Manga thường có những câu chuyện mang tính giả tưởng, giúp người đọc quên đi những mệt nhọc hằng ngày, giải tỏa những cơn stress ở công ty. Ảnh hưởng của manga, tác phẩm của Y. Banana mang yếu tố huyền rất giống với dạng không khí trong manga. Nếu như trong tác phẩm của Murakami Haruki, bầu không khí đầy tính siêu thực, hàm chứa sự bí ẩn được tạo nên từ tiềm thức và vô thức thì trong tác phẩm của Y. Banana, lối kể chuyện huyền bí nhưng có phần nhẹ nhàng, mềm dẻo. Câu chuyện được kể với những điều bất ngờ không thể lường trước được như chính cuộc sống hiện tại đang trôi chảy đầy bất an. Nhân vật thường sống trong thế giới huyền, thế giới của linh cảm, cảm giác.
Nhân vật tôikhông ngừng cảm nhận thế giới xung quanh và kể chuyện với tốc độ cực nhanh. Có nhiều tình huống lao đi vun vút trên một hai trang truyện. Nhiều sự kiện bất ngờ nhưng diễn ra nhanh đến mức người đọc cảm giác được sự hụt hẫng, chới với trong lòng các nhân vật vì chưa kịp để nắm bắt, thích nghi. Nhịp kể nhanh như chính cuộc sống tất bật đang trôi qua rất nhanh. Những sự kiện bất ngờ được kể một cách đột ngột. Người đọc thấy được ở đó sự vô thường
của cuộc sống, của lẽ sống – còn trong đời người. Người ta xuất hiện bất ngờ trong cuộc đời rồi cũng kết thúc cuộc sống một cách bất ngờ đáng kinh ngạc. Kết thúc phần một của tác phẩm Kitchen, tôi – Mikage vẫn đang trò chuyện vói Eriko về những điều giản dị nhưng chứa đựng những triết lí nhân sinh sâu sắc; vậy mà sang phần hai, sự việc bắt đầu với tin về cái chết của Eriko. Mikage sốc và người đọc cũng thế. Giọng văn đầy tính đột ngột: “Cô Eriko chết, vào một ngày cuối thu” [84, 77]. Cái chết của Shoji trong N.Pcũng được kể một cách rất đột ngột. Vừa mới hẹn Kazami ra biển, vừa nói chuyện điện thoại với Shoji, thì Shoji đã tự sát. Rồi những mảnh tro từ xương của Shoji mà Sui đã lén cất giữ từ lo thiêu xác rồi đưa lại cho Kazami, được miêu tả bằng một giọng văn siêu thực, huyền bí và cũng không kém phần hồi hộp, bất ngờ:
“Nói rồi Sui đi sang căn phòng bên cạnh, mở ngăn tủ hốc tường và lấy ra một cái hộp gỗ nhỏ.
Câu hỏi của tôi lúc đó thật tức cười.
- Ngà voi hay cái gì thế?
- Gần như vậy. – cô ta đáp. – Thử mở ra coi.
Có cái gì đó rất nhẹ. Tôi mở thật khẽ khàng. Trên miếng bông là một mảnh vỡ, trắng đến sởn da gà. Có cả màu vàng… thứ màu của thời gian, giống như tòa nhà này. Thứ màu mà tôi biết rất rõ. Tâm thức tôi bỗng nhiên rời rã.” [85, 135]
Cảm giác giật mình của Kazami và của người đọc hòa nhau làm một. Có lẽ không phải Kazami giật mình vì sợ, mà cô run lên vì kí ức được gọi về, những kỉ niệm về Shoji bấy lâu vẫn nằm yên, nay lại hiện hữu “bằng xương bằng thịt”. Và cũng có lẽ do cô đã linh cảm được đó sẽ là thứ liên quan đến Shoji chăng?
Trong Bóng trăng, người đọc vừa được giới thiệu nhân vật Hitoshi thì sau đó vài trang truyện, người đọc phải chứng kiến cái chết của anh, chỉ bằng một câu văn: “Suốt hai tháng kể từ ngày Hitoshi không còn nữa, hôm nào tôi cũng tựa mình vào thành lan can của cây cầu bắc ngang con sông ấy và uống những bình trà nóng” [84, 185].
Mikage và Yuichi (Kitchen) đang nói chuyện với nhau về những món đồ mà Mikage sẽ mang theo đến Izu. Bỗng Yuichi bảo “Nhìn kìa, trăng đẹp quá”.
Yuichi nhìn lên không trung và chỉ cho Mikage vầng trăng bàng bạc mùa đông,
“vầng trăng mười ba cuối cùng trong năm. Ánh trăng vằng vặc, trăng sắp tròn”
[84, 103]. Mạch truyện đang gấp gáp trong sự bận rộn chuẩn bị cho chuyến đi của Mikage, sự bất ngờ xuất hiện của ánh trăng làm cho câu chuyện bỗng giãn nở ra, êm dịu kì lạ và đẹp như một bài thơ. Người đọc như hòa vào tâm trạng của nhân vật để cảm nhận được vẻ đẹp của ánh trăng. Với những hành động tâm lý bất ngờ, văn phong Y. Banana có tính bất ngờ và huyền bí, đôi khi cũng được hiểu là tính gây sốc.