8. Bố cục của luận văn
3.2.1.3. Chiến sự ở Khalkin Gol
Sau khi chiến dịch ở hồ Khasan kết thúc, với sự thất bại thảm hại, quân Nhật buộc phải ký hiệp định chấm dứt cuộc xâm lược. Sau đó, quân đội cả hai phía đều triển khai lực luợng dọc biên giới và được đặt trong tình trạng báo động cao.
Về phía Liên Xô, sau chiến dịch hồ Khasan, đầu năm 1939 tình hình ở Châu Âu rất căng thẳng, sau hiệp định Muyních, phát xít Đức đã thôn tính Tiệp Khắc. Trước tình hình đó Liên Xô đã đề nghị Anh, Pháp kí một hiệp ước tương trợ chống phát xít nhưng bị từ chối. Sau những nhân nhượng về mặt lãnh thổ cho phát xít Đức, các nước Anh, Pháp đang hy vọng vào một cuộc chiến giữa Đức và Liên Xô. Diễn biến trên đã cho thấy rằng Liên xô sẽ khó tránh được một trận đụng độ ở phía tây. Còn ở phía đông sau cuộc chiến ở Khasan, Liên Xô luôn đề cao cảnh giác ở khu vực biên giới với Mãn Châu
Quốc hơn bao giờ hết. Trước đó, để ngăn chặn đường lối bành trướng của Nhật, “ngày 12-03-1936 hiệp định tương trợ giữa Liên Xô và Mông Cổ”đã được ký kết[42;293]. Theo văn kiện này trong trường hợp một nước bị tấn công, nước thứ hai sẽ giúp đỡ bằng mọi cách, kể cả viện trợ để đánh đuổi bọn xâm lược. Hiệp định trên là một bước để Liên Xô có thể bảo vệ được đường biên giới phía đông vì Mông Cổ có đường biên giới chung với Liên Xô và Mãn Châu Quốc.
Về phía Nhật, cho dù thất bại thảm hại ở Khasan, nhưng Nhật vẫn chưa từ bỏ hy vọng tấn công Liên Xô. Khi Liên Xô đang vướng bận vào việc củng cố nền quốc phòng ở phần lãnh thổ Châu Âu, Nhật một lần nữa muốn thử sức với Liên Xô nhưng lần này, “giới tướng lĩnh Nhật Bản muốn nắn thử đường biên giới Cộng hòa nhân dân Mông Cổ ở vùng sông Khalkhin Gol”[44;20]. Ý đồ của Nhật là thôn tính Mông Cổ “làm bàn đạp chiến lược để tấn cống Liên Xô trong một cuộc chiến tranh lớn” [32;156]
Năm 1939, để lấy cớ phát động chiến tranh, Nhật đã chỉ đạo cho chính phủ bù nhìn Mãn Châu đưa ra ý tưởng lấy sông Khalkhin Gol làm ranh giới giữa Mãn Châu và Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Đáp lại, Cộng hòa nhân dân Mông Cổ và đồng minh Liên Xô tuyên bố rằng đường biên giới nằm cách dòng sông 16 km (10 dặm) về phía đông, ngay phía đông làng Nomonhan. Sau đó, cả hai phía đều không chấp nhận quan điểm của nhau, một cuộc đụng độ biên giới giữa Nhật và Liên Xô là không thể tránh khỏi
Để chuẩn bị cho cuộc chiến, phía Nhật đã cử tướng Komatsubara Michitaro làm tổng chỉ huy đạo quân Quan Đông của Nhật, lực lượng quân đội chủ yếu của chính phủ Mãn Châu. Ngoài ra còn có sư đoàn 23 đồn trú tại vùng phía tây Mãn Châu gần sông Hailar. Phía Liên Xô đã cử trung tướng G. K. Zhukov (quân đội Liên Xô) và nguyên soái Khorloogiin Choibalsan (quân đội Mông Cổ) chỉ huy sư đoàn đặc biệt số 57 đồn trú tại quân khu Trans-
Baikal và một số đơn vị nhỏ kị binh của Mông Cổ. Hai bên đã huy động một lưc luợng quân đội lên đến “hàng vạn người với cả xe tăng trên một chiến tuyến dài 60 km và rộng 25km. Do đó trận chiến Khalkhin Gol hoàn toàn vượt qua khuôn khổ của một cuộc xung đột quân sự nhỏ” [32;156]
Ngày 11-05- 1939, một cuộc giao tranh nhỏ làm bùng nổ cuộc chiến. Một đơn vị kị binh Mông Cổ gồm khoảng 70-90 người đi vào khu vực tranh chấp để tìm ngựa. Một đơn vị kị binh Mãn Châu tấn công và buộc họ quay trở lại bờ kia sông Khalkhin Gol. Hai ngày sau, quân Mãn châu phải bỏ chạy khi quân Mông Cổ phản công với lực lượng đông hơn hẳn. Ngày 14-05-1939, thiếu tá Yaozo Azuma đưa trung đoàn trinh sát số 23, được hỗ trợ bởi trung đoàn số 64 dưới sự chỉ huy của đại tá Takemitsu Yamagata vào vùng tranh chấp. Mặc dù, quân Liên Xô đã tiếp viện cho quân Mông Cổ nhưng vẫn không thể đánh lùi quân đội Nhật.
