Pháp luật phải bảo đảm tính dân chủ

Một phần của tài liệu Đặc điểm của pháp luật trong nhà nước pháp quyền và vài vấn đề đặt ra trong việc đổi mới quy trình lập pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam xã hội chủ nghĩa (Trang 29)

Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền là ý chí của nhân dân và sau khi ban hành phải được nhân dân tự giác chấp hành. Vì vậy, pháp luật phải bảo đảm tính dân chủ, theo đó:

- Pháp luật phải phản ánh đầy đủ, trung thực quyền con người, quyền công dân, nhất là các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá.

Pháp luật không phải là phương tiện cai trị mà phải là phương thức quản lý xã hội, phục vụ nhân dân, quy định những hành lang pháp lý thông thoáng để giải phóng năng lực sản xuất, phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế, bảo đảm quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, có biện pháp hữu hiệu để chống lại sự xâm hại từ phía các cơ quan công quyền và viên chức nhà nước.

- Nhân dân phải là chủ thể chân chính của quá trình sáng tạo pháp luật. Để thực hiện điều đó đòi hỏi phải thu hút nhân dân tham gia đông đảo vào hoạt động xây dựng pháp luật. Quy trình lập pháp phải cụ thể hoá sự tham gia đông đảo của nhân dân trong các giai đoạn; đồng thời phải phát huy cao độ dân chủ bàn bạc, thảo luận, quyết định trong hoạt động của Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền qua các giai đoạn của quy trình lập pháp;

- Bảo đảm dân chủ trong quá trình thực thi pháp luật trước hết phải xuất phát từ việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Các cơ quan hành pháp, tư pháp phải là nơi thể hiện nền công lý, sự đối xử bình đẳng, công bằng trong tất cả các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân. Cần tạo ra sự bình đẳng giữa vị trí của luật sư và người bào chữa của bị cáo với kiểm sát viên là người thay mặt Nhà nước buộc tội bị cáo trước Toà án để bảo đảm việc tranh tụng được dân chủ, đúng pháp luật.

Soi chiếu những tiêu chí này vào thực tiễn của nước ta hiện nay, có thể thấy, việc xây dựng Luật trưng cầu ý dân là một trong những hình thức hữu

hiệu nhất để thực thi dân chủ trực tiếp và quyền dân chủ của công dân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX của Đảng đã khẳng định "Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu ý dân"8. Chỉ có như vậy, tất cả mọi dự luật và các văn bản pháp luật khác cũng như các chủ trương, chính sách của Nhà nước trước khi được xây dựng, thông qua, đi vào hiệu lực và triển khai trên thực tiễn được đưa ra lấy ý kiến, bàn bạc công khai và rộng rãi với người dân và mới có hiệu quả, thực sự phản ánh ý chí của nhân dân, thuộc về nhân dân.

Một phần của tài liệu Đặc điểm của pháp luật trong nhà nước pháp quyền và vài vấn đề đặt ra trong việc đổi mới quy trình lập pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam xã hội chủ nghĩa (Trang 29)