Miêu tả và khái quát tính cách xã hội

Một phần của tài liệu kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong một số tiểu thuyết mạc ngôn (Trang 32)

7. Đóng góp luận văn

1.2.2.1. Miêu tả và khái quát tính cách xã hội

Nhân vật văn học là sản phẩm được nhà văn hư cấu từ những đối tượng có một đời sống riêng và nó có những dấu hiệu riêng để nhận ra. Một trong những dấu hiệu đó là tính cách.

Theo Aristote, tính cách là cái cho ta biết tính chất của nhân vật hành động, tính cách là cái biểu hiện chiều hướng ý chí. Đồng thời, tính cách quyết định tính chất của nhân vật. Vì thế, đó là lý do tại sao ta gọi các nhân vật hành động là những nhân vật nào đó. Và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương nhấn mạnh: “Tính cách là nói đến những đặc điểm tâm lý ổn định chi phối mọi hành vi và bộc lộ cốt cách, phẩm chất của nhân vật” [31, tr.184]. Từ ý kiến trên, chúng tôi có thể hiểu rằng mỗi nhân vật sẽ có một tính cách tương ứng, không lặp lại “nhất nhân hữu nhất nhân tính cách” và tính cách quyết định phẩm chất, hành động của nhân vật: “Có tính cách như thế nào thì có hành động như vậy, và ngược trở lại, hành động biểu thị tính cách của nhân vật” [75, tr.223].

Nhưng theo C. Mác: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những mối quan hệ”. Con người không thể tồn tại độc lập, riêng biệt với cộng đồng xã hội. Tính cách của con người cũng không tự nhiên mà có. Nó được hình thành trong các hoạt động, giao tiếp với tập thể cộng động. Và tính cách của nhân vật cũng là

“sự tổng hòa của địa vị giai cấp, ảnh hưởng xã hội và tư tưởng tình cảm của nhân vật” [75, tr.223]. Do đó, tính cách nhân vật là sự thống nhất giữa cái cá thể và cái khái

quát, giữa cái riêng và cái chung. Chúng kết hợp, xuyên thấm và chuyển hóa lẫn nhau một cách sâu sắc. Chẳng hạn, ở hồi 35 của Tam quốc diễn nghĩa, Mao Tôn Cương (đời Thanh) có lời bình khá chính xác về tính chung và tính riêng trong tính cách của ba nhân vật Triệu Vân, Trương Phi, Quan Vũ, cụ thể:

Triệu Vân đứng bên khe suối Đàn Khê ngoài thành Tương Dương, liên tục quay người tìm kiếm, nhưng chẳng thấy Huyền Đức đâu cả, tình thế có thể gọi là cấp bách lắm. Giá như Dực Đức ở vào cảnh ấy thì đã giết Sái Mạo. Giá mà Vân Trường ở vào cảnh ấy thì nếu không giết Sái Mạo, cũng đã cắp gọn Sái Mạo bên người và cứ thế rồi tìm về với anh, chứ đâu có nhẹ nhàng bỏ qua Sái Mạo, rồi tự mình tìm đến Tân Dã, rồi đợi ở Nam Cương (như Triệu Vân) đâu. Ba người trung dũng giống nhau, nhưng Tử Long lại là người cực kì tinh tế, điềm đạm, mỗi người có một tính cách, chẳng ai giống ai, viết như vậy là cực hay [75, tr.219]. Ngoài ra, tính cách nhân vật vừa khái quát phẩm chất xã hội lịch sử của cộng đồng, phản ánh bản chất xã hội vừa gắn liền với phẩm chất sinh lý của mỗi cá nhân, gắn với cá tính độc đáo của một con người. Trong một bức thư mà Ph. Ăngghen nhận xét về tác phẩm Những người cũ và những người mới của nữ văn sĩ Minna Cauxki, ông viết: “Tôi thấy những tính cách của hai môi trường ấy (Nam Á và Đông Âu) đã được phác họa với một cá nhân hóa nổi bật mà bà thường có: mỗi nhân vật là một điển hình, nhưng đồng thời lại là một cá nhân hoàn toàn cụ thể, là “con người này” như ông già Hêghen nói” [51, tr.380]. Những nhân vật khái quát được những tính cách có ý nghĩa phổ biến mang bản chất xã hội sẽ là những nhân vật điển hình.

Như vậy, nhân vật có chức năng khái quát tính cách, bản chất xã hội nhưng thông qua một cá tính độc đáo, “một con người này” (Hêghen). Tính cách của nhân vật vừa phản ánh bản chất xã hội vừa gắn liền tâm lý, cá tính của một cá nhân: “Tính cách bao gồm hàm cả hai mặt: tính chung và tính riêng. Tính chung ngụ ở trong cá tính, cá tính lại biểu hiện tính chung (cộng tính)” [75, tr.221].

Một phần của tài liệu kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong một số tiểu thuyết mạc ngôn (Trang 32)