8. Bố cục của luận văn
1.2.1. Vấn đề Triều Tiên
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, khi chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, nhu cầu về thị trường, nguyên liệu và thuộc địa của cả hai nước Nhật - Nga ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, những tranh chấp về lãnh thổ ở
Triều Tiên và Trung Quốc làm cho mâu thuẫn giữa Nhật - Nga thêm sâu sắc. Từ những thập niên 70 và 80 của thế kỉ XIX, cả Nhật và Nga đều ép Triều Tiên kí những hiệp ước bất bình đẳng.
Thắng lợi trong cuộc chiến tranh Nhật – Trung (1894-1895), Nhật buộc nhà Thanh phải từ bỏ quyền khống chế Triều Tiên. Từ đây “Nhật có thể nô dịch Triều Tiên và đi sâu vào lãnh thổ Trung Quốc” nhưng “sẽ vấp phải đế quốc Nga cũng đang muốn chi phối số phận của nhân dân và nền chính trị Triều Tiên”[30;380]. Tại Triều Tiên, “người Nhật hãnh diện vì tưởng mình đã giúp Triều Tiên độc lập, thoát khỏi Trung Quốc, ngoài ra Nhật còn cố gắng cải tổ những phong tục cổ hủ của Triều Tiên” nhưng “Triều Tiên tỏ vẻ thân thiện với Nga hơn và vẫn giữ mối hiềm thù Nhật”[9;88].
Vào năm 1895, Nhật Bản buộc vua Triều Tiên phải tiếp tục cải cách, song triều đình Triều Tiên dần dần ngã về Nga. Ngày 14-05-1895, “Nhật Bản và Nga ký hoà ước tại Seoul, thống nhất không can thiệp vào công việc nội bộ Triều Tiên, nhưng khi có loạn hai bên sẽ cùng can thiệp, mỗi bên đóng tại Triều Tiên 1.000 quân để bảo vệ kiều dân, hải cảng”[39;105]. Tuy nhiên, vào tháng 10-1895, đại sứ Nhật Bản Miura điều khiển phe thân Nhật tiến hành đảo chính, bắt giữ vua và giết hoàng hậu. Nhà vua phải trốn và tỵ nạn tại lãnh sự quán Nga suốt một năm và tuyên bố bãi bỏ mọi cải cách do người Nhật Bản áp đặt.
Đến năm 1896, tại Triều Tiên, người Nga đã dựng lên chính phủ thân Nga, phế bỏ nội các thân Nhật làm cho mâu thuẫn Nga – Nhật ngày càng gay gắt. Tháng 02-1897, vua Triều Tiên trở về hoàng cung và khôi phục vương, hiệu. Ngày 12-10-1897, Triều Tiên yêu cầu Nga gởi sĩ quan huấn luyện quân sự, đặt đường sắt, lập sở Thương chính. Trong khi đó, một phong trào Quốc gia lan rộng ở Triều Tiên, nhân dân muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Nhật Bản, Nga và cả Trung Quốc.
Trước làn sóng lớn mạnh của phong trào, ngày 25-04-1898, Nhật Bản và Nga phải một lần nữa ký hoà ước, trong đó giành cho Nhật Bản nhiều quyền lợi kinh tế ở Triều Tiên, cả hai cùng duy trì ảnh hưởng tại nước này nhưng bản hòa ước bị các chính khách Nga phản đối. Họ yêu cầu chính phủ Nga đặt thêm căn cứ quân sự giữa Vladivostok và Lữ Thuận. Trước sức ép, “Nga Hoàng đã ủy quyền cho Bezobrazoff mua khu Masampo của Triều Tiên, đối diện với đất của Nhật Bản”[39;106]. Để tránh bị dòm ngó, chính phủ Nhật Bản đã gửi thông điệp cảnh báo chính quyền Triều Tiên. Vì vậy, việc mua bán giữa Nga và Triều Tiên không thành.
Nhìn chung, với một loạt các bước đi trong quan hệ hai nước ở vấn đề Triều Tiên, có thể nhận định rằng: từ năm 1896-1898 “lực lượng Nga - Nhật ở thế bình quân trên bán đảo Triều Tiên” [30;380]. Quan hệ của hai nước luôn có những bất đồng nhưng khi quyền lợi bị ảnh hưởng cả hai đều sẵn sàng có sự đàm phán và bắt tay với nhau.