Sự trung lập tất phải thất bại

Một phần của tài liệu quan hệ nhật bản – liên xô (1917 1945) (Trang 104)

8. Bố cục của luận văn

3.2.3.1.Sự trung lập tất phải thất bại

Khi hiệp ước không xâm phạm Xô –Nhật kí “chưa ráo mực” thì khoảng hơn hai tháng sau, ngày 22-06-1941 Hitler bất ngờ mở cuộc tấn công vào Liên Xô, bất chấp hiệp ước không xâm phạm kí với Liên Xô ngày 23-08- 1939 (có giá trị trong 10 năm). Do tin tưởng vào thắng lợi chớp nhoáng trước Liên Xô tương tự các chiến thắng trước đó ở Tây Âu nên Hitler chẳng những không thông báo cho Nhật việc chuẩn bị kế hoạch tấn công Liên Xô mà thậm chí cũng không đề nghị Nhật cùng với mình tham chiến chống Liên Xô. Nhưng “khi dự định đánh bại Liên Xô (từ 8 - 10 tuần) bị thất bại, Đức chuyển sang thúc giục Nhật nhanh chóng tấn công vào phía Đông của Liên Xô, buộc Liên Xô phải tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận. Hai gọng kìm - Đức ở phía tây, Nhật từ phía đông – sẽ bóp chết Liên Xô và Đức, Nhật sẽ hội quân ở dãy Ural như dự định”[32;168-169].

Một lần nữa người Nhật lại cảm thấy bất ngờ, khó hiểu khi Đức đã xé bỏ hiệp ước bất xâm Xô – Đức một cách dễ dàng. Trước yêu cầu từ phía đồng minh, Nhật “đứng trước ngã ba đường, không biết nên tôn trọng Hiệp ước đồng minh Nhật, Đức, Italia (và tấn công Liên Xô) hay tôn trọng Hiệp ước trung lập vừa kí (và “Nam tiến”) ”[34;222]. Nhưng chắc chắn rằng lần này, Nhật sẽ có những bước đi thận trọng hơn vì “chắc hẳn ký ức về trận chiến Khalkhin Gol vào mùa hè năm 1939 ở biên giới Mãn Châu và ngoại Mông vẫn còn chưa phai nhạt”[34;222].

Ngày 02-07-1941 “hội nghị của các nhà lãnh đạo tối cao Nhật Bản đã họp với sự hiện diện của Thiên Hoàng Showa đã quyết định ưu tiên hàng đầu của Nhật là tiến xuống phía Nam”[32;169]. Mặt khác, tiếp tục chuẩn bị cho cuộc tấn công lên phía bắc chống Liên Xô song chỉ trong trường hợp Liên Xô bị Đức đánh bại và chỉ rõ: “ Nếu cuộc chiến tranh Xô – Đức phát triển theo hướng thuận lợi cho đế quốc thì Nhật sẽ dùng lực lượng vũ trang để tiến lên phía bắc” [32;169]. Nhật Bản “tính toán rằng trong giai đoạn gay go nhất của cuộc chiến tranh Xô- Đức, Liên Xô sẽ chuyển một phần lực lượng từ Viễn Đông về phía Tây….và như thế Nhật bản có thể chiếm vùng Viễn Đông Liên Xô mà không bị tổn thất lớn”[44;22]. Trong giới quân sự Nhật đã có kiểu nói phổ biến bao hàm đầy ý nghĩa “chớ lỡ xe đò”. Để chuẩn bị cho khả năng này, ngoại trưởng Nhật Matsuoka đã tuyên bố với đại sứ Liên Xô Xmetanin ở Tokyo rằng, nếu như hiệp ước tay ba Đức, Italia, Nhật và Hiệp ước không xâm phạm Xô – Nhật mâu thuẫn nhau, thì hiệp ước Xô – Nhật sẽ không còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, đáp lại sự thúc giục của đồng minh Đức yêu cầu Nhật nhanh chóng tấn công Liên Xô, chính phủ Nhật đã thông báo cho phía Đức rằng “Nhật sẽ tham chiến khi nào quân Đức chiếm được Moscow và tiến đến sông Volga” [32;169]. Vì vậy, Nhật vẫn bí mật chuẩn bị cho khả năng tấn công Liên Xô và sẽ không giữ lập trường trung lập khi liên tiếp có những hành động vi phạm hiệp ước Xô – Nhật.

