7. Đóng góp luận văn
2.2. Kết cấu lắp ghép
Kết cấu lắp ghép hay còn gọi kết cấu lắp dựng (montage) là một kiểu kết cấu khá thông dụng trong sân khấu, điện ảnh thế kỷ XX. Kết cấu này được nhiều nhà văn vận dụng vào trong văn học. G.N. Pôpxpêlốp cho rằng: “Kết cấu lắp ghép cho phép các nhà văn thể hiện các mối liên hệ chiều sâu không trực tiếp quan sát được giữa các
hiện tượng sự kiện, sự kiện đời sống” [67, tr.258]. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng nhận xét: “Kết cấu lắp ghép cho phép nhà văn thể hiện những liên tưởng cốt lõi giữa các hiện tượng, chiếm lĩnh thế giới trong tính đa chiều, đa tạp, lưu chuyển và thống nhất” [7, tr.170]. Đặc biệt, nhờ kết cấu lắp ghép mà tiền sử của nhân vật được mở. Đồng thời “để bộc lộ đầy đủ hơn các mối liên hệ kế thừa của các thời đại và thế hệ, để khám phá các con đường khó khăn và phức tạp trong việc hình thành các tính cách con người, các nhà văn thường vận dụng một kiểu lắp ghép quá khứ (có khi là hết sức xa xôi) và hiện tại của nhân vật, hành động luôn luôn chuyển từ một thời gian này sang thời gian khác” [67, tr.257]. Nếu trong sân khấu, điện ảnh, kết cấu lắp dựng được dựng lên từ kỹ thuật cắt, dán, lắp ghép của nhà làm phim thì trong văn học, kết cấu lắp ghép được tạo nên từ dòng hồi ức của người kể chuyện. Ngược dòng hồi ức của nhân vật, nhà văn có thể xáo trộn các biến cố, sự kiện và lắp ghép chúng không theo trình tự thời gian. Các sự kiện, biến cố xa được đặt cạnh biến cố, sự kiện gần, hai câu chuyện của hai nhân vật khác nhau lại được đặt gần nhau cùng đồng hiện.
Trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, từ điểm nhìn hồi ức của người kể chuyện tạo nên những gấp khúc sự kiện, những đứt gãy về thời gian, những mảnh vỡ trong không gian dẫn đến việc hình thành kết cấu lắp ghép. Kết cấu này trong tiểu thuyết Mạc Ngôn thể hiện ở hai hình thức: lắp ghép đảo lộn và lắp ghép đồng hiện.