Nhật Bản công nhận Liên Xô

Một phần của tài liệu quan hệ nhật bản – liên xô (1917 1945) (Trang 67)

8. Bố cục của luận văn

2.2.3. Nhật Bản công nhận Liên Xô

Ngay sau khi cách mạng tháng Mười thành công, chính quyền Xô viết non trẻ đã phải đối phó với tình huống cực kì khó khăn, đó là cuộc nội chiến chống thù trong giặc ngoài từ năm 1918-1920. Bên cạnh đó, các cường quốc phương tây còn không công nhận và thi hành chính sách bao vây, thù địch đối với Liên Xô. Trong hội nghị quốc tế Versailles – Washington, chính phủ Xô viết không được các nước tư bản cho tham dự. Tuy nhiên, sau thắng lợi trong cuộc nội chiến 1918-1920, Liên Xô đã từng bước phá vỡ chính sách cô lập của các các cường quốc phương Tây và khẳng định vị trí quốc tế của mình.

Ngày 16-04-1922, hiệp ước Xô - Đức đã được kí kết tại Rapalo, Đức trở thành quốc gia phương tây đầu tiên thiết lập ngoại giao với Liên Xô. Có thể nói hòa ước “Rapalo đã giáng một đòn vào âm mưu cô lập Liên Xô của các nước phương tây, đồng thời đánh dấu một thắng lợi ngoại giao quan trọng của nhà nước Xô viết”[29;139]. Ngày 30-12-1922 liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) đã được thành lập, sức mạnh của nhà nước Xô viết được tăng cường và củng cố. Đến ngày 02-02-1924, Anh là nước tư bản thứ hai ở Châu Âu sau Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Sau đó, hàng loạt các quốc gia châu Âu khác tuyên bố công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Liên Xô như Italia (7-2-1924), Pháp (10-1924)… Việc các cường quốc Anh, Pháp, Italia đã chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô đã cho thấy vai trò, uy tín ngày càng cao của Liên Xô trên trường quốc tế.

Cùng với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với các cường quốc phương tây, trong thời gian này Liên Xô cũng đưa ra chính sách đối ngoại với “những nỗ lực nhằm tạo ra một biên giới hòa bình nói chung và ở khu vực Đông Á nói riêng để có thể hỗ trợ cho các tỉnh Viễn Đông của Nga, giúp khu vực này có thời gian phục hồi, khắc phục sự tàn phá của chiến tranh và sự can thiệp của thế lực bên ngoài”[46;24].

Ở khu vực Đông Bắc Á, Liên Xô đặc biệt quan tâm đến Trung Quốc và Nhật Bản. Ngày 31-05-1924 hòa ước Xô – Trung đã được kí kết, theo đó Trung Quốc công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, đồng thời Liên Xô tuyên bố hủy bỏ tất cảc các đặc quyền trước đây chính phủ Nga Hoàng đã kí với Trung Quốc. Trong khi đó, việc “nối lại mối quan hệ với Nhật Bản được xem là một vấn đề khó khăn hơn cả”[46;24] vì “xuyên suốt trong lịch sử các mối quan hệ của Nga mà nay là Liên Xô, nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh 1904-1905 vẫn còn dai dẳng, việc Nhật Bản can thiệp Siberia kéo

dài và những cuộc chiếm đóng Xakhalin luôn là vấn đề gây trăn trở trong tâm thức những nhà lãnh đạo Liên Xô và dân Nga”[46;24].

Tuy nhiên, để phá thế bao vây của các nước đế quốc, các nhà lãnh đạo mới tại Moscow cần thiết lập quan hệ với Nhật Bản: “mối quan hệ với Nhật Bản được xem là lý tưởng vì những lợi ích của nó”[46;24-25].

Ngoài ra, trong các cường quốc phương tây, chỉ còn Mĩ chưa công nhận và vẫn duy trì chính sách thù địch chống Liên Xô, đây cũng là một nguyên nhân thúc đẩy sự tiến tới của quan hệ Nhật -Xô. Nhà ngoại giao Xô viết Lev Mikhailovich Karakhan tuyên bố với báo Izvestia: “Các thỏa thuận với Nhật Bản, bằng cách tăng cường vị trí của chúng tôi ở Thái Bình Dương, cũng chính là một sự cảnh báo với Mỹ, việc nước này không kí hiệp ước với chúng tôi chỉ làm cho vị trí của nó tồi tệ hơn”[46;22].

