Nguyên nhân của hạn chế, bất cập trên có rất nhiều. Từ nguyên nhân khách quan, có thể thấy do nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung kế hoạch hoá sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi đó, bản thân bất kỳ quá trình chuyển đổi nào cũng luôn có trong nó sự kết hợp giữa cái cũ và cái mới, chính vì vậy, những hạn chế của khung pháp luật là một tất yếu khách quan. Hơn nữa, quá trình toàn cầu hoá về kinh tế đang diễn ra nhanh chóng, do đó khung pháp luật trong nước chưa theo kịp với tiến độ hội nhập của thế giới. Đây là một nguyên nhân mà việc khắc phục nó cần phải có thời gian và phải tiến hành đồng bộ với quá trình đổi mới nền kinh tế.
Bên cạnh đó, có một nguyên nhân khác cũng hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện khung pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, đó là cơ chế làm luật tuy có thay đổi nhƣng vẫn còn
nhiều bất cập. Điều này thể hiện trên các phương diện như: các quy định về
lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ;
trong soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh vẫn còn có những biểu hiện cục bộ,
trong công tác thẩm tra còn nhiều vấn đề trong việc xác định phạm vi, nội dung thẩm tra, phân công chủ trì, tham gia thẩm tra; trình tự, phương thức tiến hành thẩm tra; việc thẩm tra sơ bộ; các điều kiện bảo đảm việc thẩm tra có kết quả chưa được làm rõ; việc lấy ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh còn một loạt vấn đề vẫn cần tiếp tục được xác định cụ thể như: nội dung nào cần lấy ý kiến, các hình thức lấy ý kiến; phạm vi, mức độ, đối tượng lấy ý kiến; việc tập hợp, tổng hợp và tiếp thu ý kiến đóng góp; vai trò của các Ban Đảng, của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia góp ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh; cơ chế và điều kiện bảo đảm để đại biểu Quốc hội phát huy trách nhiệm của mình trong quá trình xây
dựng văn bản chưa được làm rõ, đặc biệt là trong việc tham gia xây dựng và
hoàn thiện các dự án trước các kỳ họp nhằm phát huy trách nhiệm của các đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, bảo đảm cho các đại biểu Quốc hội có điều kiện, có thời gian nghiên cứu, thảo luận, tranh luận và biểu lộ chính kiến của mình đối với từng vấn đề của dự án; trong việc trình, thông
qua dự án tại kỳ họp Quốc hội cần được cải tiến để tập trung được trí tuệ của
các vị đại biểu Quốc hội vào các vấn đề chính, có tính nguyên tắc, tránh sa vào việc tranh luận quá chi tiết về khía cạnh kỹ thuật của văn bản.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới quy trình lập pháp nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.