Những mâu thuẫn không thể giải quyết

Một phần của tài liệu quan hệ nhật bản – liên xô (1917 1945) (Trang 85)

8. Bố cục của luận văn

3.2.1.1.Những mâu thuẫn không thể giải quyết

Năm 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra và đã gây nên những hậu quả tai hại cho các nước tư bản nói chung và Nhật Bản nói riêng. Trong bối cảnh đó, chính phủ Nhật Bản buộc phải tìm một con đường đưa Nhật Bản thoát khỏi khủng hoảng và “Trung Quốc được xem như là một liều thuốc tiên cho nền kinh tế đang xuống dốc không phanh của Nhật”[46;27].

Trong bối cảnh đó, giới quân phiệt ở Nhật đã đi theo con đường phát xít hóa chế độ chính trị với chủ trương dùng vũ lực để bành trướng ra bên ngoài. Từ cuối thập niên 20, thủ tướng Nhật Tanaka đã trình lên Nhật hoàng một kế hoạch chiến tranh quy mô toàn cầu như sau: “Muốn chinh phục thế giới, thoạt đầu phải chiếm Trung Quốc”. “Muốn chiếm Trung Quốc, thoạt đầu phải chiếm Mãn Châu Lý và Mông Cổ; Nếu chiếm được Trung Quốc, thì tất cả các nước khác ở Châu Á và các nước vùng biển nam sẽ sợ và đầu hàng ta. Khi đó thế giới sẽ biết vùng Đông Á là của chúng ta và sẽ không dám vi phạm quyền của chúng ta... Nắm trong tay tất cả các nguồn của cải nước Trung Hoa chúng ta sẽ đánh chiếm Ấn Độ, các quần đảo, Tiểu Á, Trung Á và cả Châu Âu nữa. Nhưng bước đầu là phải kiểm soát được Mãn Châu Lý và Mông cổ, nếu chủng tộc Yamato muốn vượt lên trên ở lục địa Á” [12;14].

Đặc biệt, để tiến tới bá chủ khu vực của Nhật thì tấn công Liên Xô được coi là mục tiêu then chốt. Bản tường trình của Tanaka có đoạn viết: “Rõ ràng, trong kế hoạch làm cho dân tộc ta giàu mạnh, bao gồm cả một trận sống mái với nước Nga trên thảo nguyên Mông cổ...Khi tảng đá ngầm đó chưa được nổ tung thì con thuyền của chúng ta chưa thể nào tiến nhanh lên phía trước” [27;12].“Phúc thư Tanaka” cũng nói cần phải gây chiến tranh chống Liên Xô: “Một cuộc chiến tranh như thế phải là con dao hai lưỡi, nhằm mục đích chiếm các nguồn tài nguyên phong phú ở phần đất đai Liên Xô thuộc Châu Á, đồng thời gạt Liên Xô ra khỏi vũ đài thế giới vì nước này là trở ngại chính trên con đường chiếm đất làm thuộc địa của Nhật Bản” [12;14].

Để thực hiện ý đồ, giới quân phiệt Nhật dự tính khởi đầu bằng việc đánh chiếm Trung Quốc hòng tạo ra bàn đạp tấn công Liên Xô. Trong hai năm 1927 và 1929, Nhật đã đưa quân sang xâm lược Trung Quốc nhưng đều thất bại.

Đến năm 1929, khi quân Quốc Dân Đảng (KMT) chiếm giữ vùng phía đông đường sắt Trung Quốc do Liên Xô kiểm soát, lực lượng Hồng quân lập tức can thiệp quân sự, nhanh chóng phản công, chấm dứt cuộc khủng hoảng và buộc Trung Quốc chấp nhận việc phục hồi sự quản lý chung giữa Trung Quốc và Liên Xô đối với tuyến đường sắt. Trong cuộc xung đột Xô-Trung 1929, điều khiến Nhật Bản quan tâm là “tốc độ và hiệu quả của cuộc phản công của Liên Xô”, Nhật cũng “nhận thấy rằng quyền lực của Liên Xô ở vùng Viễn Đông đang ngày một lớn hơn vượt ra khỏi những giả định của họ”[46;32]. Sau khi nội chiến ở Liên Xô xảy ra, các nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản luôn đánh giá chính phủ Xô viết sẽ là mối đe dọa lớn từ phía bắc và một lần nữa những đe dọa từ Liên Xô lại xuất hiện.

