Tính từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (9-1945) đến tháng 11 năm 2005, Quốc hội (Nghị viện theo Hiến pháp 1946), Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Ban Thường vụ theo Hiến pháp 1946, Hội đồng Nhà nước theo Hiến pháp 1980, Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp 1959 và 1992) đã ban hành 374 văn bản pháp luật, trong đó có 06 bộ luật, 182 luật và 186 pháp lệnh, ngoài ra còn hàng trăm nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật khác. Đó là một số lượng văn bản pháp luật lớn mà Quốc hội, Uỷ ban
thường vụ Quốc hội đã ban hành trong thời gian gần 60 năm, nhất là trong
điều kiện hơn đất nước đã trải qua 30 năm chiến tranh, đặc thù của Quốc hội nước ta là hoạt động không thường xuyên, phần lớn các đại biểu Quốc hội là những người hoạt động không chuyên trách.
Đặc biệt, trong hai năm gần đây, Quốc hội liên tục hoàn thành vượt mức dự kiến chương trình xây dựng luật đã đề ra. Trong số đó có những bộ luật lớn và phức tạp như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự, Luật đất đai. Có những đạo luật mới, lần đầu tiên ban hành ở nước ta như Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật thi đua, khen thưởng, Luật xây dựng và sắp tới, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật đấu thầu trong tổng số 14 luật dự kiến thông qua.
Cùng với số lượng, chất lượng của các đạo luật cũng được nâng lên một bước đáng kể. Đối với các dự án luật lớn, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự, Luật đất đai và hiện nay là hai dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng đều đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp nhằm phát huy trí tuệ tập thể, quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động xây dựng pháp luật. Nhờ phát huy dân chủ rộng rãi mà các dự án luật được thông qua ngày càng phù hợp ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều tư duy pháp lý tiến bộ, nhiều giá trị phổ quát của nhân loại về Nhà nước pháp quyền, về đề cao quyền con người, quyền công dân đều được kế thừa, chọn lọc phù hợp với thực tiễn nước ta để phản ánh trong luật, pháp lệnh.
Có thể nói, nội dung các dự án luật, pháp lệnh vừa được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua chứa đựng các giá trị về bình đẳng, dân
chủ, nhân quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vừa phù hợp với nước ta và có tính khả thi, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Về kinh tế: Sự hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật về kinh
tế là quá trình gắn liền với việc thực hiện đường lối đổi mới từ những năm 1980 do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện. Sự ra đời của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), Luật Công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân (1990) là bước khởi động mạnh mẽ mang tính đột phá nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát huy tiềm năng của các loại hình kinh tế. Điều này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn mà còn cho thấy vai trò của pháp luật trong việc phản ánh thực tiễn khách quan, thúc đẩy sự hình thành của các quan hệ kinh tế mới, phù hợp với xu thế phát triển chung. Theo số liệu thống kê, từ sau Hiến pháp 1992 đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực kinh tế, số lượng các văn bản pháp luật về kinh tế chiếm
60% luật và 30% pháp lệnh được ban hành trong thời gian gần đây16.
Thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng khoá IX về việc xây dựng một khung pháp lý chung, thống nhất cho mọi loại hình doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đối với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đầu tư trong nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngoài một số văn bản đã ban hành như Luật thương mại, Luật cạnh tranh, Luật phá sản..., tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua ba đạo luật là dự án Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Luật đấu thầu.
- Về lĩnh vực tư pháp: Việc ra đời của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự cùng với hai bộ luật về nội dung trước đây là Bộ luật dân sự và Bộ luật hình sự đã tạo nên bốn cột trụ pháp lý cơ bản trong lĩnh vực tư pháp của nước ta. Lần đầu tiên, sau gần 60 năm kể từ ngày ra đời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, lĩnh vực tư pháp của nước ta sẽ được điều chỉnh bằng các bộ luật và theo đó, lĩnh vực tư pháp, xét về cả nội dung điều chỉnh lẫn hình thức thể hiện đều đạt đến trình độ tương đối hoàn thiện, phù hợp với tư duy pháp lý tiến bộ của nhân loại trong lĩnh vực tư pháp.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang gấp rút hoàn thiện Bộ luật thi hành án để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (11-2005) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 (6-2006). Đây là kết quả của quá trình pháp điển hoá các quy phạm pháp luật về thi hành án rải rác ở nhiều văn bản khác nhau trong một đạo luật có giá trị pháp lý cao về lĩnh vực này, tạo khung pháp lý chung, ổn định và thống nhất.
Trong lĩnh vực ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002 đã tạo ra sự thống nhất quy trình soạn thảo, thẩm định và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, góp phần bảo đảm quyền cho mọi tổ chức, công dân có thể tham gia vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật.
Qua hơn 8 năm thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ và được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, là công cụ hữu hiệu để Nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội trong thời kỳ đổi mới. Nếu chỉ tính về mặt số lượng văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành thì
qua các nhiệm kỳ Quốc hội, số văn bản này ngày càng tăng. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX, Quốc hội đã thông qua 41 luật, bộ luật, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 44 pháp lệnh.
Nhiệm kỳ Quốc hội khoá X, Quốc hội thông qua 35 luật, bộ luật và nghị
quyết có chứa văn bản quy phạm pháp luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành 44 pháp lệnh. Trong khi đó, đến nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI, nhờ có việc đổi mới một bước quy trình thảo luận, xem xét thông qua luật, pháp lệnh, tính đến hết năm 2004, Quốc hội đã thông qua được 34 luật, bộ luật, nghị
quyết có chứa quy phạm pháp luật và Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua được 25 pháp lệnh. Riêng tại kỳ họp thứ 7 vừa qua (6-2005), Quốc hội đã thông qua được 14 luật.