Không gian giấc mơ

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của yoshimoto banana (Trang 79)

Giấc mơ là “sản phẩm đầy ý nghĩa của cảm xúc bị dồn nén” [72, 55]. Trong không gian giấc mơ, nhân vật xử sự theo bản năng mà không bị bất cứ sự chi phối nào của ý thức lí tính.

Với ý nghĩa đó, giấc mơ là nơi giải tỏa hết những ẩn ức trong lòng người. Mọi vấn đề khó khăn nhất, những ngưỡng cửa khó bước qua nhất, đều được giải quyết trong giấc mơ.

Trong tác phẩm của Y. Banana, giấc mơ mang ý nghĩa của nơi trời đất giao hòa trong vô tận. Ở đó, thời gian của quá khứ với những kỉ niệm từng diễn ra, thời gian hiện tại với niềm hi vọng và thời gian tương lai với những dự cảm tốt đẹp luôn đan kết vào nhau, khiến cuộc sống như ngưng tụ tại giấc mơ. Như thế,

mơ là cách để gọi lại kí ức, khơi lại quá khứ tươi đẹp, ám ảnh chia ly ở hiện tại và niềm khát khao hội tụ. Mikage trong Kitchen“thấy mình đang kì cọ bồn rửa bát trên cái bệ bếp”, thấy “cái màu ô liu của sàn nhà”, cái màu quen thuộc trong ngôi nhà cũ khi bà Mikage còn sống. Nhưng trong giấc mơ về một cảnh tượng trong quá khứ ấy cũng có Yuichi, cùng Mikage lau bếp, uống trà trong một không gian tĩnh mịch. Giấc mơ của Mikage phản chiếu một ước mơ sâu thẳm: muốn được sống trong ngôi nhà nhiều kỉ niệm của mình, với cảm giác có bà hiện diện và được cùng với Yuichi chia sẻ vui buồn.

Sakumi trong Amrita mơ thấy mình trò chuyện cùng với người phụ nữ có hai trí nhớ. Cũng giống như Sakumi, người đó đã cận kề cái chết (trong một vụ tai nạn) rồi có thêm được một trí nhớ của người có tên giống cô ấy nhưng đã chết trước đó. Cũng được hồi sinh khi đang cận kề cái chết, Sakumi chia sẻ với với người phụ nữ đó những cảm nhận kì lạ khi có sự cộng hưởng của hai trí nhớ trong bản thân mình như là cách để cô giãi bày tâm sự sâu kín của bản thân mình. Giấc mơ của Sakumi chính là sự âm vang của kí ức, của quá khứ, của sự bàng bạc vì không nhớ ra một nửa trước đó của mình. Giấc mơ hay chính là cách để Sakumi được hồi sinh và lấy lại cân bằng giữa cuộc sống trước khi gặp tai nạn (với bao biến cố trong gia đình) và cuộc sống hiện tại không âu lo.

Terako trong Say ngủ với nỗi trống vắng vì cô bạn thân ở cùng phòng đã mất. Cuộc sống bình yên của Terako bị tan vỡ bởi Shiori không còn nữa. Terako ngủ vùi bên chiếc giường bởi cô chưa tìm lại được sự thăng bằng. Terako đã mơ một giấc mơ về Shiori, lần đầu tiên kể từ khi Shiori mất. Giấc mơ thực và sống động như ước muốn được trở về với cuộc sống trước kia có Shiori. Shiori ngồi tỉ mẩn cắm từng bông hoa, và khi Terako đang ngủ thức giấc thì có Shiori bên cạnh. Sau giấc mơ ấy, Terako còn phát hiện ra rằng, chính bản thân mình đang rơi vào một hố cô đơn, cũng hệt như những con người mệt mỏi và cô đơn từng đến chỗ làm của Shiori để có người bên cạnh trong lúc ngủ. “Tôi đã hiểu. Cuối cùng tôi cảm thấy mình cũng đã thực sự hiểu ra. Chính tôi là người cần có ai đó ngủ bên cạnh” [89, 66]. Như vậy, giấc mơ giúp người ta khám phá được chính

mình, giúp nhân vật nhận thức được nhu cầu của bản thân.

Điều đặc biệt trong tác phẩm của Y. Banana là mối quan hệ giữa hiện thực và giấc mơ là mối quan hệ hai chiều. Nghĩa là không chỉ có sự tác động của hiện thực lên giấc mơ như sự phản chiếu của ẩn ức, mà giấc mơ còn có sự tác động trở lại với hiện thực tạo nên những linh cảm. Trong giấc mơ, Kazami (Amrita) đã khóc. Khi tỉnh dậy, dù vẫn thấy “bầu trời mùa hạ trong suốt”, dù vẫn cảm nhận được “một chút gió mát lùa vào từ ô cửa sổ đang mở” [87, 22], nhưng những xúc cảm của giấc mơ vẫn len lỏi vào hiện thực, cho Kazami một linh cảm về một điều gì đó không mấy bình yên. Kazami liên tục làm hỏng việc, đánh vỡ chén trà, phô tô thiếu trang… Thật vậy, ngày hôm đó, Kazami đã nhận được cú điện thoại từ Sui nhưng cô ta dập máy. Sui gọi chỉ để kiểm tra xem có phải Kazami làm việc ở đó hay không. Và cú điện thoại đó đã bắt đầu cho một câu chuyện tình cảm phức tạp về sau, khi Sui quay về Nhật và tìm Kazami.

Màu sắc chủ đạo trong sáng tác của Y. Banana là màu trắng, màu trắng đục. Đó là màu sương trắng đục, mờ như sự mờ mịt và nhòa nhạt của tâm trạng đang hụt hẫng vì cái chết như trong Bóng trăng, Say ngủ. Đó là màu trắng đến sởn da gà của những mảnh xương của Shoji trong N.P. Trắng là màu của thời gian, màu của tâm thức, cũng là màu của kí ức, giấc mơ.

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của yoshimoto banana (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)