7. Đóng góp luận văn
1.3.2. Quan niệm nghệ thuật
Nhà văn Mạc Ngôn từng nói rằng: “Tôi là một đứa trẻ lớn lên từ thảm cỏ, chẳng học hành được bao nhiêu, chẳng hiểu chút gì về lý luận văn học” [74, tr.108] nhưng thực tế có phải vậy chăng?
Trên thực tế, nhìn vào sự nghiệp sáng tác đồ sộ và các giải thưởng mà nhà văn đạt được, độc giả điều nhận ra rằng ở nhà văn Mạc Ngôn có một nghị lực phi thường, sức sáng tạo dồi dào và hơn hết, ông có nhiều quan niệm nghệ thuật tiến bộ.
Trước hết, Mạc Ngôn luôn đặt mình vào “vị trí của người dân”, nghĩa là ông tự nhận mình là “người thợ trong dân gian”. Ông luôn cho mình là “người thấp hèn”, “xuất thân từ tầng lớp nông dân”. Nhà văn luôn tự răn mình và khuyên người: “Nhà văn đừng bao giờ nâng mình lên vị trí không thích hợp, nhất là trong khi viết, tốt nhất đừng có làm người bình giá về đạo đức, bạn đừng bao giờ cho rằng mình cao hơn người khác, bạn hãy nên đi theo bước chân của nhân vật của mình” [74, tr.36]. Và
“khi gặp chuyện bất bình thì nhất định không nên giơ tay chịu báng” [74, tr.308]. Từ chỗ đứng đó đã giúp Mạc Ngôn viết một cách chân thật và sâu sắc về cuộc sống cùng khổ của con người, sáng tạo những tác phẩm có giá trị: “Chính tâm thái đặt mình ở vị trí thấp hèn, thậm chí không bằng một người dân bình thường, mới chính là tâm thái của người dân bình thường chân chính. Sáng tác trong tâm thái ấy mới có khả năng tạo ra những tác phẩm vĩ đại” [74, tr.32]. Quan niệm sáng tác của Mạc Ngôn đối lập hoàn toàn với quan niệm của một bộ phận không nhỏ các nhà văn Trung Quốc đương đại. Họ hô hào khẩu hiệu “viết cho dân”. Họ ảo tượng nhận mình là “kỹ sư tâm hồn của nhân loại”, “người phát ngôn của thời đại”, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Nhiệm vụ của của họ là giáo huấn mọi người. Đó là những quan điểm sai lầm, thậm chí là cực đoan. Thông qua quan điểm trên, nhà văn Mạc Ngôn muốn nhắn nhủ đến độc giả rằng:
“Tôi là một người xuất thân từ tầng lớp thấp hèn, cho nên tác phẩm của tôi chứa đầy quan điểm của thế tục. Cho nên ai đó định tìm những điều tao nhã trong tác phẩm của tôi chắc chắn sẽ phải thất vọng. Đó là chuyện không thể khác được, người thế nào thì nói thế ấy, giống như dưa nào thì quả ấy, chim nào thì hót tiếng ấy. Tôi lớn lên từ đói rét cơ hàn, tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh đau khổ và bất công trên đời, trong lòng tôi tràn đầy cảm thông đối với nhân loại và phẫn nộ đối với sự bất công, do đó tôi chỉ có thể viết ra những tác phẩm như vậy” [74, tr.105].
Thứ hai, để tạo nên những tác phẩm đúng nghĩa văn học, Mạc Ngôn nhấn mạnh:
“các nhà văn phải tự “cởi trói” cho mình thoát khỏi mọi ràng buộc, những quy định đơn thuần. Văn học cần phải thoát khỏi bóng đen ám ảnh, rằng văn học phục vụ cho chính trị, tôi mới viết được những tác phẩm văn học tương đối đúng với nghĩa của nó”
[74, tr.56]. Theo dịch giả Trần Đình Hiến “Mạc Ngôn viết dữ, dữ lắm nhưng rất nhân văn. Nhiều người Việt ta nghĩ rằng, nhà văn Trung Quốc được viết thật vì nước họ không có vùng cấm nhưng không phải. Mạc Ngôn vượt ra ngoài những vùng cấm bằng giọng văn “tưng tửng”. Anh ta viết cứ “tưng tửng” mà đọc rất đau, đều là nỗi đau đời cả vì có những chuyện rất giống nước mình. Tôi dịch được văn của anh ta không phải vận dụng cái này hay cái khác để đồng cảm đâu. Lúc nào tôi cũng thấy như chuyện nhà mình vậy”.