Trong khi cuộc chiến trên mặt trận Xô –Đức hết sức căng thẳng, thì từ năm 1941 đến 1942 “Nhật tiếp tục tăng nhanh đội quân Quan Đông từ 300.000 quân lên 1.100.000 quân uy hiếp lãnh thổ Liên Xô ở Viễn Đông”[44;21]. Từ cuối năm 1941 đến đầu năm 1943, Nhật thường xuyên tổ chức khiêu khích vũ trang trên biên giới Liên Xô - Mãn Châu Quốc, “chỉ riêng tại vùng Primorie quân đội Nhật đã gây ra hơn 500 vụ khiêu khích vũ

trang”[44;21]. Lực lượng hải quân Nhật liên tiếp vi phạm các tiêu chuẩn chung của luật pháp quốc tế khi đã tìm mọi cách ngăn cản tàu bè Liên Xô qua lại vùng Viễn Đông. Từ giữa năm 1941 đến 1944, “Nhật đã bắt giữ hơn 170 tàu buôn Liên Xô”[44;21]. Trong tháng 12-1942 các “tàu ngầm Nhật đã đánh đắm và gây hư hỏng 10 tàu thủy Liên Xô”[44;21]. Ngoài ra, Nhật cũng cung cấp cho phát xít Đức nhiều thông tin tình báo: “Bộ tham mưu cấp cho Đức các thông tin về việc tập trung các lực lượng Hồng Quân trong quận Tambốp, phía đông Xtalingrat, cũng như việc Liên Xô sản xuất các loại chiến xa khác nhau. Nhật cũng cung cấp cho nước Đức các nguyên liệu đặc biệt quý (thiếc, cao su) bằng cách dùng tàu gầm, hoặc dùng các tàu chuyên chở mang cờ các nước trung lập”[10;365].

Tuy nhiên, những hành động vi phạm sự trung lập trong hiệp ước Xô – Nhật cũng diễn ra từ phía Liên Xô vì nước này không thể đứng yên nhìn Nhật vi phạm hiệp ước. Sau xung đột biên giới Nhật - Xô (1938-1939), phía Liên xô luôn đề cao cảnh giác và cắm ở biên giới gần “40 sư đoàn”[10;364]. Với lực lương quân sự lớn, Liên Xô luôn gây ra một sự uy hiếp thường trực với biên giới của Mãn Châu Quốc. Năm 1937, khi Nhật mở rộng chiến tranh xâm lược Trung Quốc, phía Liên Xô đã hỗ trợ về cả vật chất và nhân sự cho Trung Quốc. Năm 1941 khi hiệp ước Xô - Nhật được kí kết, khi Nhật đang sa lầy ở Trung Quốc, nhưng Liên Xô vẫn hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tưởng.

Những biến đổi mau chóng của quan hệ quốc tế cuối năm 1941 đầu năm 1942, khiến hiệp ước Xô – Nhật bị vi phạm nghiêm trọng. Ngày 07-12- 1941 không quân Nhật tấn công quân Mĩ tại Trân Châu. Ngày 08-12-1941 Mĩ tuyên chiến với Nhật. Như vậy, sau nhiều bất hòa, tranh chấp Nhật và Mĩ đã thành kẻ thù, sau đó Mĩ lại kết đồng minh với Liên Xô. Ngày 01-01-1942 mặt

trận đồng minh chống phát xít thành lập có Liên Xô, Anh, Mĩ và đến ngày 11- 07-1942 Hiêp ước tương trợ Liên Xô – Mĩ được kí kết.

Sau khi mặt trận đồng minh chống phát xít thành lập và hiệp ước tương trợ Xô- Mĩ được kí, Liên Xô ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy họ sẽ không tuân thủ hiệp ước Xô – Nhật. Có thể nhấn mạnh rằng, “yếu tố phức tạp nhất trong việc duy trì tính trung lập “tạm thời” trong mối quan hệ Nhật - Xô chính là Mĩ”[46;29]. Khi cuộc chiến giữa Nhật - Mĩ diễn ra khốc liệt ở Thái Bình Dương thì Mĩ đã thuyết phục Liên Xô cho phép nước này thiết lập căn cứ không quân ở vùng Viễn Đông của Nga mà từ đó máy bay Mỹ có thể ném bom Nhật Bản và ngăn chặn những chuyến tàu tới Nhật Bản. Sau đó, những phi công Mỹ đã tiến hành những cuộc oanh tạc nhằm vào quân đội Nhật Bản trên cả đất liền và lãnh hải đã có sự hạ cánh xuống lãnh thổ Liên Xô”[46;29].