Cuộc can thiệp vào Siberia thất bại và đặc biệt là sau hội nghị Washington 1921 – 1922, thì vị thế, uy tín và vai trò của Nhật trên trường quốc tế bị suy giảm nghiêm trọng. Một trong những mục tiêu mà Mĩ triệu tập hội nghị Washington chính là nhằm ngăn chặn không cho Nhật gia tăng quân bị, bành trướng thế lực lãnh thổ. Cụ thể Hiệp ước bốn nước đã thay thế liên minh Anh - Nhật, “nhằm cô lập Nhật thêm một bước”[37;74]; Hiệp ước năm nước hạn chế lực lượng hải quân của Nhật. Đặc biệt Hiệp ước chín nước đã “xác nhận mở cửa đối với Trung Quốc”, “tức là mọi quốc gia đều có quyền buôn bán giống nhau ở Trung Quốc”, như vậy “người bị mất các đặc quyền không ai khác hơn ngoài Nhật”[34;187].

Ngoài việc kí những hiệp ước nhằm cô lập Nhật trong hội nghị Washington, Mĩ “cũng đang hướng đôi mắt thèm thuồng sang khu vực này (Châu Á), nhất là đối với thị trường Trung Quốc rộng lớn” [37;73]. Điều này khiến cho Nhật không hài lòng vì với “thuyết Châu Á là của người Châu Á”[37;73], từ lâu khu vực Đông Bắc Á nói chung, Trung Quốc nói riêng đã

được xem là “sân nhà” của Nhật. Tham vọng của Mĩ, khiến cho mối quan hệ Nhật – Mĩ trở lên căng thẳng. Điều đó buộc Nhật phải có những tính toán mới về chính sách ngoại giao đối với các nước khu vực, trong đó có Liên Xô.

Chính vì vậy, dù cho “ở Nhật lúc bấy giờ tồn tại một xu hướng lo ngại và không thiện cảm với chính phủ Xô Viết”[46;27] nhưng để lấy lại uy tín, duy trì tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Bắc Á và phá bỏ sự cô lập của Mĩ, thì việc thiết lập lại quan hệ Nhật-Xô là một giải pháp có thể tính đến.

Ngay từ giữa năm 1921, đã có nhiều yếu tố xuất hiện cho thấy việc Nhật Bản đã có sự chuẩn bị để nối lại quan hệ với Liên Xô. Tháng 08-1921, một hội nghị song phương đã được triệu tập ở Trung Quốc để thảo luận việc công nhận lẫn nhau giữa Nhật - Liên Xô. Tuy nhiên, hội nghị đã bị phá do quân đội Nhật vẫn còn đóng quân tại Siberia cũng như dư âm từ vụ thảm sát Nikolaevsk vẫn còn.

Đến tháng 09-1922, sau khi quân Nhật rút khỏi đất liền, một hội nghị thứ hai đã được triệu tập tại Trường Xuân, Trung Quốc. Những khúc mắc trong vụ thảm sát Nikolaevsk cũng như việc quân đội Nhật vẫn chiếm đóng Bắc Sakhalin vẫn là những những nguyên nhân khiến cho việc bình thường hóa mối quan hệ Nhật-Xô đi vào ngõ cụt.

Ngày 30-12-1922, nước Cộng hòa Viễn Đông được sáp nhập vào Liên Xô, đã báo hiệu những tiến triển tốt đẹp cho quá trình thương thuyết của hai bên. Từ năm 1923, Nhật Bản đã tiến hành đàm phán với chính phủ Liên Xô ở Moscow.

Phía Nhật Bản đã cử bá tước Shimpei Goto (Thị trưởng Tokyo) làm đại diện. Tại Nhật, Shimpet Goto được xem là một trong những người ủng hộ Nga, là nhân vật đã đề xuất việc Nhật Bản cần xích lại gần Nga trong những năm 1907-1916. Chính vì vậy, sự tham gia của Shimpei Goto với người đại

diện chính phủ Bolshevik cho thấy Nhật Bản đã bắt đầu thay đổi và hướng đến một cuộc đàm phán thiết thực hơn với Liên xô. Chính phủ Liên xô đã cửnhà ngoại giao Adolf Ioffe, người đã có nhiều kinh nghiệm về Châu Á để tiếp xúc. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định bắt đầu đàm phán chính thức với Adolf Ioffe tại Nhật Bản.

Vào đầu năm 1923, hai nhà ngoại giao Shimpei Goto và Adolf Ioffe đã có một cuộc gặp gỡ không chính thức tại Yokohama (Nhật Bản). Các cuộc đàm phán kéo dài đến mùa hè năm 1923,trong đó nhiều lần bị gián đoạn bởi dư âm của vụ thảm sát Nikolaevsk. Chính phủ Nhật Bản yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ phía Liên Xô và mong muốn Liên Xô sẽ bán nửa còn lại của Xakhalin cho Nhật nhưng chính phủ Liên Xô đã từ chối yêu cầu này.