Thứ ba, Theo Mạc Ngôn văn học là nơi để nhà văn bộc lộ mình một cách trung thực nhất và phản ánh chính xác nhất thời đại. Nhà văn tâm sự khi viết tiểu thuyết Tửu quốc: “Tôi viết Tửu quốc vì buồn về sự sa đọa của con người, buồn cho một xã hội bị tha hóa, nơi mà người lớn chỉ biết nhậu nhẹt để rồi ăn hết phần của trẻ con và... ăn luôn cả thịt trẻ con!”. Từ đó, ông cố gắng sáng tác, cố gắng phản ánh trung thực những nỗi cùng cực của người dân làng ông và dường như đó cũng là nỗi đau của cả nhân loại: “Tôi đã cố gắng làm cho nó (thôn Cao Mật Đông Bắc) trở thành hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc, tôi đã cố gắng khiến cho nỗi đau và niềm vui sướng ở đây trở thành nỗi đau khổ và niềm vui sướng của toàn nhân loại, tôi đã cố gắng làm cho những câu chuyện ở thôn Cao Mật Đông Bắc đánh động vào lòng độc giả của các nước, đây chính là mục đích phấn đấu của tôi” [74, tr.94]. Vì thế, một tác phẩm có giá trị nó phải “vượt lên trên bờ cõi và giới hạn. Nó là tác phẩm chung cho cả loài người và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên toàn cầu”. Thực tế sáng tác của nhà văn đã minh chứng cho những điều nói trên. Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Lưu Thái Cục: “Tác phẩm của Mạc Ngôn thấm đẫm mùi máu và cuộc sống trần trụi ở đại lục. Ông không phải là nhà văn - công nhân, càng không phải tài tử nho nhã hay học giả uyên bác. Thế nhưng hơn ai hết, Mạc Ngôn ý thức được lịch sử Trung Hoa với tầng lớp giáo điều ức chế. Vì vậy, chỉ có sự thức tỉnh của tính dục, sự bùng nổ của bản năng gốc và sự bùng cháy trở lại của tửu thần vốn chứa đầy sức mạnh tự nhiên phương Đông mới giải thoát khỏi những giáo điều ấy”.
Thứ tư, theo Mạc Ngôn khi sáng tác nhà văn không được lấy tư tưởng của mình để áp đặt cho nhân vật mà nhân vật phải tuân theo logic của cốt truyện: “mặc dù trong các tiểu thuyết tôi viết ra vẫn mang cách nghĩ của tôi, song chỉ dừng lại ở cách nghĩ
thôi chứ không thể phát triển thành tư tưởng”. Nghĩa là nhà văn không được áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình “bắt nhân vật làm theo ý anh ta muốn” mà hãy để “nhân vật làm theo hành động của họ”. Nhà văn tâm sự khi viết về quyển tiểu thuyết Báu vật của đời: “Tôi đã khóc khi nhìn thấy người phụ nữ và hai đứa trẻ ở ga tàu điện là vì nó gợi lại quá khứ của tôi, nó đánh thức ý muốn sáng tác của tôi, tôi muốn viết một cuốn sách tạ ơn mẹ. Nhưng trong quá trình viết, nhân vật trong truyện có số phận riêng của mình, họ đã đột phá cấu tứ của tôi, tôi chỉ việc theo họ mà thôi” [74, tr.130]. Điều này, Mạc Ngôn cũng giống như L. Tônxtôi khi viết về tiểu thuyết Anna Karenina. Nhà văn Tônxtôi bộc bạch tâm sự: “Nói chung các nhân vật nam nữ của tôi đôi khi làm những việc cần phải làm trong đời sống thực… chứ không làm điều mà tôi muốn”. Đồng thời, khi sáng tác, nhà văn đừng quan trọng hóa vấn đề vật chất, nhuận bút, chạy theo thị hiếu thẫm mỹ, nhu cầu của độc giả mà hãy “vô tư” viết, bộc lộ hết cái tâm, cái chí của mình vào trong tác phẩm, đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng: “Tôi đã biết được rằng sự sáng tạo thực sự không phải là chen nhau chạy theo mốt mà là viết một cách chân thực về những gì mình quen thuộc” [74, tr.113]. Mạc Ngôn từng nói: “Với tôi, đó không phải là những gì quan trọng. Trung thực mới là thứ quý giá của nhà văn, vì nó là vấn đề đạo đức và cái gốc làm người. Về các giải thưởng, tôi cũng từng nhận giải, thậm chí của cả nước ngoài. Song với tôi, việc được giải chẳng nói lên điều gì, bởi văn học khác xa các lĩnh vực khác, một tác phẩm được giải không có nghĩa đó là tác phẩm thành công của nhà văn”.
