Kiến thức về thuế của người nộp thuế:

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động đến việc tuân thủ thuế của doanh nghiệp tại cục thuế thành phố hồ chí minh (Trang 34)

Ảnh hưởng của kiến thức đến hành vi tuân thủ thuế đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khác nhau (Mohamad Ali & Ctg, 2007). Kiến thức và quan niệm về thuế của người nộp thuế sẽ tạo nền tảng cho việc đánh giá, nhận thức về tính công bằng và sự sẵn lòng cũng như năng lực để tuân thủ các quy định của thuế. Kiến thức chủ quan về thuế, tức là sự hiểu biết về thuế của người dân bình thường nhất, rất quan trọng để hiểu tại sao họ lại cư xử như cách họ đã và đang làm.

Harris (1989) chia kiến thức thuế thành 2 khía cạnh, kiến thức thuế nhận được thông qua quá trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục chính thức và kiến thức thuế chuyên biệt được đào tạo trực tiếp hướng đến các cơ hội có thể trốn thuế. Ở khía cạnh

thứ nhất, trình độ giáo dục người nộp thuế tiếp nhận được là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự hiểu biết chung về thuế đặc biệt liên quan đến pháp luật và thuế (Eriksen và Fallen, 1996). Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng kiến thức chung về thuế có quan hệ mật thiết đến khả năng hiểu pháp luật và các quy định về thuế, và từ đó tuân thủ thuế tốt hơn (Singh, 2003). Eriksen & Fallan (1996) nhận định kiến thức về pháp luật thuế khá quan trọng đối với thái độ và sự ưu ái đối với thuế. Họ cho rằng kiến thức tài chính có tương quan với thái độ thuế và hành vi về thuế có thể được cải thiện bằng một sự hiểu biết về thuế tốt hơn. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lewis (1982).

Eriksen & Fallan (1996) nỗ lực xác định mối quan hệ giữa mức kiến thức thuế và thái độ về thuế bằng cách chia nghiên cứu của mình thành 3 phần. Đầu tiên, họ tập trung điều tra về kiến thức của người nộp thuế, sau đó cố gắng khám phá tác động tổng hợp của kiến thức thuế đến hành vi tuân thủ thuế giữa các cá nhân người nộp thuế, và cuối cùng là nghiên cứu các đại lý thuế nhằm xác định tầm ảnh hưởng của chúng đến hành vi người nộp thuế bởi vì trong hệ thống tự khai tự nộp, đại lý thuế đại diện cho bản thân người nộp thuế trực tiếp chuẩn bị tờ khai, tiến hành khai báo và tính toán nghĩa vụ thuế. Nghiên cứu này phát hiện rằng kiến thức thuế có tương quan dương với nhận thức về công bằng, đạo đức thuế và thái độ đối với việc trốn thuế của người khác. Thái độ về thuế có thể được cải thiện khi kiến thức về thuế tốt hơn, từ đó lần lượt gia tăng tuân thủ và giảm dần việc trốn thuế.

Tuy nhiên, Collin & Ctg (1992) thực hiện một nghiên cứu trên mẫu ngẫu nhiên gồm 700 hộ gia đình ở Mỹ lại cho kết quả trái ngược. Họ phát hiện rằng kiến thức thuế và trình độ giáo dục tương quan nghịch với hành vi tuân thủ thuế. Mặc dù có sự mâu thuẫn giữa kết quả của Collins & Ctg (1992) và kết quả nghiên cứu của Eriksen & Fallan (1996). Kết quả của Eriksen & Fallan hàm ý rằng một cách có ý nghĩa để giảm thiểu việc trốn thuế là cung cấp kiến thức thuế nhiều hơn cho càng nhiều người nộp thuế càng tốt để cải thiện đạo đức thuế và nhận thức về công bằng của hệ thống thuế. Kết quả này cũng hàm ý rằng luật thuế và kiến thức về thuế nên được đào tạo dưới hình thức khóa học bắt buộc trong lĩnh vực kinh tế xã hội ở trường (Eriksen & Fallan, 1996). Không hoàn toàn giống với Eriksen & Fallan (1996), Lewis (1982) nỗ lực nghiên cứu bất kỳ sự thay đổi nào trong thái độ của người nộp thuế xuất phát từ sự tác

động của việc gia tăng kiến thức về thuế có liên quan đến tuân thủ thuế. Lewis (1982) lập luận rằng không có đủ kiến thức về thuế và tình huống này dẫn đến những tác động tiêu cực về mặt kinh tế (một sự gia tăng trong khoảng cách thuế - tax gap). Hệ thống tự khai tự nộp đòi hỏi người nộp thuế có đủ kiến thức và đủ năng lực để am hiểu về thuế, một số vấn đề liên quan đến thái độ thuế, ví dụ như kiến thức thuế hoặc nhận thức về sự công bằng của hệ thống thuế đều tác động đến việc trốn thuế (Jackson & Milliron, 1986). Kiến thức chuyên sâu về thuế kết hợp với những hiểu biết các quy định về thuế, cùng với kiến thức về tài chính giúp người nộp thuế xác định được hậu quả kinh tế những việc làm của họ nếu trốn thuế.

‘ … một cách thành công để ngăn ngừa trốn thuế là cung cấp kiến thức thuế nhiều hơn cho đại bộ phận trong xã hội nhằm cải thiện đạo đức thuế và nhận thức của mọi người về tính công bằng của hệ thống thuế’.

‘ …đó sẽ là một bước đi đúng hướng để thực hiện giảng dạy pháp luật về thuế và kiến thức thuế như một phần bắt buộc của kiến thức kinh tế xã hội được giảng dạy ở trường học’. Eriksen và Fallan (1996)

Tóm lại, theo kết quả từ các nghiên cứu thực nghiệm, rõ ràng việc tăng cường kiến thức thuế cho người nộp thuế là một nhân tố quan trọng trong việc điều hành một hệ thống thuế thành công, nhất là khi áp dụng cơ chế tự khai tự nộp. Thành tựu gia tăng mức độ tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế có thể được xác định khi người nộp thuế có thể hoàn thành tờ khai thuế chính xác và thanh toán đầy đủ nghĩa vụ thuế. Vì vậy để thực hiện những mục tiêu của cơ chế tự khai tự nộp, người nộp thuế cần được thông báo đầy đủ, được giáo dục tốt (nhất là vấn đề về thuế), và đảm bảo trình độ của người nộp thuế đủ để tự cập nhật thường xuyên kiến thức về thuế.

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động đến việc tuân thủ thuế của doanh nghiệp tại cục thuế thành phố hồ chí minh (Trang 34)