Không chỉ vậy, năm 1923 còn có một sự kiện ảnh hưởng không tốt đến quá trình đàm phán. Đó là việc chính phủ Nhật đã từ chối tiếp nhận viện trợ thực phẩm của Liên Xô và các hỗ trợ vật chất khác nhằm giúp Nhật Bản khắc phục hậu quả trận động đất Kanto (1923). Con tàu cứu trợ mang tên Lenin (chuyến tàu cứu trợ nước ngoài đầu tiên đến Yokohama Nhật Bản), đã buộc phải quay đầu lại ngay sau khi nó cập cảng dù trên mình nó nặng trĩu những hàng hóa. Các đơn vị quân đội Nhật Bản chịu trách nhiệm phân phối hàng cứu trợ trong vùng bị thiệt hại đã nghi ngờ động cơ của Liên Xô và không cho phép các nhân viên của Liên Xô tháo dỡ và phân phối hàng cứu trợ cho người dân Nhật. Cử chỉ này “được xem như là một hành động gây xúc phạm lớn đến Chính phủ Liên Xô”[46;25].

Sau những gián đoạn, đến mùa xuân năm 1924, đàm phán giữa chính phủ Nhật - Xô được nối lại tại Bắc Kinh. Trong khoảng thời gian này, những đại diện của hai bên gồm có bộ trưởng Kenkichi Yoshizawa của Nhật Bản và Lev Karakhan từ Liên Xô. Các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra đến cuối năm 1924 với những tiến triển tốt đẹp. Ngày 20-1-1925, hai bên đã ký Công ước

quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao. Công ước quy định Nhật Bản phải rút quân khỏi Bắc Xakhalin và trả lại vùng đất này cho Liên Xô; hai bên cùng chung sống hòa bình trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Liên Xô cam kết vẫn tôn trọng Hiệp định Portsmouth năm 1905 và cho phép các công dân, công ty, hiệp hội Nhật Bản đầu tư, khai thác tài nguyên khoáng sản và lâm nghiệp trên toàn lãnh thổ Liên Xô. Có thể nhận ra, “công ước này là một sự nhượng bộ của Liên Xô đối với Nhật Bản nhằm củng cố nền hòa bình ở Viễn Đông”[42;173].

Nhìn chung, “việc nối lại mối quan hệ hai bên giữa Nhật Bản-Liên Xô 1923-1925 được xem là một sản phẩm của những chi phối từ bên ngoài. Nhận thức được mối nguy hiểm tiềm năng ở vùng Viễn Đông, các nhà lãnh đạo của cả hai nước tìm cách khôi phục vị trí chiến lược của họ. Hướng về nhau được xem là một chiến thuật tạm thời, nó được thiết kế như một tấm khiên chắn để bảo vệ các lỗ hổng. Tính chất địa chính trị trong việc tái lập mối quan hệ hai bên đã được chứng thực bởi cả hai bên”[46;27]. Chính vì vậy, “việc công nhận lẫn nhau vào năm 1925 đã không mang lại một sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn của cả hai chính phủ và hai dân tộc với nhau. Những nhận thức về nhau trong suốt thời gian dài là khá thấp. Cảm giác nghi ngờ lẫn nhau, những vết thương từ trong những năm 1904-1905 đã lại tiếp tục tái lại trong những năm 1918-1922, và đã để lại những vết sẹo sâu cho đến nhiều thập kỷ về sau”[46;24].

Trong ngày kí kết nghị định thư công nhận nhà nước Xô viết tháng 01-1925, thủ tướng Kato, đã có bài diễn văn trước các thành viên trong đảng Kenseikai (đảng Lập hiến): “Chính phủ Liên Xô ở Moscow, mà chỉ là tên gọi khác của Quốc tế thứ ba, không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội để truyền bá chủ nghĩa cộng sản ở tất cả các nước trên thế giới, dù nước đó có hoặc không có quan hệ ngoại giao với nó”[46;24-25]. Có thể thấy rằng, vấn đề ý thức hệ ở

Liên Xô luôn khiến giới lãnh đạo Nhật Bản “lo lắng về những gì đã xảy ra với các gia đình hoàng gia ở Nga, Đức, Áo, và Trung Quốc”[46;30]. Những dấu hiệu hoài nghi, lo lắng của Nhật, báo trước sự phát triển không bền vững của quan hệ Nhật – Xô về sau.

