Biện pháp khắc họa tính cách nhân vật

Một phần của tài liệu kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong một số tiểu thuyết mạc ngôn (Trang 39)

7. Đóng góp luận văn

1.2.4.2.Biện pháp khắc họa tính cách nhân vật

Tính cách là “sự khái quát về bản chất xã hội, lịch sử, tâm lý của con người dưới hình thức những con người cá thể… thường biểu hiện ở phương thức hành vi ổn định, lặp đi lặp lại trong các tình huống khác nhau của nhân vật” [29, tr.345]. Và tích cách của nhân vật “là nói đến những đặc điểm tâm lý ổn định chi phối mọi hành vi, thái độ và bộc lộ cốt cách, phẩm chất của nhân vật” [31, tr.184]. Aristote cho rằng: “tính cách là cái cho ta biết tính chất của nhân vật hành động” [5, tr.34], “tính cách quyết định tính chất của mỗi con người” [5; tr.35] và “tính cách là cái biểu hiện chiều hướng của ý chí” [5, tr.37]. Còn G.N. Pôxpêlôp cho rằng: “tính cách dùng để chỉ khách thể của nhận thức nghệ thuật: tức là sự thể hiện trong con người cá nhân những thuộc tính

chung, bản chất, do xã hội quy định” [67, tr.209]. Trong văn học, việc khắc họa tính cách nhân vật là vô cùng quan trọng bởi nó quyết định đến tư tưởng và chủ đề của tác phẩm: “Đối với việc khắc họa nhân vật tính cách, việc miêu tả tâm lý, cá tính đóng vai trò cực kỳ quan trọng” [70, tr.147].

Việc khắc họa tính cách của nhân vật có thể được thực hiện theo hai cách: trực tiếp và gián tiếp. Cách thứ nhất người đọc biết được do người trần thuật miêu tả hay do nhân vật khác thuật lại, cũng có thể do bản thân nhân vật đó tự bạch. Cách thứ hai do người đọc tự rút ra kết luận từ hành động, việc làm, suy nghĩ, nhận thức của nhân vật.

Tính cách của nhân vật là một chỉnh thể thống nhất giữa biểu hiện bên ngoài và bản chất bên trong. Do đó, tính cách của nhân vật được thể hiện bằng nhiều cách. Đầu tiên là bằng tên gọi bởi tên gọi nó báo trước đặc điểm tâm lý và phẩm chất đạo đức của nhân vật. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn rất dụng công trong việc đặt tên hoặc dùng biệt danh cho các nhân vật của mình. Đó là Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Chí Phèo và Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành … Ngoài ra tính cách nhân vật còn được bộc lộ qua khuôn mặt “trông mặt mà bắt hình dong”, thông qua dáng diệu, qua hành động và cử chỉ,…

Tính cách nhân vật đặc biệt bộc lộ qua ngôn ngữ của nhân vật. Trong cuộc sống không có chuyện hai người ăn nói giống nhau như khuôn đúc bởi không có hai tính cách hoàn toàn giống nhau. Kiểu người nào sẽ có lời ăn tiếng nói của người đó “nhất dạng nhân, tiện hoàn tha nhất dạng thuyết thoại”. Lỗ Tấn khi nhận xét về phương diện ngôn ngữ của Thủy hử có viết: “Nó có thể làm cho người đọc từ lời ăn tiếng nói mà thấy được người” [75, tr.235]. Ngôn ngữ đã được tính cách hóa, nghĩa là mỗi một nhân vật mang một nét mặt, một nụ cười riêng biệt. Kết hợp hai điều đó, nhà văn đã xây dựng được những hình tượng nhân vật “rờ rỡ như đang sống”. Kim Thánh Thán hết lời khen ngợi Thủy hử bởi trong 108 nhân vật, mỗi người đều có “nhân hữu kỳ tính tình, nhân hữu kỳ khí chất, nhân hữu kỳ hình trạng, nhân hữu kỳ thanh khẩu”, cụ thể: “Những bộ sách khác, xem qua một lần thì thôi. Riêng có Thủy hử truyện thì xem mãi không chán, chính là do tác giả miêu tả đầy đủ tính cách của 108 người. Thủy hử truyện miêu tả 108 tính cách thật là 108 dạng người khác nhau. Còn những bộ sách

khác, dù cho tác giả miêu tả 1000 người thì cũng vẫn chỉ có một kiểu. Và dù miêu tả có hai người, cũng vẫn chỉ có một kiểu” [75, tr.224].

Trong tác phẩm văn học, một nhân vật gây được sức hấp dẫn cho người đọc không phải như một nhân tố độc lập mà trong mối tương quan với các nhân vật khác. Do đó, tính cách nhân vật còn được hình thành thông qua các cọ xát, va chạm với các tính cách khác: “Tòng thượng hạ tả hữu tả” (viết nhân vật trong các mối quan hệ với những người trên dưới, xung quanh). Phương pháp này rất có hiệu quả trong việc khắc họa tính cách nhân vật. Các nhân vật so sánh đối chiếu với nhau, làm nổi bật lẫn nhau. Từ đó, tính cách của mỗi nhân vật thể hiện rõ ràng và sắc nét hơn và nhà văn có thể xây dựng được những điển hình có chiều sâu nghệ thuật. Chẳng hạn, sự thành công của nhân vật Vương Hy Phượng (Phượng Thư) trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng là do Tào Tuyết Cần đã đặt nhân vật này vào tiêu điểm của những mâu thuẫn, từ các mối quan hệ với những người trên dưới, xung quanh để miêu tả tính cách của nhân vật. Từ đó khiến nhân vật Vương Hy Phượng trở thành một điển hình của một nhân vật “rất sống rất thực, có tính cách, được bộc lộ ra ở nhiều mặt và vẫn thống nhất ở một mặt chủ đạo” [75, tr.273]. Nhà nghiên cứu Chi Nghiễn Trai đã nói: “Viết về đám ma của Tần thị linh đình, viết về Giả Trân xa hoa, chính là để viết về một Phượng Thư như vậy” [75, tr.275].

Ngoài ra tính cách nhân vật còn được khắc họa bằng cách biểu hiện độc thoại nội tâm và dòng ý thức của nhân vật. Những “phút nói thật”, nhân vật sống thật lòng mình nhất là khi nhân vật đối diện với chính mình, độc thoại với lương tâm mình. Chẳng hạn như Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa”, Thứ trong Sống mòn của Nam Cao, Raxcônnicốp trong Tội ác và trừng phạt của Đôxtôiépxki,…

Tóm lại, tính cách của nhân vật được bộc lộ thông qua dáng diệu, qua hành động và cử chỉ, đặc biệt qua ngôn ngữ và hành động. Đồng thời, tính cách của nhân vật sống động và hấp dẫn người đọc hơn khi nhân vật được đặt trong sự đối sánh với các nhân vật khác trong cùng một tác phẩm.

Một phần của tài liệu kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong một số tiểu thuyết mạc ngôn (Trang 39)