấm vào các khuynh hướng nghệ thuật như chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa hậu hiện đại… Nghịch dị tạo ra cho nhân vật đặc điểm của con rối hoặc là chủ thể của những hành động phi lí, chẳng hạn các nhân vật trong tác phẩm của Kafka, Brech, Ionesco, Piradelo…

Nói tóm lại, hiểu theo một nghĩa chung nhất, nghịch dị là sự kết hợp giữa cái bình thường và cái không bình thường, nhân hình và phi nhân. Có thể hiểu đó là sự biến dạng so với lẽ thông thường, trái với lẽ thường. Điểm qua những biểu hiện của chất nghịch dị trong từng thời kì văn học để thấy rằng Y. Banana đã chịu ảnh hưởng của văn học thế giới nhưng bà đã sáng tạo cho phù hợp với thế giới quan của cá nhân và với mĩ cảm Nhật Bản đương đại.

Banana thể hiện tính chất nghịch dị trong nhân vật của mình không phải ở sự phóng to hết kích cỡ nhân vật về ngoại hình, không ở sự tập trung khuếch trương năng lực trí tuệ, không ở sự tương phản giữa ngoại hình và tính cách, không ở sự phi logic giữa cá nhân với những hành động phi lí của họ… mà tập trung thể hiện chất nghịch dị ở nhân vật của mình theo kiểu: nhân vật vẫn sẽ có sự biến dạng, sự khác thường về tâm lí, tính cách và quan điểm sống. Y. Banana miêu tả nhân vật khách quan như một người đứng nhìn từ xa với một khoảng cách nhất định, những dòng chữ trên trang văn tựa như cuộn phim đang quay với sự miêu tả chi tiết và cận cảnh những khác lạ trong tâm lí, tính cách nhân vật. Cái

đích mà tác giả hướng tới dường như không phải là sự giải quyết những đối kháng, những quan niệm thẩm mĩ, đạo đức… mà nhằm thực hiện mục đích chỉ rõ sự cô đơnsâu thẳm của con người đương đại. Kiểu nghịch dị của nhân vật trong tác phẩm của Y. Banana được thể hiện bằng cái lạ (được hiểu như là cái dị biệt hơn so với lẽ thường), và thường tác giả chỉ quan tâm nhiều đến cái lạ trong nội tâm, tính cách. Nói rõ hơn, kiểu nghịch dị trong nhân vật của Y. Banana nằm ở sự mâu thuẫn nhưng thống nhất của hai mặt trong một tính cách. Điều này làm nên chất riêng của thế giới nhân vật trong tác phẩm của Y. Banana, và đây chính là sáng tạo độc đáo của Y. Banana rất phù hợp với tính cách đặc trưng của con người Nhật Bản. Trong tác phẩm nổi tiếng Chrysanthemum and the Sword: Patterns of Japanese Culture (1946), R. Benedict đã nghiên cứu về “tính quốc dân” Nhật Bản dưới sự đặt hàng của chính phủ Mĩ nhằm hiểu về đối thủ trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuốn sách cho thấy, người Nhật là kẻ thù khó hiểu nhất mà nước Mĩ phải đương đầu bằng cả tính mạng. Tác giả cố gắng tìm cách để hiểu tính cách đầy mâu thuẫn của người Nhật. Đó là sự mâu thuẫn giữa chủ nghĩa thẩm mĩ kín đáo, biết kiềm chế. R. Benedict cũng gọi văn hóa Nhật Bản là “văn hóa xấu hổ”, bởi người Nhật hay để ý đến cái nhìn của những người chung quanh về họ. Theo bà, “người Nhật vừa hung bạo vừa hiền hòa, vừa nghiêm khắc vừa thơ mộng, vừa cứng ngắc vừa nhu nhuyễn, vừa trung thành vừa phản trắc, vừa can đảm vừa hèn nhát, vừa bảo thủ vừa cấp tiến… và chịu ảnh hưởng cùng lúc của Thần đạo, Nho, Phật, Lão…” [116]. Thực ra, dạng tính cách “hai thái cực” này của người Nhật không có gì khó hiểu, bởi nó đã được hình thành trong tư duy và mỉ cảm của những con người sống trên đảo quốc này từ rất xa xưa, thể hiện rõ trong các văn bản văn học truyền thống (như Truyện Genji 3

chẳng hạn). Tính cách “lưỡng phân” này hoàn toàn phù hợp với cảm quan của những con người sống trong vùng khí hậu ôn hòa, thiên nhiên tươi đẹp, nhưng cũng là vùng gánh chịu thảm họa thiên nhiên nặng nề nhất. Mỗi người Nhật biết quý trọng khoảng thời gian ngắn ngủi của đời người để được sống, được yêu;

nhưng họ cũng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống bởi sự nhận thức về cái hữu hạn của đời người. Tính lưỡng phân trong tính cách mỗi người Nhật Bản, theo chúng tôi, đã được Y. Banana thể hiện thành công trong các nhân vật của mình – các nhân vật nghịch dị. Hơn thế, Banana đã tập trung khám phá chất nghịch dị này ở những con người Nhật Bản trẻ tuổi – khoảng thời gian con người đang bắt đầu làm quen với những khó khăn trong cuộc sống, nhất là về tinh thần. Họ phải đối diện và thích nghi với nỗi đau. Song, đó cũng là khoảng thời gian người ta sống nhiệt thành, phơi trải, đầy đam mê và hi vọng. Mỗi nhân vật trong tác phẩm của Y. Banana tạo được một dấu ấn đặc biệt trong lòng người đọc. Dù trong tiểu thuyết hay truyện ngắn, nhân vật của Y. Banana luôn tạo lập được “màu sắc” cho bản thân mình. Nhân vật với tính cách nghịch dị, không nhất thiết là người tốt hay hoàn thiện nhưng họ là những người chân thật như chính cuộc sống. Theo chúng tôi, bút pháp xây dựng tính cách nghịch dị trong nhân vật của Y. Banana theo những nội dung sau:

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của yoshimoto banana (Trang 30)