Ngày 28-05-1939, liên quân Liên Xô - Mông Cổ tổ chức lại lực lượng tiến hành bao vây và tiêu diệt quân đội Nhật. Kết quả “97 binh lính Nhật bị chết, 33 người bị thương, chiếm 63% thương vong của hai bên” [60]. Vào tháng 06-1939, trung tướng Georgi Zhukov chỉ huy mới của Hồng Quân Liên Xô được điều động tới.
Ngày 27-06-1939, quân Nhật bắt đầu những trận không kích. Lữ đoàn không quân số hai của Nhật ném bom căn cứ không quân của Liên Xô tại Tamsak-Bulak, Mông Cổ. Quân Nhật giành được phần thắng, số máy bay của Liên Xô bị phá hủy nhiều hơn hai lần số máy bay Nhật bị bắn hạ. Song cuộc tấn công này do đạo quân Quan Đông tự ý tổ chức chứ không được Bộ chỉ huy quân đội Đế quốc Nhật Bản tại Tokyo cho phép. Ngay lập tức, Tokyo cấm không quân Nhật thực hiện thêm bất cứ cuộc không kích nào.
Cuối tháng 06-1939 trung tướng Komatsubara Michitaro nhận lệnh được phép “trục xuất bọn xâm lược”, quân Nhật đề ra kế hoạch tấn công theo hai hướng.
+ Mũi tiến công phía bắc, do Đại tá Shinichiro Sumi chỉ huy có nhiệm vụ vượt sông Khalkhin Gol, tiêu diệt liên quân Liên Xô-Mông Cổ tại đồi Ba Anh Ca (Baintsagan) phía bờ Tây rồi rẽ ngoặt về phía trái, mau chóng đi về phía nam tới cầu Kawatama.
+ Mũi tiến công phía nam, do trung tướng Masaomi Yasukoa chỉ huy có nhiệm vụ tấn công quân Liên Xô tại bờ đông sông Khalkhin Gol và phía nam sông Holsten.
Hai mũi tiến công của quân Nhật sẽ gặp nhau tại hậu phương của quân Liên Xô và bao vây họ. Mũi tiến công phía bắc vượt sông Khalkhin Gol một cách dễ dàng, tập kích quân Liên Xô tại đồi Ba Anh Ca (Baintsagan) và mau chóng tiến về phía nam dọc theo bờ tây con sông. Tuy nhiên, tướng Zhukov nhận thấy được mối nguy hiểm, “đã tổ chức phản công với 450 xe tăng và xe bọc thép”[58]. Lực lượng cơ giới của Liên Xô đã “tấn công, bao vây và tiêu được diệt toàn bộ xe tăng và gây thương vong cho hơn 100 quân Nhật”[58]. Ngày 05-07-1939, quân Nhật ở mũi tiến công phía bắc bị mất đường tiếp viện, buộc phải đầu hàng. Đêm ngày 02-07-1939, mũi tiến công của quân Nhật ở phía nam bất thần tấn công, để tránh pháo binh Liên Xô đang ở khu đất cao phía bờ tây sông Khalkhin Gol. Tuy nhiên, quân Nhật tuy mất một nửa quân số của lực lượng cơ giới nhưng vẫn không phá vỡ nổi phòng tuyến của quân Liên Xô phía bờ Tây, cũng như không thể tới được cầu Kawatama. Đến ngày 09-07-1939, quân Liên Xô phản công và xóa sổ quân Nhật ở mũi tiến công này. Đến ngày 23-07-1939, “quân Nhật sử dụng hai sư đoàn số 64 và 72 để mở một cuộc tấn công quân Liên Xô đang bảo vệ cầu Kawatama”[59]. Song quân Nhật không thể nào phá vỡ phòng tuyến của quân
Liên Xô và không chiếm được cầu và buộc phải ngừng tấn công vì thương vong quá nhiều, hết đạn pháo và lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Ngày 24-08-1939 tướng Komatsubara Michitaro tiếp tục chuẩn bị một cuộc tấn công lớn. Phía Liên Xô đã nhanh chóng đề ra kế hoạch đánh dứt điểm quân Nhật. Tướng Zhukov đã điều động “ba sư đoàn bộ binh, hai sư đoàn xe tăng và thêm hai lữ đoàn xe tăng độc lập (tổng cộng là 498 xe tăng), hai sư đoàn bộ binh cơ giới để tạo nên một mũi tiến công lớn”[59]. Bên cạnh đó, ngay từ lúc mới nhậm chức ở mặt trận này, tướng Zhukov đã yêu cầu huy động một lực lượng lớn máy bay tối tân nhất của không quân Xô viết. Trước trận phản công quyết định, “tướng Zhukov đã có trong tay lực lượng không quân lên tới 250 máy bay tiêm kích và ném bom”[60].