Năm 1930, chính phủ Nhật đã làm lễ kỷ niệm hai mươi lăm năm chiến thắng chiến tranh Nga - Nhật. Một vở kịch diễn lại sự sụp đổ của cảng Arthur

đã được tổ chức tại nhà hát quốc gia ở Tokyo. Rất nhiều cuốn sách mới được xuất bản, tạp chí và các bức tranh kỷ niệm chiến thắng tràn ngập ở Nhật Bản. Hành động này cho thấy sự thiếu thiện chí cũng như thiếu tôn trọng của Nhật đối với những người Nga, sẵn ác cảm đối với Nhật và làm cho quan hệ giữa hai nước càng trở lên gay gắt hơn.

Ngày 18-09-1931, không tuyên chiến, quân đội Nhật tràn vào các tỉnh vùng đông bắc Trung Quốc (Mãn Châu Lý). Tháng 03-1932, Nhật Bản đã dựng lên nhà nước Mãn Châu Quốc, đưa Phổ Nghi lên làm vua, tách phần lãnh thổ này khỏi Trung Quốc, biến thành thuộc địa của Nhật. Tháng 03- 1933, quân Nhật chiếm tỉnh Nhiệt Hà, rồi sáp nhập vào Mãn Châu Quốc. Tháng 12-1935, Nhật Bản thực hiện quyền kiểm soát chính trị đối với hai tỉnh miền bắc Trung Quốc là Hà Bắc và Sát Cáp Nhĩ. Nhật Bản xâm lược Trung Quốc cũng có nghĩa là tấn công quyền lợi thực dân của các nước Âu - Mĩ ở đây. Nhưng chính phủ ba nước Mĩ, Anh, Pháp không có phản ứng gì, mà lại còn tỏ ra “thông cảm” với Nhật Bản, cho rằng Nhật Bản cần có một bàn đạp để tấn công Liên Xô và tuyên bố “không can thiệp” vào sự kiện Mãn Châu.

Về phía Liên Xô, sau khi Nhật nổ súng xâm lược Mãn Châu (18-09- 1931), trong tháng 10-1931 chính quyền Xô Viết đã ra tuyên bố nêu rõ quan điểm trung lập của mình. Tuy vậy, Liên Xô cũng tuyên bố: “hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết và nền độc lập của Trung quốc, lên án ách chiếm đóng của quân đội Nhật” [32;119] nhưng Liên Xô không chủ trương can thiệp vào các sự kiện ở Mãn Châu.

Ngày 28-10-1931, chính phủ Nhật đã gửi cho chính phủ Liên Xô công hàm phản đối việc Liên Xô đã giúp đỡ quân đội Trung Quốc ở Mãn Châu. Trong công hàm trả lời, “phía Liên Xô đã bác bỏ sự cáo buộc này của Nhật Bản, bởi sự cáo buộc ấy là không có cơ sở và chỉ dựa trên những tin đồn thất thiệt” [32;119].Tháng 11-1931 quân đội Nhật đã cắt đứt tuyến đường sắt đông

Trung Quốc mà Liên Xô có quyền lợi khai thác với Trung Quốc. Vì vậy, “chính phủ Liên Xô không thể không bày tỏ sự quan ngại của mình” [32;119]. Ngày 31-12-1931, Liên Xô đã đề nghị kí kết hiệp ước không xâm phạm với Nhật Bản. Sau một thời gian im lặng, ngày 13-09-1932, Nhật đã chính thức bác bỏ đề nghị của Liên Xô. Không từ bỏ, trong tháng 11-1932, thông qua đại diện của Nhật tại Hội quốc liên là Masuoka, chính phủ Liên Xô một lần nữa nhắc lại đề nghị của mình với chính phủ Nhật Bản. Hơn nữa, Liên Xô tỏ ý sẵn sàng cho phép thành lập ở Moscow tòa lãnh sự quán của Mãn Châu Quốc để đại sứ Nhật kiêm luôn nhiệm vụ tổng lãnh sự quán của Mãn Châu Quốc. Nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn cự tuyệt yêu cầu của chính phủ Liên Xô cho một hiệp ước không xâm phạm Nhật - Xô. Như vậy, chính phủ Nhật đã bỏ qua một cơ hội để cải thiện quan hệ hai nước trong giai đoạn này.

