Nguyên nhân

Một phần của tài liệu quan hệ nhật bản – liên xô (1917 1945) (Trang 60)

8. Bố cục của luận văn

2.2.1.1.Nguyên nhân

Sau thắng lợi của cách mạng tháng Mười, nhà nước Xô viết lại phải lao mình vào một cuộc chiến đấu mới cực kì khó khăn và khốc liệt. Đó là cuộc nội chiến do các thế lực phản động trong nước và cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc bên ngoài tiến hành, kéo dài trong ba năm – từ đầu năm 1918 đến cuối năm 1920. Nước Nhật cũng tham gia vào cuộc chiến này, nhưng không phải với tư cách là đồng minh của Nga như trong thế chiến thứ nhất, mà là kẻ thù của nhau.

Sự sụp đổ của mối quan hệ Nhật Bản-Nga (sau đó là Liên Xô) là “một kết quả đã được dự đoán trước đó, khi cách mạng tháng Mười thành công và những người Bolshevik nắm quyền. Không có ai có thể đảm bảo rằng thời đại của thiện chí, hòa hợp sẽ tiếp tục kéo dài hơn nữa, ngay cả khi đế quốc Nga vẫn giữ nguyên vị thế và không bị tổn thương bởi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất”[46;19].

Trước cách mạng tháng Mười, thể chế quân chủ Nga rất gần gũi với thể chế của Nhật. Nhưng với sự thắng lợi của cách mạng tháng Mười, chính quyền Xô viết ở Nga đã xây dựng một thể chế chính trị đối lập hoàn toàn với Nhật. Xét về ý thức hệ, chủ nghĩa Bolshevik được coi là một mối đe dọa lớn

với hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa, mà trong đó, Nhật Bản chính là một bộ phận.

Những người Bolshevik nắm quyền ở Nga đã trở thành một cú sốc lớn với chính quyền Nhật. Một nhà lãnh đạo Nhật Bản đã từng tuyên bố “không ai có thể tưởng tượng rằng một gia đình hoàng gia quyền lực, sở hữu một đội quân khổng lồ và tiếng tăm khắp thế giới lại phải đối mặt với một điều tất yếu như số phận đã định sẵn”[46;17]. Với người Nhật “chủ nghĩa cộng sản đã được xem như là một bệnh ung thư đe dọa cả Trung Quốc và Nhật Bản”[46;17]. Đặc biệt, sự bùng nổ kinh tế ở Nhật trong những năm tháng thế chiến thứ nhất nổ ra đã kết thúc trong những năm 1918-1919 và áp lực to lớn nhằm làm giảm lạm phát đã gây ra những khó khăn lớn về kinh tế. Các nhà lãnh đạo quân sự đã buộc phải lo lắng rằng các sự kiện đang diễn ra như các cuộc bạo loạn lúa gạo ở nhiều thành phố lớn của Nhật vào năm 1918 (do sự tăng vọt giá bán gạo), có thể là điềm báo của tình trạng bất ổn nghiêm trọng và sẽ đem đến nhiều rắc rối cho phái lãnh đạo bảo thủ. Chủ nghĩa Bolshevik, theo cách các nhà lãnh đạo quân sự Nhật nhìn nhận, có thể “đổ thêm dầu vào lửa” và “uy hiếp sự tồn tại của mình”. Do đó, có rất ít sự ủng hộ cho việc công nhận chế độ Xô viết từ phía chính phủ Nhật.

Sự đổ vỡ của mối quan hệ hai nước còn bắt nguồn từ những tham vọng của giới cầm quyền Nhật Bản. Chính quyền Sa Hoàng sụp đổ cùng “lực lượng quân sự hùng mạnh của đế quốc Nga đã tiêu ma”, đã đem lại cho giới lãnh đạo quân sự Nhật Bản một hy vọng mới: “Một không gian tự do hơn nữa ở Mãn Châu, Mông Cổ và vùng Viễn Đông của Nga”[46;17-18]. Chính phủ “Nhật muốn thành lập một quốc gia chống chính quyền Xô viết ở miền Đông Siberia, vừa để ngăn chặn ảnh hưởng của chính quyền Xô viết, vừa để bành chướng thế lực của Nhật sang vùng này”[34;184]. Chính vì vậy, “Nhật bản

phải lập tức xua quân vượt biển sang Siberia để làm chủ phần đất đó”[56;267].

Ngoài ra, còn một lý do nữa khiến cho Nhật Bản không công nhận Liên Xô và đưa quân can thiệp vì Anh một nước đồng minh của Nhật “đã yêu cầu Nhật tiến binh sang Siberia”[56;267]. Vì đối với Anh, Pháp thì “việc Liên Xô có khuynh hướng một mình một chợ giảng hòa với Đức là hành vi phản bội. Để đối địch với chính quyền xã hội chủ nghĩa này, họ đã kêu gọi sự giúp đỡ của người Nhật”[56;267].

Cách mạng tháng 10 thành công, với sự ra đời của chính quyền Xô viết, với tư cách là người kế thừa nước Nga và tiếp tục phát triển quan hệ Nhật-Nga trong giai đoạn 1907-1916, nhưng với nhiều nguyên nhân khác nhau, mối quan hệ Nhật Bản – Liên Xô đã trở nên căng thẳng, rạn nứt và khó tránh được một cuộc đối đầu quân sự.

Một phần của tài liệu quan hệ nhật bản – liên xô (1917 1945) (Trang 60)