Điều này tạo ra những sức ép ngoại giao cho Liên Xô, khi Nhật Bản yêu cầu Liên Xô hoặc là không cho phép máy bay Mỹ có quyền hạ cánh hoặc là phải bàn giao bất kỳ phi công Mỹ hạ cánh trên lãnh thổ Liên Xô cho Nhật. Phía Liên Xô đã bác bỏ đề nghị này khiến Nhật không thể chấp nhận: “Liên Xô thay vì giam giữ khoảng 300 phi công Mỹ, nhưng sau đã để cho số này “thoát” đi thông qua Trung Á đến với quân đội Anh ở Iran”[46;29].

Các nhà lãnh đạo Nhật cũng không tán thành kế hoạch vận chuyển hàng hóa theo chương trình Lend-Lease của Mỹ đến các cảng Viễn Đông của Liên Xô. Nhưng phía Nhật “khó có thể làm gì khi hàng hóa đến trên tàu vận tải của Liên Xô hoặc trên tàu Liberty của Mỹ nhưng gắn cờ búa liềm của Liên Xô”[46;29]

Hơn nữa, hợp tác hải quân Mỹ-Liên Xô ở Viễn Đông còn vượt hơn sự hợp tác trong chương trình Lend-Lease. Vào năm 1944 phi công hải quân

Liên Xô bắt đầu được đào tạo tại Hoa Kỳ. Vào mùa xuân năm 1945 “các lực lượng hải quân Mỹ ở Alaska bắt đầu bí mật đào tạo và trang bị cho lực lượng hải quân của Liên Xô cho các hoạt động đổ bộ chống lại Nhật Bản”[46;29]. Ngoài ra, chính phủ Mĩ cũng đã nhiều lần yêu cầu Liên Xô tham gia vào cuộc chiến chống Nhật. Mặc dù không chấp thuận, nhưng những bước đi sau đó của Liên Xô đã cho thấy hiệp ước Xô - Nhật sớm muộn cũng bị xé bỏ trước thời hạn.

Tháng 10- 1943, tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao quân đồng minh tại Moscow, “các nhà lãnh đạo Liên Xô đã nói với đại sứ Hoa Kỳ Averill Harriman rằng Liên Xô sẽ tham chiến chống lại Nhật Bản sau khi Đức thất bại”. Vào tháng 11-1943, tại hội nghị Teheran, “Stalin đã nhắc lại lời hứa này với Roosevelt”[46;30]. Vào mùa thu năm 1944, trong một cuộc họp với thủ tướng Anh Winston Churchill, “Stalin lại một lần nữa đảm bảo rõ ràng rằng Liên Xô sẽ tham chiến chống lại Nhật Bản sau khi Đức đầu hàng”[46;46]. Trong một bài phát biểu tháng 11-1944, “Stalin gọi Nhật Bản là một trong những “quốc gia xâm lược”[46;30].

Những chuyển biến trong năm 1944 đã thể hiện rõ ràng với các nhà lãnh đạo Nhật rằng việc Liên Xô sẽ tham gia vào cuộc chiến chống Nhật chỉ là vấn đề thời gian. Trong Hội nghị Yalta vào tháng 02-1945, các bên đã đồng ý rằng Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật Bản ba tháng sau sự đầu hàng của Đức. Ngày 05-04-1945 Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Molotov thông báo Đại sứ Nhật Bản Naotake Sato tại Moscow rằng “Liên Xô sẽ không gia hạn hiệp ước trung lập”[46;31].

Nhà sử học George Lensen, trích dẫn lời một nhà sử học Nhật Bản, đã gọi tình trạng của mối quan hệ giữa Moscow và Tokyo trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai là “sự trung lập kì quặc” hay là sự “trung lập tạm thời”. Sự “kì quặc” thể hiện ở chỗ, Nhật Bản đã tiếp tay cho kẻ thù chính của Liên Xô

là Đức; trong khi Liên Xô đã liên minh với kẻ thù chính của Nhật Bản là Hoa Kì. Điều này cho thấy là không bên nào tin cậy lẫn nhau và không sớm thì muộn sự trung lập đó tất phải thất bại. Thời điểm đó sẽ đến, khi phát xít Đức bị đánh bại hoàn toàn vào tháng 5-1945.

Một phần của tài liệu quan hệ nhật bản – liên xô (1917 1945) (Trang 104)