Công tác kiểm tra thuế

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động đến việc tuân thủ thuế của doanh nghiệp tại cục thuế thành phố hồ chí minh (Trang 31)

Các nhân tố về kinh tế trong mối quan hệ với tuân thủ thuế đề cập đến những hành động của người nộp thuế có liên quan đến việc cân nhắc chi phí và lợi ích của việc biểu hiện hành động đó (Loo, 2006:96). Hasseldine (1993), Song & Yarbrough (1978) và Torgler & Schneider (2005) cho rằng người nộp thuế nỗ lực tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế của họ bằng cách hướng đến việc khai báo thấp thu nhập tính thuế và hưởng lợi từ phần tiết kiệm thuế tương ứng khi cơ quan thuế không phát hiện hành vi của họ. Mặt khác, họ sẽ sẵn lòng thanh toán nhiều hơn, kể cả khoản tiền phạt nếu họ bị phát hiện (Song & Yarbrough, 1978; Somasundram, 2005; Torger, 2007). Các nhân tố về kinh tế liên quan đến tuân thủ thuế bao gồm: thuế suất, kiểm tra thuế, và nhận thức về chi tiêu chính phủ. Kiểm tra thuế là công việc thường xuyên và liên tục của bất kỳ cơ quan thuế nào. Tác động của kiểm tra thuế đến hành vi tuân thủ thuế của người nộp thuế có thể xem xét ở các góc độ: tỷ lệ kiểm tra, năng lực cán bộ kiểm tra và vòng lập kiểm tra. Witte & Woodbury (1985) phát hiện mối quan hệ dương đáng kể giữa rủi ro kiểm tra thuế và tỷ lệ tuân thủ tự nguyện. Một số nghiên cứu cho rằng kiểm tra thuế có tác động tích cực đến hành vi trốn thuế nghĩa là người nộp thuế đã từng bị kiểm tra thuế bởi các cơ quan thuế thường sẽ tuân thủ thuế tốt hơn. (Jackson & Jaouen, 1989; Shanmugam, 2003; Dubin, 2004). Những phát hiện này đề nghị rằng trong hệ thống tự khai tự nộp, kiểm tra thuế đóng vai trò quan trọng và vai trò trung tâm của nó là gia tăng tính tuân thủ tự nguyện. Kiểm tra thuế cũng có thể làm thay đổi hành vi tuân thủ thuế từ tiêu cực sang tích cực (Butler,1993). Những phát hiện này bổ sung cho nghiên

cứu của Wittle & Woodbury (1985) và Beron & Ctg (1988), họ phát hiện rằng đối với những người sản xuất nhỏ, kiểm tra thuế có tác động đáng kể đến việc tuân thủ thuế. Tỷ lệ kiểm tra và tính triệt để của cuộc kiểm tra sẽ khuyến khích người nộp thuế thận trọng hơn trong việc hoàn thành tờ khai thuế, báo cáo toàn bộ thu nhập, khai báo đúng các khoản giảm trừ để xác định nghĩa vụ thuế của họ. Ngược lại, người nộp thuế chưa từng bị kiểm tra thuế có thể lại tiếp tục khai báo thấp thu nhập thực tế hoặc kê khai sai các khoản khấu trừ. Một nghiên cứu khác của Dubin & Ctg (1987) ước lượng các yếu tố liên quan đến việc khai báo thu nhập dưới dạng hàm tỷ lệ kiểm tra thuế cho giai đoạn 1977-1985 phát hiện rằng tỷ lệ kiểm tra thuế cao thường tác động tích cực đến việc báo cáo thu nhập chịu thuế nhưng trong một số trường hợp, tác động này có thể thay đổi tùy vào loại kiểm tra thuế và đôi khi không phải lúc nào cũng có ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc kiểm tra thuế cũng có tác động lan tỏa nhất định, người nộp thuế không tự kiểm tra việc tuân thủ thuế của họ sẽ phải chi trả nhiều hơn khi tỷ lệ kiểm tra gia tăng.

Như vậy, việc kiểm tra thuế rõ ràng giữ vai trò nhất định trong việc gia tăng tính tuân thủ tự nguyện. Tỷ lệ kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong hành vi báo cáo thuế của người nộp thuế bởi vì người nộp thuế sẽ khai báo toàn bộ nếu họ cho rằng họ sẽ là một trong những người bị kiểm tra thuế trong năm nào đó (Riahi_Belkaoui, 2004; Richardson, 2008). Slemrod & Ctg (1998) điều tra mối quan hệ giữa tỷ lệ bị kiểm tra và phản ứng của người nộp thuế. Nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng hành vi của người nộp thuế thay đổi theo mức thu nhập và tỷ lệ bị kiểm tra thuế đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hành vi trốn thuế.

Nghiên cứu của Evan & Ctg (2005) ở Australia phát hiện rằng lịch sử kiểm tra thuế bao gồm tính chất thường xuyên, kết quả kiểm tra và loại hình kiểm tra có tác động gián tiếp đáng kể đến tuân thủ thuế (cụ thể là việc lưu trữ sổ sách kế toán). Những người không sẵn lòng nộp thuế và hay tìm cách để thoát khỏi các đợt kiểm tra thuế hoặc hình phạt thường cố gắng để hiểu quy trình lựa chọn đối tượng kiểm tra thuế, và ngay cả khi việc kiểm tra mang tính ngẫu nhiên, họ vẫn cố gắng để dự đoán khi nào cuộc kiểm tra kế tiếp sẽ xảy ra (E.Kirchler, 2007).