Thứ năm, người nghệ sĩ phải lao động nghiêm túc, phải biết “gạn đục khơi trong”, tìm tòi sáng tạo để mang lại cho độc giả những tác phẩm mới, có giá trị nghệ thuật đích thuật: “Một nhà văn tạo được những nhân vật không thể tìm được trong cuộc sống hiện thực, thì đó chính là giá trị tồn tại của nhà văn và cũng là giá trị tồn tại của văn học” [74, tr.143]. Nhà văn phải là mình, “tạo ra cái của mình”, không nên bắt chước các sáng tác của các nhà văn khác một cách máy mốc, rập khuôn: “Nếu muốn trở thành nhà văn giỏi, tôi phải dựa vào tác phẩm của họ để giải phóng tư tưởng của mình, và tạo ra cái của mình. Không chỉ dừng lại ở “tiểu thuyết cũng có thể viết như vậy” mà phải tiến tới “tôi cũng có thể viết như vậy” [74, tr.65].
Bên cạnh đó, Mạc Ngôn cũng có nhiều quan điểm sâu sắc có giá trị về mặt lý luận, làm cơ sở cho các nhà văn Trung Quốc đương thời sáng tác. Theo Mạc Ngôn tiểu thuyết bắt nguồn từ cuộc sống, song phải vượt ra khỏi cuộc sống hiện thực, phải mang chút lãng mạn và tưởng tượng. Như vậy, nó sẽ đem đến cho độc giả những gì vừa như rất quen, song lại cũng rất lạ. Mỗi khi viết, Mạc Ngôn đều gây dựng tưởng tượng trên nền móng hiện thực. Nhà văn còn cho rằng: “Tiểu thuyết hay trong lòng tôi, thứ nhất là phải có ngôn ngữ hay, thứ hai phải có cốt truyện hay, thứ ba phải chứa đựng nhiều điều thú vị và những trăn trở, để đọc giả mong đợi, thứ tư phải để đọc giả thấy được thái độ của nhà văn từ trong đó, cũng như thấy được những thay đổi trong tư tưởng của nhà văn, cũng có nghĩa là phải để cho độc giả cảm thấy mình cùng ở vị trí bình đẳng như nhà văn” [74, tr.281]. Nhận xét về kết cấu tác phẩm, Mạc Ngôn nhấn mạnh:
“một cuốn truyện hay thì chương mở đầu phải đẹp đẽ như đầu chim phượng hoàng, phần kết thúc phải mạnh mẽ, có sức thuyết phục như đuôi con báo, phần giữa phải phình to và nhiều mỡ như bụng của con lợn” [74, tr.231]. Về tình tiết, nhà văn cho rằng: “một tình tiết hay đích thực là phải có ý nghĩa tượng trưng, nhưng trong khi viết các nhà văn thường không ý thức được ý nghĩa tượng trưng của sự tượng trưng đó, mà cho dù ý thức được thì cũng không rõ rệt, nếu không truyện sẽ mất đi tính mềm dẻo và phong phú” [74; tr.232]. Về nhân vật, nhà văn khẳng định: “một nhà văn tạo được những nhân vật không thể tìm được trong cuộc sống hiện thực, thì đó chính là giá trị trường tồn của nhà văn và cũng là giá trị trường tồn của văn học” [74, tr.143]. Đồng thời, ngôn ngữ trong sáng tác của các nhà văn phải mang dấu ấn cá nhân và đậm đà tính dân tộc thì tác phẩm đó mới sống mãi trong lòng đọc giả:
“Tôi nghĩ một nhà văn có sự tìm kiếm thì sự tìm kiếm lớn nhất là về ngôn ngữ, họ luôn muốn tạo ra một thứ tiếng nói khác với người khác. Sự tìm kiếm này thực ra không hề chạm tới vấn đề ngôn ngữ dân tộc, tất nhiên cũng không liên quan đến vấn đề dân tộc hóa, nói thẳng ra thì đó là việc của cá nhân nhà văn, nhưng đặt dưới bối cảnh lớn thì việc sáng tác của họ cho dù tốt hay xấu cuối cũng cũng là một phần hợp thành văn học dân tộc, như vậy sự cố gắng của cá nhân nhà văn đã có được ý nghĩa tập thể” [74, tr.228-229].
