8. Bố cục của luận văn
1.3. Quan hệ Nhật-Nga từ kẻ thù trở thành đồng minh
Lịch sử đã chỉ rằng: “Hai dân tộc có sự xung đột với nhau lại có thể tiến lại gần nhau hơn khi có những nhu cầu về mặt chính trị dẫn đến việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước hay hàn gắn lại mối quan hệ giữa hai nước”. Sau chiến tranh, mối quan hệ Nhật–Nga thời gian 1907-1916 “đã có những giai đoạn hòa dịu thậm chí là rất thân thiện khi những nhu cầu về chính trị và những giao thoa chiến lược của hai nước xuất hiện”[46;11]. Đó là điều kiện cho sự ra đời của một chuỗi bốn hiệp ước ghi nhận giai đoạn “thân thiện” trong quan hệ Nga–Nhật.
Ngày 13-06-1907, Nga - Nhật Bản ký một công ước khai thác đường xe lửa ở miền Đông Trung Quốc và Nam Mãn Châu. Ngày 28- 07-1907, Nga lại ký với Nhật Bản hiệp ước về đánh cá, buôn bán và hàng hải, công nhận sự bình đẳng về quyền lợi giữa hai nước.
Đặc biệt, ngày 30-7-1907, bản hiệp ước Nga – Nhật được kí kết, công nhận quyền lợi hai bên tại Trung Quốc, có nhiều điều khoản công khai cũng như bí mật, trong đó:
+ Công ước: Hai bên tuyên bố “tôn trọng, toàn vẹn lãnh thổ của nhau tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, gìn giữ nguyên tắc
bình đẳng về thương mại và công nghiệp ở Trung Quốc” [42;44-45].
+ Mật ước: “Quy định chia Mãn Châu thành hai khu vực: vùng phía Bắc thuộc ảnh hưởng của Nga, vùng phía Nam thuộc ảnh hưởng của Nhật Bản; Nga công nhận tất cả các hiệp ước Nhật Bản ký với Triều Tiên; Nhật Bản công nhận những lợi ích đặc biệt của Nga ở vùng Ngoại Mông (Mông cổ sau này)” [42;44-45]. Ngoài ra, “một thỏa thuận thương mại cũng đạt được giữa hai nước theo đó vấn đề quyền đánh bắt cá ở phạm vi quanh đảo Xakhalin và Kuril cũng sẽ được hai bên chấp nhận”[46;12].
Chỉ ba năm sau, ngày 04-07-1910, Nga ký với Nhật một bản công ước phát triển từ thoả ước 1907. Theo đó, một điều khoản bí mật cũng được thêm vào: “Hai bên có quyền riêng trong việc giải quyết các vấn đề và duy trì hiện trạng ở Mãn Châu (tức là nhằm bảo vệ và duy trì “những lợi ích đặc biệt” của mỗi quốc gia). Điều 5 của hiệp ước bí mật đã nói rõ “trong trường hợp có sự đe doạ phá vỡ hiện trạng hoặc làm tổn hại lợi ích của hai nước ở Mãn Châu, hai nước cam kết sẽ cùng nhau thảo luận biện pháp chống trả”. [46;12-13]
Những điều khoản trên cho thấy mối quan hệ của Nhật Bản giai đoạn này đã có bước phát triển mới. Nhà nghiên cứu người Mỹ Joseph Ferguson nhận định: “hiệp ước trên có hình thức của sự liên minh, Nhật - Nga giờ đây giống như đồng minh của nhau sau một khoảng thời gian xung đột. Năm năm sau chiến tranh Nga – Nhật và 4 năm trước khi thế chiến lần I nổ ra, mối quan hệ giữa hai nước trong khoảng thời gian này khá là tốt đẹp và triển vọng”[46;13].
