Thay đổi chính sách hiện hành của chính phủ

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động đến việc tuân thủ thuế của doanh nghiệp tại cục thuế thành phố hồ chí minh (Trang 27)

Thực tế không có quá nhiều nghiên cứu đi sâu vào mối quan hệ trực tiếp giữa thay đổi chính sách của chính phủ hiện hành và việc tuân thủ hay không tuân thủ thuế của người nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng sự ổn định về chính trị và đảng cầm quyền hiện tại ở một quốc gia nào đó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hành vi trốn thuế (Hasseldine & Hite, 2003). Lập luận cho rằng nếu một cá nhân đang ủng hộ đảng cầm quyền hiện tại, anh ta có thể tuân thủ thuế vì khi đó, cá nhân này tin rằng chính phủ đáng tin cậy, hiệu quả và công bằng. Ngược lại, người nộp thuế ở phe đối lập có thể ít tuân thủ hơn bởi vì anh ta cho rằng chính phủ này không vì quyền lợi của anh ta. Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ xảy ra ở các quốc gia tồn tại chế độ đa đảng. Hasseldine & Hite (2003) cũng nhận thấy tuổi tác, thu nhập và tình trạng hoàn thuế dự kiến trong tương lai cũng bị tác động đáng kể bởi đảng phái chính trị. Phân tích hồi quy về thái độ tổng thể đối với hệ thống thuế thu nhập hiện hành và thái độ đối với việc giảm thuế đã hỗ trợ cho những kết quả nghiên cứu trước đó. Các biến độc lập như đảng phái chính trị, khung hiệu lực, tình trạng hoàn thuế dự kiến, độ tuổi, mức thu nhập một lần nữa tác động hồi qui đến việc trốn thuế; và các đảng phái chính trị có tác động đáng kể đến thái độ về việc cắt giảm thuế. Hasseldine &Hite (2003) kết luận: thứ nhất, đảng chính trị có tác động đáng kể đến hành vi người nộp thuế; thứ hai, các quy định về thuế càng chặt chẽ với đảng chính trị cụ thể nào thì càng thuận lợi hơn cho các thành viên của đảng đó; thứ ba, những thay đổi về chính sách trong một số trường hợp nhất định (chẳng hạn giảm thuế) được người nộp thuế đánh giá tích cực (tạo được niềm tin cho người nộp thuế và gia tăng tuân thủ tự nguyện) và khi đó họ nhận thấy hệ thống thuế cũng công bằng hơn. Ngoài ra, những động thái tích cực từ phía chính phủ, chẳng hạn gia tăng miễn giảm thuế dường như cũng mang lại kết quả tích cực trong việc gia tăng tính tuân thủ.

Bên cạnh những vấn đề về chính trị, những thay đổi trong chính sách hiện tại của chính phủ cũng tác động nhất định đến hành vi tuân thủ thuế. Chẳng hạn, ở Malaysia, giá xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác như đường, bột mì, gạo và

dầu ăn được kiểm soát bởi chính phủ; giá cả thường xuyên tăng theo tình hình kinh tế toàn cầu và tài chính của chính phủ. Vì vậy, khi giá cả những mặt hàng này tăng sẽ tác động tiêu cực đến khả năng mua sắm của người nộp thuế và cuối cùng khuyến khích họ trốn thuế. Kim (2008) nghiên cứu về hành vi trốn thuế ở 50 quốc gia mỗi năm đã minh họa cho quan điểm này và kết luận rằng hành vi trốn thuế bị tác động bởi việc kiểm soát giá, dịch vụ công, thuế thu nhập công ty, GDP bình quân đầu người, hệ thống thuế và cơ cấu chi tiêu chính phủ (tác động theo chiều dương). Tóm lại, những nghiên cứu trước đã chứng minh rằng quyết định của chính phủ và những thay đổi về chính sách trong từng tình huống kinh tế, chính trị nhất định có tác động đến việc tuân thủ thuế. Những động thái tích cực của chính phủ, chẳng hạn chính sách miễn giảm thuế, dường như sẽ mang lại hiệu ứng tích cực trong việc gia tăng tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế. Tuy nhiên, do đặc điểm của Việt Nam không cho phép tồn tại đa nguyên đa đảng nên đề tài không nghiên cứu đến tác động của yếu tố này đến tuân thủ thuế.

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động đến việc tuân thủ thuế của doanh nghiệp tại cục thuế thành phố hồ chí minh (Trang 27)