Tướng Zhukov còn tổ chức những hoạt động ngụy trang khéo léo nhằm che giấu các hoạt động chuẩn bị của quân đội Xô-Mông. Những cuộc điện đàm qua điện thoại hoàn toàn đề cập đến việc phòng ngự. Những bản tin điện tín bằng mật mã đơn giản, dễ giải mà quân Liên Xô cố tình nhử cho quân Nhật nghe cũng nói về phòng ngự. Cẩm nang "chiến sĩ phòng ngự cần biết" được phát tận tay các chiến sĩ và được cố tình ném qua trận địa quân Nhật. Quân đội Liên Xô còn tạo ra những tiếng động như tiếng đóng trong việc xây dựng thành lũy, tiếng máy bay cất cánh, xe tăng chuyển động,... để quân Nhật nghe tới nhàm tai, không còn để ý tới các tiếng động thật. Còn những tin tức "thật" như kế hoạch tác chiến đều do các sĩ quan tác chiến, tham mưu trưởng... tự soạn lấy nhằm đảm bảo bí mật, những văn bản "thật" chỉ do một người thư ký duy nhất đánh máy ra. Chính những điều đó, khiến cho quân Nhật hoàn toàn tin tưởng, là liên quân Xô-Mông đang tổ chức phòng ngự. Sự thật, Liên Xô đang chuẩn bị các đơn vị mạnh, nhằm "đánh cho gãy xương sống quân Nhật".
Ngày 20-08-1939, bốn ngày trước khi quân Nhật dự định tấn công, tướng Zhukov đã quyết định phản công. 5 giờ 45 phút sáng ngày 20-08-1939, pháo binh Liên Xô bắt đầu oanh kích có quy mô vào quân đội Nhật. Sau đó là “150 máy bay ném bom được bảo vệ bởi 100 máy bay chiến đấu bắt đầu tiến hành một cuộc không kích dữ dội”[60]. Sau ba giờ bắn phá ác liệt bằng đại bác và không tập bằng phi cơ, gần năm vạn liên quân Xô-Mông vượt sông Khalkhin Gol tấn công quân Nhật trên một chiến tuyến dài 70 km.
Phòng tuyến quân Nhật bị chọc thủng, các đơn vị cơ giới Liên Xô đánh dọc sườn của quân Nhật, cắt đứt đường liên lạc. Quân Nhật đã mất hết khả năng kháng cự. Ngày 25-08-1939 khi hai cánh quân của tướng Zhukov tới làng Nomonhan, thì sư đoàn 23 của Nhật bị bao vây. Đến ngày 26-08- 1939 Nhật đã thất bại trong cuộc tấn công để giải vây cho sư đoàn 23. Ngày 31-08-1939, trận chiến kết thúc, quân Nhật bị tiêu diệt, số sống sót tháo chạy về phía đông Nomonhan. Đến ngày 15-09-1939, “Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Mông Cổ và Nhật Bản ký hiệp định ngừng chiến”[2;103].
Sau chiến dịch Khalkhin Gol, cả hai bên tham chiến đều gánh chịu những tổn thất nặng: Phía Liên xô có “gần 10.000 quân hy sinh, khoảng 16.000 người bị thương….mất 249 máy bay”[2;104], còn phía Nhật có “61.000 quân bị tiêu diệt, bị thương, mất tích, bị bắt làm tù binh”[2;164] và mất 660 máy bay. Đối với đất nước mặt trời mọc, đây là lần đầu tiên “lục quân của đế quốc Nhật bị thất trận nặng nề, bộ chỉ huy quân đội Nhật tuyệt nhiên dấu nhẹm tin này cho đến khi thế chiến thứ hai kết thúc” [34;227]. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là trận thua nhục nhã này khiến hai viên tư lệnh và tham mưu trưởng của đạo quân Quan Đông từ chức và nhiều sĩ quan Nhật tham gia chiến dịch đã mổ bụng tự sát.
Chiến dịch Khalkhin Gol hay là sự kiện Nomonhan (tên một ngôi làng gần biên giới giữa Mông Cổ và Mãn Châu Quốc) là trận giao tranh nhưng
không tuyên bố trong Chiến tranh biên giới Nhật-Xô năm 1939 (cũng được xem là cuộc chiến tranh Nga-Nhật lần thứ 2), nó được biết đến như một khúc dạo đầu của cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại: Chiến tranh thế giới thứ hai.
Như vậy, sau nhiều khúc mắc, hoài nghi và căng thẳng từ khi khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ 1929 đến năm 1938, quan hệ Nhật - Xô cũng đã đổ vỡ lần thứ hai, khi diễn ra cuộc giao tranh ở Khasan và Khalkhin Gol. Trong cuộc xung đột biên giới này, Nhật là phía chủ động nhưng kết quả mà họ thu được đó là những cuộc phiêu lưu quân sự đã bị đập nát. Sau thất bại này, Nhật đã có cái nhìn thận trọng hơn trong mọi cuộc chiến với Liên Xô.