Những kiến thức về lý luận của Mạc Ngôn tuy sơ lược nhưng cũng có giá trị nhất định, làm nền tảng tư tưởng cho các nhà văn Trung Quốc đương thời.
Nói tóm lại, Mạc Ngôn không quá “chân thực” như Thiết Ngưng, Hải Nham, không quá “cao siêu” như Cao Hành Kiện và cũng không “dễ dãi” như nhiều nhà văn trẻ. Mạc Ngôn tiếp thu thành tựu văn học hiện đại của thế giới, đặc biệt là văn học phương Tây và văn học cổ điển Trung Quốc, dung nhập tất cả trong ngòi bút của mình để tạo nên phong cách “rất Mạc Ngôn”. Nói như nhận định của Ủy ban Nobel, tác phẩm Mạc Ngôn là sự “kết hợp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với các câu chuyện dân gian, lịch sử và văn học đương đại” [96]. Tiếp thu và cách tân, sáng tạo, đó là điều đặc sắc, điểm nổi bật của Mạc Ngôn để tạo ra “cái riêng tây”, “trộn cũng không lẫn” so với các nhà văn Trung Quốc đương thời. Mạc Ngôn khẳng định rằng: “nhà văn cần phải có giọng điệu riêng của mình, và phải nói lên những tiếng nói đặc trưng của mình”
[74, tr.343] và “Tôi viết ra những thứ thuộc về tôi, nó khác với mọi người và khác với các nhà văn phương Tây và khác với các nhà văn Trung Quốc khác” [74, tr.108]. Thông qua các sáng tác của Mạc Ngôn, người đọc dễ dàng nhận ra “cái riêng” của nhà văn so với các nhà văn cùng thời và ngay cả trước và sau ông.
Nhìn chung, kết cấu và nhân vật là một trong những yếu tố cấu thành nên tác phẩm văn học. Không thể có tác phẩm văn học nếu không có hình tượng nhân vật và kết cấu. Chúng ta có thể ví chúng như “bộ xương”, “máu thịt” của tác phẩm. Trong thực tế sáng tác, kết cấu rất đa dạng và nhân vật vô cùng phức tạp, việc phân loại ở trên chỉ mang tính chất tương đối để làm cơ sở lý luận cho người viết đi vào tìm hiểu kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật ở những chương tiếp theo. Chúng tôi sẽ cụ thể hóa lý thuyết bằng những dẫn chứng để cho lý luận “xám xịt” thành “cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Chƣơng 2. KẾT CẤU TRONG MỘT SỐ TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN
Kết cấu là một trong những phương diện đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn, nét riêng biệt của tiểu thuyết Mạc Ngôn. Nhà nghiên cứu Lê Huy Tiêu cho rằng: “Tiểu thuyết của ông là một loại kết cấu phức hợp, tuần hoàn, phi tuyến tính, phi logic, rất hỗn độn, vô thủy vô chung” [87, tr.205]. Chính kết cấu đó tạo nên phong cách rất riêng cho “tự sự kiểu Mạc Ngôn”.