Ngày 8-7-1912, một hiệp ước bí mật thứ ba được ký kết giữa Nga - Nhật Bản. Hiệp ước thứ ba này “phân vùng ảnh hưởng ở Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của phương Tây đe doạ lợi ích của Nga - Nhật Bản ở khu vực này. Hơn nữa, Nhật Bản muốn gộp phần Nội Mông vào khu vực ảnh hưởng của mình vì lo ngại vùng này sẽ bị sáp nhập với vùng Ngoại Mông (do
Nga bảo trợ) vừa được hưởng quyền tự trị. Hiệp ước cũng quy định rõ đường biên giới giữa vùng ảnh hưởng của Nga - Nhật Bản”[42;67]. Không giống như hai hiệp ước lần trước, hiệp ước lần này chỉ có một hiệp ước bí mật và nó đã không được một quốc gia nào khác biết đến vào thời kỳ đó.
Đến năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ giữa hai tập đoàn đế quốc: một bên là các nước Hiệp ước Anh, Pháp, Nga, Nhật, Ý và một bên là phe Liên minh gồm Đức, Áo- Hung, Thổ Nhĩ Kỳ. Khác với giai đoạn 1904-1905, trong cuộc chiến tranh này, Nhật và Nga đã đứng cùng một chiến tuyến, trở thành những người đồng đội của nhau trong cuộc chiến chống phe Liên minh.
Ngày 3-7-1916, bản hiệp ước cuối cùng giữa hai nước được ký trong khi thế chiến thế giới thứ I đang diễn ra ác liệt. Hiệp ước năm 1916 “bàn về tất cả vùng lãnh thổ được phân chia trong ba hiệp ước trước. Hiệp ước cũng công khai thông báo rằng hai quốc gia trong trường hợp cần thiết sẽ có những biện pháp và hành động chung để duy trì hiện trạng ở Trung Quốc, Triều Tiên, Mãn Châu và Mông Cổ. Một vài điều khoản khác cũng quy định Nhật Bản sẽ cung cấp đạn dược cho những đội quân của Nga đang bị bao vây ở mặt trận phía Đông Châu Âu. Đổi lại Nga sẽ mở rộng quyền lợi của Nhật ở Bắc Mãn Châu, Nhật sẽ có những quyền mới trong việc sử dụng đường thủy và đường ray xe lửa ở Bắc Mãn Châu. Trong một điều khoản bí mật, hai quốc gia cam kết với nhau sẽ không để một thế lực thứ ba nào xuất hiện và chiếm giữ Trung Quốc, và trong trường hợp xuất hiện sự đe dọa, hai nước sẽ cam kết hợp tác quân sự với nhau, ngay cả khi một trong hai nước phải đối diện với một cuộc chiến tranh với thế lực thứ ba”[46;13].
Rõ ràng, từ năm 1907 đến 1916, quan hệ Nhật Bản – Nga đã có bước phát triển rõ rệt với sự ra đời hàng loạt những hiệp ước công khai và bí mật
được kí bởi hai nước. Vậy đâu là nguyên nhân thúc đẩy hai nước tiến lại gần nhau?
+ Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ yếu tố thực tại khi chính phủ hai nước nhìn nhận sự cần thiết phải cải thiện lại mối quan hệ sau những tổn thất từ cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Có thể khẳng địng rằng, chiến tranh Nga – Nhật là cuộc chiến tranh tốn kém – gây tổn hại cả về kinh tế, chính trị, quân sự cho cả hai bên. Vào hè năm 1905, cả hai nước đều đã bị kiệt quệ do chiến tranh. Ở Nhật Bản, những hoài nghi bắt đầu gia tăng về việc 1/3 người dân sẽ phải gánh nợ nần vì chi phí cho chiến tranh. Ở Nga dư luận mệt mỏi và chán nản trước những tin tức tồi tệ từ phòng tuyến và chính phủ cũng lo sợ một cuộc cách mạng có thể bùng lên từ những cuộc biểu tình đẫm máu ở St.Petersburg. Cả hai cũng đều gánh chịu những tổn thất nặng trên chiến trường. Mỗi bên đều mất hơn 100.000 quân. Không chỉ vậy, nước Nga cũng mất gần như toàn bộ lực lượng hải quân trên biển Ban Tích và Viễn Đông, còn Nhật Bản bị buộc phải triệu tập nhiều quân hơn nữa cho mặt trận, ngoài những dự định đã tính toán trước đó. Các nhà lãnh đạo Nhật và Nga cũng quan ngại rằng những hiểu lầm từ cuộc chiến 1904-1905 sẽ lại một lần nữa gia tăng và không thể kiểm soát được, một cuộc chiến tranh thứ hai có thể sẽ xảy ra lần nữa. Do đó, các nhà lãnh đạo của hai nước đã có những động thái củng cố mối quan hệ song phương, tập trung vào các lĩnh vực có sự quan tâm của hai nước nhưng tránh làm gia tăng sự nghi ngờ giữa đôi bên. Hòa bình là thứ mà chính phủ hai nước hướng đến sau một cuộc chiến khốc liệt, để có thể hàn gắn vết thương chiến tranh.