Đến ngày 16-11-1933 chính phủ Liên Xô và chính phủ Mĩ đã trao đổi công hàm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và khẳng định cam kết không can thiệp vào cộng việc nội bộ của nhau. Sự kiện trên khiến cho quan hệ Nhật - Xô càng căng thẳng. Vì Nhật lo ngại Mỹ -Liên Xô thông đồng chống lại Nhật Bản ở Viễn Đông. Lãnh đạo quân Quan Đông và một số nhân vật trong chính phủ hoàng gia ở Tokyo đã kêu gọi phát động một cuộc chiến tranh chống lại Liên Xô.

Tình hình trên tuyến đường sắt miền đông Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng và phức tạp. Trong tháng 07-1932, quân đội của Mãn Châu Quốc với sự ủng hộ của người Nhật đã chiếm trạm trung chuyển của tuyến đường sắt, thường xuyên bắt giữ và hành hạ các nhân viên Liên Xô. Tháng 04- 1933, chính quyền Mãn Châu đã cắt đứt thông tin liên lạc giữa tuyến đường sắt miền Đông Trung Quốc với các tuyến đường sắt Liên Xô.

Trong bối cảnh đó, ngày 25-05-1933 chính phủ Liên Xô đã đề nghị bán tuyến đường sắt ở miền Đông Trung Quốc cho Nhật vì chính phủ Liên Xô “đã nhìn thấy nhược điểm của tuyến đường sắt và khả năng tuyến đường sắt trở thành điểm tấn công là rất lớn”[46;33]. Từ ngày 26-06-1933 các cuộc đàm phán về vấn đề này bắt đầu được tiến hành ở Tokyo. Liên Xô đề nghị “bán tuyến đường sắt này với giá 250 triệu rúp nhưng các đại diện Mãn Châu Quốc lại đưa ra mức giá tương đương 50 triệu yên Nhật”[32;120]. Cho đến cuối tháng 09-1933, cuộc đàm phán lâm vào tình trạng bế tắc. Tuy vậy, cuộc đàm phán trên vẫn còn tiếp tục kéo dài gần 2 năm nữa.

Ngày 23-03-1935 hai bên đã kí thỏa thuận về việc chính quyền Mãn Châu Quốc mua phần còn lại của Liên Xô tuyến đường sắt đông Trung Quốc với “140 triệu Yên với phương thức thanh toán: 1/3 giá trị trả bằng tiền và 2/3 giá trị trả bằng hàng hóa”[32;120]. Ngoài ra, “chính quyền Mãn Châu Quốc cũng cam kết trả 30 triệu yên để bồi thường cho các công nhân và nhân viên Liên Xô bị mất việc”[32;120]. Nhật Bản sẽ là nước đứng ra đảm bảo về mặt tài chính cho việc thi hành thỏa thuận này. Cho dù thương vụ trên có thành công đi chăng nữa thì nó cũng không giúp cho mối quan hệ Nhật – Xô sáng sủa hơn.

Ngày 25-11-1936, Nhật đã kí với Đức “hiệp định chống quốc tế cộng sản” hay còn gọi là “ hiệp định phòng cộng Nhật - Đức”. Trong đó “hai nước cam kết sẽ trao đổi với nhau về tình hình hoạt động của quốc tế cộng sản và hợp tác chặt chẽ với nhau đế chống quốc tế cộng sản”[37;177]. Một năm sau, ngày 06-11-1937, theo đề nghị của chính phủ Đức, Italia cũng gia nhập “ hiệp định chống quốc tế cộng sản”. Như thế là đã hình thành “trục tam giác Berlin - Roma - Tokyo”. Với hiệp định này, “Nhật muốn khống chế ảnh hưởng của Liên Xô ở Viễn Đông và đồng thời ngăn chặn khả năng chính phủ Tưởng Giới Thạch nhờ Liên Xô giúp đỡ để chống lại Nhật Bản”[34;222]. Như vậy,

“giới quân phiệt Nhật Bản đã công khai nói về cuộc chiến sắp tới với Liên Xô khi chính phủ Nhật Bản đã ký kết một hiệp ước chống quốc tế cộng sản”[46;27].

Ngày 07-07-1937 quân Nhật gây hấn ở cầu Lư Cầu (cách Bắc Kinh 70km), lấy cớ mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả Trung Quốc. Trong một thời gian ngắn, quân Nhật đã tràn xuống Hoa Bắc, Hoa Trung và Hoa Nam, đánh chiếm những vùng đồng bằng ven biển, các thành phố lớn, những trục đường giao thông. Chính phủ Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch chạy về Trùng Khánh, thành phố nằm trên thượng lưu sông Dương Tử.

