Bảo đảm nguyên tắc pháp chế là một yêu cầu đối với pháp luật trong Nhà nước pháp quyền. Điều này thể hiện trên những phương diện sau:
- Trong hoạt động xây dựng pháp luật, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ
nghĩa đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, đảm bảo sự thống nhất về nội dung lẫn hình thức thể hiện của văn bản pháp luật. Muốn thế, trong quá trình xây dựng pháp luật đòi hỏi các chủ thể sáng tạo pháp luật phải tuân thủ pháp luật. Lênin đã nhiều lần khẳng định sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động lập pháp không kém phần quan trọng so với sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động hành pháp và tư pháp14. Bởi sự không tuân thủ pháp luật trong xây dựng pháp luật sẽ tạo ra một hệ thống pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, chất lượng thấp. Để bảo đảm cho nguyên tắc pháp chế được thực hiện trong hoạt động xây dựng pháp luật đòi hỏi:
+ Hiến pháp phải là nhân tố hàng đầu đảm bảo sự thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật. Tất cả các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật không được mâu thuẫn và trái với Hiến pháp;
+ Luật về nội dung và hình thức phải thống nhất với nhau;
+ Hình thức thể hiện phải tạo thành một hệ thống thống nhất về tên gọi với thứ bậc cao thấp khác nhau do Hiến pháp và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định;
+ Phải tuân thủ nghiêm chỉnh các bước, các giai đoạn của quy trình lập pháp. Đề cao trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền, bảo đảm các quy định về thời gian, các tiêu chí về nội dung của quy trình lập pháp được tuân thủ trên thực tế.
- Bảo đảm pháp chế trong thực thi pháp luật đòi hỏi tổ chức và hoạt động của Nhà nước, của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và hành vi cá nhân đều phải phù hợp với pháp luật, tuân theo pháp luật, thực hiện pháp luật. Pháp chế hàm chứa trong đó yêu cầu bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả các quyền và tự do của công dân được pháp luật quy định. Do đó phải có biện pháp xử lý kịp thời và công minh những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của công dân, của tập thể, của Nhà nước.
Pháp chế và Nhà nước pháp quyền có mối quan hệ mật thiết song không hoàn toàn đồng nhất. Nhà nước pháp quyền là vấn đề rộng lớn hơn, bao hàm pháp chế; không có pháp chế không thể nói đến Nhà nước pháp quyền. Nhưng nếu chỉ thực hiện pháp chế mà yêu cầu cốt lõi là tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh, không có một ngoại lệ nào, thống nhất không thôi thì cũng chưa có đầy đủ một hiện thực về Nhà nước pháp quyền15.