8. Bố cục của luận văn
1.2.3. Chiến tranh Nga–Nhật (1904-1905)
Việc tranh giành ảnh hưởng ở Triều Tiên, cùng với những tranh chấp lãnh thổ ở Trung Quốc, khiến cho những mâu thuẫn trong mối quan hệ Nhật – Nga không thể hòa giải được, chiến tranh là giải pháp duy nhất của hai nước vào thời điểm đó.
Ngay trong đêm ngày 08-02-1904, tư lệnh hải quân Nhật - đề đốc Togo Heihachiro cho khu trục hạm tấn công các tàu chống ngư lôi của Nga ở Lữ Thuận (Port Arthur). Ba chiếc tàu Cesarevitch, Retrisan, Pallada của Nga bị trúng thuỷ lôi, hư hại nặng. Ngày 09-02-1904, tuần dương hạm Varyag và pháo hạm Koreetz của Nga tại vịnh Ninsen bị quân Nhật tiến đánh với sáu tuần dương hạm và tám thuỷ lôi đỉnh. Do yếu thế, quân Nga không dám cho tàu ra ứng chiến với hạm đội Nhật mà chỉ phòng thủ ở cửa biển Lữ Thuận.
Bước sang ngày thứ ba, 10-02-1904, quân Nhật cơ bản đã làm chủ tình hình ở Lữ Thuận, nên một mặt đưa quân đổ bộ lên Triều Tiên, một mặt gởi cho vua Triều Tiên thông điệp (23/02) cho biết: “Nhật Bản luôn tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Triều Tiên, yêu cầu nhà vua tuyệt đối tin tưởng vào Nhật Bản và chấp thuận những đề nghị Nhật Bản đưa ra về việc cải tổ quốc gia”[39;111].
Sau khi gởi thông điệp, quân Nhật tràn vào Triều Tiên. Tại sông Áp Lục, “tướng Nhật là Kuroki dẫn 45.000 quân đè bẹp 8.000 quân Nga do tướng Zassoulitch chỉ huy”[39;111]. Sau chiến thắng này, quân Nhật vượt qua sông Áp Lục, chuẩn bị đánh Thẩm Dương. Ngày 25-08-1904, tướng Oyama thúc
quân chiếm Liêu Dương, cách Thẩm Dương 50 Km. Quân Nga do tướng Kouropatkine chỉ huy chống cự rất mãnh liệt nhưng cánh trái bị tướng Kuroki vây hãm nên phải rút về Chaho (05/09). Trong trận này, “Nga mất 5.000 quân và 18.000 quân bị thương, Nhật có khoảng 16.000 quân bị chết và bị thương”[34;165].
Cùng thời điểm đó, lục quân Nhật do tướng Nogi chỉ huy công phá Lữ Thuận. Tình hình nguy ngập, Nga hoàng yêu cầu Đô đốc Rojdestvensky chỉ huy hạm đội Baltic đem quân sang chi viện cho hải quân Nga ở Lữ Thuận. Tuy nhiên, để tránh sự dòm ngó của quân Anh (đồng minh của Nhật Bản), hạm đội này phải đi vòng qua Nam Phi thay vì đi qua kênh đào Suez, nên mất rất nhiều thời gian.
Ngày 01-01-1905, sau 240 ngày chiến đấu, “quân Nga tại Lữ Thuận đã đầu hàng và 30.000 quân bị bắt làm tù binh”[39;112]. Ngày 04-03-1905, tướng Oyama đánh bại quân Nga ở Thẩm Dương, quân “Nhật mất khoảng 70.000 còn quân quân Nga tổn thất 90.000 người”[34;166].Lúc này, Đô đốc Rojdestvensky cho hạm đội Baltic trú quân tại Madagascar ba tháng, sau đó đến Cam Ranh (Việt Nam) phối hợp với lực lượng của đô đốc Nebogatof.
Ngày 08-05-1905, hạm đội của đô đốc Rojvestvensky tới biển Trung Quốc, định đi thẳng đếnVladivostok. Ngày 27-05-1905, tướng Togo mai phục hạm đội Nga tại Tsushima. Trong trận này, “Nga có tất cả 34 tàu chiến thì 21 chiếc bị đánh chìm, bảy chiếc bị bắt, ba chiếc chạy đến Vladivostok, ba chiếc khác chạy đến Philippin. Nhật Bản chỉ có ba chiếc tàu phóng ngư lôi bị nạn”[39;112]. Sau chiến thắng của hải quân Nhật ở Tsushima, tình hình quân sự trên chiến trường đã ngã ngũ. Từ ngày 07 đến ngày 30- 07-1905, Nhật Bản cũng đưa quân chiếm đóng Xakhalin, Korsakof, Alexndrovsk.
Nhận định về thất bại của Nga trong chiến tranh Nga - Nhật Bản, Lênin viết: “Chính chế độ chuyên chế chứ không phải nhân dân Nga đã chấp
nhận thất bại một cách nhục nhã. Nhân dân Nga không thừa nhận thất bại của chế độ độc tài. Sự đầu hàng của căn cứ Lữ Thuận mở đầu cho sự đầu hàng của Sa Hoàng”[39;112].