+ Thứ hai, đó là sự chi phối của những yếu tố quốc tế trong giai đoạn hậu chiến tranh Nga – Nhật.
Trong năm 1907, năm đầu tiên hai nước kí kết hiệp ước thứ nhất trong chuỗi bốn hiệp ước. Nga đã gia nhập hiệp ước đồng minh ba nước Anh, Pháp,
Nga (Triple Entente). Như vậy, nước Anh trong khoảng thời gian này đã tạm thời dẹp bỏ những bất đồng của nó với nước Nga. Trước đó, từ năm 1902, Anh cũng trở thành đồng minh của Nhật. Do vậy, thời điểm 1907, đánh dấu sự giao thoa của những mối quan hệ Anh và Nga, Pháp; Anh – Nhật. Tuy nhiên, “nước Anh đã không có hành động nào để thúc đẩy Nhật Bản hay Nga xích lại gần nhau, nhưng đối với các nhà lãnh đạo từ hai phía Tokyo và St.Petersburg, rõ ràng là những lợi ích, mối quan tâm của họ đã có sự trùng khớp nhau một cách chiến lược trong thời điểm này”[46;15].
Bên cạnh đó, những biến động ở Trung Quốc, dù nhỏ nhưng vẫn giành đươc sự quan tâm đặc biệt của cả Nga và Nhật. Trong năm 1911, “cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc bùng nổ và triều đại Mãn Thanh đã bị lật đổ, những diễn biến này đã tạo ra một dấu hỏi lớn về vấn đề tô giới của tất cả thế lực bên ngoài ở Trung Quốc” [46;16]. Cả Nhật Bản và Nga đều muốn bảo đảm rằng sẽ không có bất kì sự xáo trộn nào về hiện trạng ở Mãn Châu. Vì vậy, không có gì lạ trong chuỗi bốn hiệp ước đều có ghi nhận những thỏa thuận về việc phân chia ảnh hưởng ở Trung Quốc của Nga và Nhật.
Vấn đề quan trọng nhất mà những nhà lãnh đạo Nhật – Nga chú ý lúc này chính là mối quan tâm của nước Mĩ với Đông Bắc Á, mối quan tâm này không chỉ dừng lại ở Trung Quốc, mà còn là cả Mãn Châu – đây là nơi Nga và Nhật đang chia sẻ quyền lợi. Năm 1899, ngoại trưởng Mỹ John Hay đã xây dựng một kế hoạch cho Mĩ ở Trung Quốc – trọng tâm chính của kế hoạch này là chính sách “mở cửa” ở Trung Quốc (“gren – door’’ policy). Năm 1902, John Hay đã ngỏ ý với Nga về chính sách mở cửa và hy vọng Nga sẽ thiết kế một chính sách tương tự như vậy ở Mãn Châu. Trong tháng 11-1909, tân bộ trưởng bộ ngoại giao Mĩ - Philander C. Knox đã kêu gọi Nhật Bản và Nga cho phép những hệ thống đường ray xe lửa ở các tô giới của Nhật và Nga được đặt dưới quyền kiểm soát của một tập đoàn quốc tế nhằm phù hợp với chính
sách mở cửa. Kế hoạch trung lập quyền kiểm soát hệ thống đường ray xe lửa của Knox là một mối quan ngại lớn cho cả Nga và Nhật, đánh vào những tham vọng của hai nước ở Mãn Châu. Chính vì vậy, các sử gia của Mỹ, Nhật và Nga đều cho rằng rằng hiệp ước Nga - Nhật năm 1910 được ký “nhằm mục đích duy nhất là chống lại Mỹ” [46;15]. Ngoài ra, “phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng, cũng giống như hiệp ước 1910, hiệp ước đồng minh chiến tranh năm 1916 giữa Nhật – Nga ra đời cũng nhằm mục đích chính là nhắm vào Hoa Kỳ”[46;15]. V.I. Lênin đã tuyên bố rằng hiệp ước 1916 nhằm mục đích chống lại “Hoa Kỳ, Anh và người Trung Quốc”.
Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng là thời điểm chứng kiến việc Nhật và Nga đã trở thành đồng minh trong cuộc chiến với phe Liên minh. Vì vậy, trong Hiệp ước 1916 giữa hai nước đề cập đến “sự ngăn chặn một thế lực thứ ba” cũng có thể là là Đức (ngoài Mĩ ra). Khi chiến tranh nổ ra, Nhật đã gửi một lượng lớn vũ khí (500 khẩu đại bác, gần nửa triệu khẩu súng trường và triệu viên đạn cùng quân trang quân dụng) để giúp cho Nga trong cuộc đối đầu với Đức ở mặt trận phía Đông. Trong một hành động đầy thiện chí, Nhật Bản đã trả lại cho Nga một số lượng lớn súng mà họ đã thu giữ được từ cảng Port Arthur sau khi thành phố này sụp đổ năm 1905. Đây là “bước chuyển rõ nét nhất trong quan hệ hai nước từ sau chiến tranh 1904 -1905”. [46;15]
Tóm lại, những hiệp ước công khai và bí mật của Nhật - Nga từ 1907 đến 1916 “đã chịu những ảnh hưởng to lớn của hàng loạt những sự kiện quốc tế trong suốt những biến động của thời đại”[46;10].
* * *
Giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX được xem là thời điểm đánh dấu những bước chuyển quan trọng của Nhật - Nga trên trường quốc tế. Những cuộc cải cách thành công ở cả hai nước, đã biến Nga và Nhật từ những nước lạc hậu thành những cường quốc trong khu vực. Bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, cả hai nước đều muốn hướng ra bên ngoài, để có thể xác lập vị thế và quyền lực của mình trên trường quốc tế. Thời điểm này, cả hai nước đều muốn bành trướng thế lực của mình ở Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng chính tại nơi đây, tham vọng về lãnh thổ của cả hai nước đã mâu thuẫn với nhau, khiến cho mối quan hệ của hai nước ngày càng trở nên gay gắt. Sự cạnh tranh của hai nước ngày một lớn, vì cả hai bên đều không muốn từ bỏ tham vọng của mình ở những vùng đất mà họ coi là “sân nhà của họ”. Đến đầu thế kỉ XX, mâu thuẫn Nhật-Nga trong việc giành quyền bá chủ Đông Bắc Á không thể hòa giải được nữa và chiến tranh là biện pháp duy nhất để hai nước có thể giải quyết đối thủ để đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, kết thúc cuộc chiến tranh Nhật – Nga (1904-1905), mặc dù Nhật giành được chiến thắng nhưng những tổn thất to lớn từ cuộc chiến đã khiến hai nước mệt mỏi, kiệt quệ và tìm đến một giải pháp hòa bình ở Portsmouth. Sau chiến tranh Nhật - Nga, Mĩ ngày càng muốn đặt tầm ảnh hưởng của mình ở Trung Quốc nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung. Tham vọng của Mĩ, khiến cho Nhật - Nga phải dè chừng và cảnh giác, nên cả hai đã phải tạm thời gạt bỏ thù hận để liên kết với nhau nhằm giữ vững vị thế trong khu vực. Chuỗi bốn hiệp ước từ 1907-1916 đã đánh dấu một giai đoạn mới đầy triển vọng và thân thiện trong quan hệ Nhật - Nga. Nhưng cuộc cách mạng của những người Bolshevik đã nhanh chóng chấm dứt mối quan hệ trên.
CHƯƠNG 2. QUAN HỆ NHẬT BẢN – LIÊN XÔ TỪ 1917-1929