Dù rất mong muốn xây dựng các mối quan hệ hòa bình với Nhật Bản, để có thời gian để giải quyết tình hình ở vùng Viễn Đông của mình nhưng Liên Xô vẫn không thể quên đi những vết thương do Nhật đã gây ra. Sự mất lòng tin với Nhật Bản luôn ngự trị trong giới lãnh đạo và người dân Liên Xô, đặc biệt là người dân ở các tỉnh bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng. Thành viên của Bộ quan hệ đối ngoại Liên Xô, Georgy Vasilyevich Chicherin, trong một bức thư gửi cho đại sứ Liên Xô tại Tokyo đã cảnh báo: “Không một nhà nước nào, sau khi công nhận chính phủ của chúng ta, lại rất thân thiện với chúng ta như một Nhật Bản. Báo cáo của anh... đập vào mắt người đọc chỉ là sự thân thiện của người Nhật. Điều này có ý nghĩa gì? Đó là những điều mà ta cần phải giải mã. Người Nhật mong đợi những gì? Có phải họ muốn những vùng đất cho người của họ nhập cư, các tô giới, hay họ muốn có một chỗ dựa an toàn cho cuộc chiến sắp tới với Hoa Kỳ? Có một cuộc đụng độ [về những lợi ích] giữa chúng ta và người Nhật ... Đây là vấn đề nghiêm trọng nhất. Nếu Nhật Bản có thiết kế một vùng Đông Siberia, họ sẽ phải đối mặt với những va chạm và họ sẽ bị bao vây trong nỗi thất vọng”.[46;24-25]

Những nghi ngờ, mất lòng tin giữa hai chính phủ Nhật - Xô đã báo hiệu trước một mối quan hệ mong manh và dễ đổ vỡ giữa hai nước.

Ngay sau khi công ước Xô – Nhật được kí kết, vụ bê bối gián điệp cũng “khiến lòng tin giữa hai bên lại trở nên suy giảm một lần nữa sau khi quan hệ ngoại giao được thiết lập”[46;31]. Thời gian này, sự hỗ trợ của Liên Xô cho đảng cộng sản Nhật Bản tăng lên nhanh chóng, điều này đã thúc đẩy Nhật Bản tăng cường giám sát các công dân Liên Xô tại Nhật Bản. Những

nhà ngoại giao Liên Xô cũng liên tục bị quấy rối bởi thành phần chủ nghĩa cực đoan Nhật Bản và những công dân Nhật làm việc tại đại sứ quán Liên Xô ở Tokyo cũng bị tấn công. Công dân Nhật Bản ở Liên Xô cũng được giám sát chặt chẽ và những người này đã trở thành “tù nhân ảo”. Đánh giá về giai đoạn sau khi hai nước kí hiệp ước công nhận lẫn nhau, các nhà nghiên cứu nhận định: “lúc này, người Nhật tin cậy người Xô viết cũng ít như là lòng tin của người Liên Xô với người Nhật”[46;25].

Tháng 05-1926, yêu cầu của Liên Xô về một hiệp ước không xâm lược cũng bị chính phủ Nhật từ chối. Các cuộc đàm phán về quyền đánh cá cũng bị ngừng trệ. Ba tháng sau, tháng 08-1926, chính phủ Nhật Bản đã bác bỏ đề nghị của Liên Xô cho một hiệp ước trung lập. Bước sang năm 1927, trong một bị vọng lục đặc biệt, thủ tướng Nhật là Hiiti Tanaka đã quay trở lại ý đồ “cần giao chiến lần nữa với nước Nga”[44;19]

Tuy quan hệ chính trị có những bước lùi, thì quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng có một vài điểm sáng khi hai nước kí thỏa thuận về vấn đề ngư nghiệp vào ngày 23-01-1928, cho phép ngư dân Nhật được đánh bắt cá ở Thái Bình Dương đoạn nằm sát ngay bờ biển của Liên Xô. Có thể thấy rằng, đây là điểm sáng hiếm hoi trong quan hệ hai nước kể từ sau Công ước năm 1925.

Đến năm 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ gây ra những tổn thất nặng nề đối với các nước tư bản trong đó có Nhật Bản. Sự khó khăn trong nước, khiến cho chính phủ Nhật phải điều chỉnh chính sách đối ngoại, bằng những tham vọng điên cuồng về mặt lãnh thổ, Nhật có thể sẽ phá vỡ thế cân bằng lực lượng ở Đông Bắc Á. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ Nhật - Xô ngày càng trở nên gay gắt và có nguy cơ đổ vỡ vì những tham vọng Nhật.

* * *

Đầu thế kỉ XX, những tham vọng về lãnh thổ là một trong những nguyên nhân chính khiến cho quan hệ Nhật - Nga trở nên xấu đi. Sự thù hận của hai nước, chỉ tạm thời được bỏ qua khi có một kẻ thứ ba (Mĩ) đe dọa đến vị thế của họ ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, giai đoạn thân thiện trong quan hệ Nhật - Nga (1907-1916), nhanh chóng kết thúc khi xuất hiện một mâu thuẫn mới cản trở quan hệ hai nước đó là ý thức hệ. Cách mạng tháng Mười đã biến nước Nga Sa Hoàng thành một nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Một phần của tài liệu quan hệ nhật bản – liên xô (1917 1945) (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)