Những mô hình gia đình đặc biệt

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của yoshimoto banana (Trang 46)

Thế chiến thứ hai và công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh đã kéo phụ nữ Nhật Bản tham gia vào đội ngũ làm kinh tế. Vai trò của họ dần được xã hội chấp nhận và nhiều người đã giữ được những vị trí quan trọng. “Nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ Nhật Bản ngày nay phần lớn không có khả năng chăm sóc nhà cửa, vun vén gia đình như mẹ hay bà của họ, nghĩa là không nhất thiết phải tuân thủ theo đức tính tùng - thuận truyền thống. Ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật lựa chọn cuộc sống tự do. Các vấn đề mới như nữ quyền (women rights), chủ nghĩa nữ quyền (feminism), và dòng văn học tranh đấu cho nữ quyền được quan tâm. Các nhà văn nữ đã có những hoạt động đáng kể, tương đối mạnh mẽ và ấn tượng có Yoshimoto Banana và Yamada Eimi.” [113] Đặc biệt, trong tác phẩm của Y. Banana, người phụ nữ là trung tâm của các mối quan hệ. Ở đó, lối sống hiện đại đã tác động sâu sắc đến cuộc sống phụ nữ Nhật. Nhìn chung, người phụ nữ trong văn học Nhật Bản hiện đại luôn có nhu cầu “thoát vai”. Trong văn chương Banana, việc đi tìm một mẫu hình thay thế (alternative mode)

cho mô hình hiện tại là một điểm quan trọng. Vì thế, trong tác phẩm của Banana, ta bắt gặp những mô hình gia đình không theo chuẩn truyền thống, những thành viên trong gia đình cư xử với nhau như những người bạn thân không phân biệt tuổi tác. Có người vừa là bố, vừa là mẹ; vừa là mẹ vừa là bạn; vừa là em vừa là bạn…

Trong Amrita, bố của Sakumi mất sớm, mẹ Sakumi tái giá rồi sinh thêm Yoshio nhưng lại ly hôn. Bây giờ, Sakumi cùng với mẹ, Yoshio, cô em họ Mikiko (đang ở nhờ) và cô Junko (bạn thiếu thời của mẹ Sakumi) cùng nhau ở chung một nhà rất vui vẻ. Không còn giữ cái kết cấu chồng - vợ - con truyền thống nhưng mô hình gia đình đó vẫn sống khá hòa thuận và thân thiên. Một mô hình gia đình kỳ lạ. Hóa ra, chỉ cần nơi nào có thể tìm thấy được hạnh phúc, chỉ cần nơi nào có thể hàn gắn được những khoảng trống mất mát thì dù cho không có mối quan hệ huyết thống đi nữa, ở nơi đó, người ta vẫn có thể sống được với nhau. Sakumi cho rằng, “Khi một thành viên sống cùng mái nhà bỗng nhiên ra đi vì lý do nào đó, người ta khó tránh khỏi tâm trạng nặng nề rất khó diễn tả bằng lời. Có lẽ cái được gọi là gia đình sẽ được hình thành từ một nhóm người nào đó, trong đó nhân vật trung tâm có khả năng duy trì một trật tự nhất định giữa các thành viên (trong nhà tôi, người đó chính là mẹ).” [87]

Trong N.P cũng có những mô hình gia đình kì lạ như thế. Gia đình của Kazami Kano (nhân vật tôi) không có bố, chỉ có mẹ và hai chị em Kazami. “Một ngày chúng tôi đổi tuổi tác và vai trò cho nhau đến mấy bận. Khi người này khóc thì người kia dỗ dành, khi người này nói những lời yếu đuối thì người kia động viên khích lệ, khi người này làm nũng thì người kia vỗ về chiều chuộng, khi người này tức giận thì người kia sửa chữa lỗi lầm” [85, 20]

Trong Kitchen, Eriko là bố của Tanabe nhưng sau khi mẹ của Tanabe mất, ông đã quyết định cải giới để trở thành người mẹ chăm sóc cho Tanabe một cách chu đáo. Không chỉ vậy, Eriko còn quan tâm và cư xử với con trai mình như hai người bạn, rất thoải mái và gần gũi. Vì thế, với Tanabe, Eriko là “người bạn

cùng phòng duy nhất, người mẹ duy nhất và người cha duy nhất”.

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của yoshimoto banana (Trang 46)