Đánh chiếm được vùng đông bắc Trung Quốc, thế lực quân phiệt Nhật đã tăng cường rất nhanh lực lượng, nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công Liên Xô. Từ năm 1932 đến năm 1937, quân đội Quan Đông ở đây tăng gấp bốn lần về số quân, hai lần về lực lượng không quân, ba lần về pháo binh và chín lần về xe tăng. Ngay khi Nhật xâm lược Trung Quốc và chĩa mũi nhọn tiến công về phía tây, Liên Xô cũng có những hành động “cứng rắn hơn đối với Nhật”[ 34;222].

Ngày 03-11-1937, hội nghị của các nước đã tham gia vào Hiệp ước Washington về vấn đề Trung Quốc khai mạc tại Brucxen để xem xét những khiếu nại của Trung Quốc. Liên Xô đã đứng về phía Trung Quốc, khi đề nghị áp dụng những biện pháp hành động tập thể chống xâm lược, trong đó có biện pháp trừng phạt về kinh tế [37;176]. Trước đó, ngày 21-8-1937, Liên Xô đã kí kết hiệp ước không xâm phạm lãnh thổ Xô - Trung ở Nam Kinh. Liên Xô đã hứa giúp đỡ Trung Quốc về vũ khí và kĩ thuật quân sự. Trong hai năm 1938 - 1939 “chính phủ Liên Xô đã cho Trung Quốc vay 250 triệu đô la để mua hàng quân sự của Liên Xô”[12;20]. Bằng số tiền đó, từ 1938 đến 1940, “Liên Xô đã gửi sang Trung Quốc 885 máy bay chiến đấu, 940 đại bác, 8.300 trọng liên và nhiều vũ khí, quân trang khác”[12;20]. Ngoài ra, “Liên xô còn gửi quân

tình nguyện sang sát cánh chiến đấu bên cạnh những người yêu nước Trung Quốc”[37;176]. Từ năm 1937 đến 1942, “hơn 5.000 chiến sĩ tình nguyện Liên Xô đã chiến đấu trên đất Trung Quốc”[12;20]. Trong hai năm 1938-1939, “250 phi công Liên Xô tham gia chống phát xít Nhật ở Trung Quốc, chiến đấu dũng cảm trong điều kiện địch đông hơn nhiều…. hơn 200 phi công Liên Xô đã hy sinh”[12;21]. Hành động giúp đỡ Trung Quốc “chứng tỏ chính phủ Liên Xô đã từ bỏ lập trường trung lập trước đây trong vấn đề Mãn Châu và hiểu rằng mình có thể gánh chịu những thử thách lớn từ giới quân phiệt Nhật” [32;119].

Tóm lại, năm 1929 khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ, để có thể giải quyết những hậu quả và thoát khỏi khủng hoảng. Nhật đã đi theo con đường phát xít với những ảo mộng về thị trường và lãnh thổ. Trong đó, Liên Xô là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà Nhật muốn hướng đến. Cuộc xâm lược Trung Quốc của Nhật, không nằm ngoài mục đích tạo ra một bàn đạp để tấn công Liên Xô. Về phía Liên Xô, những hành động thiếu thiện ý của chính phủ Nhật về việc từ chối kí một hiệp ước không xâm phạm. Cộng thêm việc Nhật ngày càng mở rộng xâm lược ở Trung Quốc làm mất đi thế cân bằng ở vùng Đông Bắc Á đã buộc Liên Xô phải có những hành động cứng rắn hơn với Nhật, trong đó có việc giúp đỡ trực tiếp cho Trung Quốc hiện đang là kẻ thù của Nhật. Trong bối cảnh đó mối quan hệ hai nước ngày càng nóng lên và “bất kỳ nỗ lực to lớn nào nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Moscow và Tokyo đã phải cam chịu thất bại do sự kết hợp không hài hòa của các yếu tố quốc tế, trong nước và cả về mặt con người”[46;27]. Bây giờ, “người ta không đặt câu hỏi là liệu Nhật Bản và Liên Xô sẽ đi đến chiến tranh, mà là khi nào hai nước sẽ đi đến chiến tranh” [46;27].

Một phần của tài liệu quan hệ nhật bản – liên xô (1917 1945) (Trang 85)