Gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội là cách làm xuất phát từ thực tế, chưa được pháp luật quy định cụ thể về hình thức và cách thức cũng như quy trình, thủ tục xin ý kiến, trong Nội quy kỳ họp Quốc hội có đề cập tới hình thức này nhưng rất sơ sài: Đoàn thư ký kỳ họp có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị phiếu lấy ý kiến đại biểu Quốc hội36.
Vì vậy, cần có quy định cụ thể về hình thức và tính pháp lý của Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, coi đó là một thủ tục được áp dụng trong quá trình xem xét, thông qua dự án luật tại kỳ họp Quốc hội. Cụ thể là việc gửi phiếu xin ý kiến phải bao gồm những bước sau:
- Đoàn thư ký kỳ họp phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội;
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung cần thể hiện trong phiếu xin ý kiến. Thông thường trong phiếu xin ý kiến sẽ nêu nội dung vấn đề cần xin ý kiến, có phần để đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm tán thành, không tán thành, ý kiến khác;
- Đoàn thư ký kỳ họp gửi Phiếu xin ý kiến đến các vị đại biểu Quốc hội;
- Các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến và gửi lại Đoàn thư ký kỳ họp theo thời hạn đã được ghi trong phiếu xin ý kiến;
- Theo sự chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp tập hợp, tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội với Quốc hội.