Kirchler & Ctg (2005) dự đoán rằng tuân thủ thuế lệ thuộc vào tỷ lệ kiểm tra, các biện pháp trừng phạt và khoảng thời gian giữa các lần kiểm tra. Trường hợp việc kiểm tra thuế diễn ra thường xuyên, tuân thủ thuế sẽ lập tức giảm ngay sau cuộc kiểm tra đó và nhanh chóng tăng lại ở đợt tiếp theo. Trường hợp kiểm tra thuế không thường xuyên, tuân thủ thuế cũng giảm sau khi đã được kiểm tra thuế và cũng tăng trở lại nhưng với tốc độ chậm hơn (Kirchler, 2007).

Kết quả nghiên cứu của Andreoni & Ctg (1998) cho thấy kinh nghiệm từ những lần bị kiểm tra trước và việc vẫn tiếp tục bị quản lý từ phía cơ quan thuế đối với hoạt động của họ có tác dụng gia tăng mức độ tuân thủ của người nộp thuế. Bergman (1998) tiến hành nghiên cứu hành vi tuân thủ thuế ở Achentina sử dụng 2 cách thức: 1) cách thức tăng cường tuân thủ thuế đối với người nộp thuế là các tổ chức và 2) các chiến dịch mở rộng và kiểm tra thuế sẽ gia tăng xác suất phát hiện đối với người nộp thuế cá nhân. Kết quả cho thấy rằng khi biết tỷ lệ kiểm tra thuế và khả năng bị phát hiện gia tăng, người nộp thuế sẽ tuân thủ các quy định của luật thuế và khai báo chính xác thu nhập. Ngoài ra, người nộp thuế cũng nhận thấy rằng khi họ sẽ không bị phát hiện vì cơ quan thuế ít khi kiểm tra hoặc thanh tra thuế, họ có thể thực hiện những hành vi trốn thuế phức tạp hơn để hạn chế số thuế phải nộp. Những phát hiện này phù hợp với các đề xuất lý thuyết cho rằng việc lo sợ bị phát hiện sẽ tác động đến các mức độ của hành vi tuân thủ thuế, cũng có nghĩa là những người trốn thuế sẽ đề phòng cẩn thận hơn khi họ nhận thấy rủi ro phát hiện cao. Nói chung, tỷ lệ kiểm tra cao hơn sẽ khuyến khích tuân thủ thuế. Ngoài ra, năng lực của cán bộ kiểm tra thuế cũng tác động nhất định đến hành vi tuân thủ thuế. Tuân thủ thuế xét trong mối tương quan với năng lực phát hiện của cán bộ kiểm tra thuế đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu. Allingham & Sandmo (1972) cho rằng người nộp thuế sẽ luôn khai báo thu nhập của họ chính xác nếu khả năng bị phát hiện cao.

Massimo (1993) chỉ ra rằng người nộp thuế thường trốn hoàn toàn nghĩa vụ thuế và lý do duy nhất để họ không thực hiện hành vi này là xác suất hành vi bị phát hiện rất cao. Sự tăng lên trong xác suất phát hiện sẽ gia tăng tính tuân thủ thuế và năng lực của cán bộ kiểm tra thuế để phát hiện hành vi gian lận là một trong những biện pháp phát hiện hiệu quả được thực hiện bởi cơ quan thuế (Alm, 1991). Thực tế, kiểm tra thuế được xem là biện pháp vừa có tác dụng ngăn chặn trực tiếp đối với những

người nộp thuế đã bị kiểm tra vừa có tác dụng gián tiếp đối với những người nộp thuế chưa bị kiểm tra (Alm & Ctg, 2004). Xác suất của sự trót lọt trong việc không tuân thủ là yếu tố quan trọng nhất khiến cho tình trạng không tuân thủ luật ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nghiên cứu của Beron & Ctg (1990) tiết lộ rằng kiểm tra thuế chỉ có hiệu ứng khiêm tốn đối với tuân thủ thuế. Năng lực của cán bộ kiểm tra thuế khác nhau sẽ tạo ra những mức độ tuân thủ khác nhau. Ví dụ, năng lực phát hiện ra những gian lận hoặc những hành vi không tuân thủ thuế càng cao sẽ giúp người nộp thuế tuân thủ tốt hơn (Bergman, 1998; Eisenhauer, 2008).

Eisenhauer (2008) cũng cho thấy kiểm tra thuế nói chung là cách thức ngày càng trở nên quan trọng trong việc tối thiểu hóa các hành vi không tuân thủ thuế. Tầm quan trọng của các chương trình kiểm tra không chỉ chỉ có ý nghĩa đối với những đối tượng nộp thuế bị kiểm tra thuế mà còn tác động đến cả các đối tượng nộp thuế còn lại.

Ngược lại, Beron Ctg (1988) tìm thấy một kết quả trái ngược. Họ cho rằng kiểm tra thuế không có tương quan đáng kể với việc trốn thuế trong những nhóm mà họ nghiên cứu. Kiểm tra thuế chỉ có hiệu quả hơn trong việc làm cho người nộp thuế kê khai nhiều các khoản khấu trừ hơn là khuyến khích họ khai báo chính xác thu nhập thực tế (Beron & Ctg, 1988).

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động đến việc tuân thủ thuế của doanh nghiệp tại cục thuế thành phố hồ chí minh (Trang 31)