Khái niệm nhân vật

Một phần của tài liệu kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong một số tiểu thuyết mạc ngôn (Trang 29)

7. Đóng góp luận văn

1.2.1.Khái niệm nhân vật

Con người là đối tượng chủ yếu để nhà văn khám phá và tái hiện vào trong tác phẩm xây dựng thành nhân vật văn học. Ở mỗi thể loại nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, văn học đều miêu tả con người. Bởi “con người là một tuyệt tác biết chừng nào ! Cao quý bao nhiêu với lý trí sáng suốt ! Những khả năng của nó vô tận biết bao nhiêu ! Lớn lao và tuyệt vời biết bao nhiêu trong hình dáng và cử chỉ ! Trong hành động thì giống như thiên thần, về hiểu biết thì như một bậc thánh ! Con người là sắc đẹp của thế giới, tinh hoa của muôn loài” [24, tr.358]. Vậy, giữa con người trong cuộc sống-

đối tượng mà nhà văn phản ánh, miêu tả có vai trò và mối quan hệ như thế nào đối với nhân vật trong tác phẩm văn học?

Trước hết, chúng tôi đi vào làm sáng tỏ nội hàm khái niệm nhân vật. Thuật ngữ nhân vật (persona) lấy từ tiếng Pháp và có nguồn gốc La-tinh: cái mặt nạ mà diễn viên đeo vào mặt và về sau để chỉ nhân vật được miêu tả một cách nghệ thuật trong tác phẩm văn học.

Về khái niệm nhân vật, các nhà lý luận có nhiều cách hiểu khác nhau, cụ thể: Theo G.N. Pôxpêlôp, nhân vật là “những con người cá nhân được thể hiện trong tác phẩm” [67, tr.209]. Đồng quan điểm trên, trong Giáo trình lý luận văn học (tập II)- Tác phẩm và thể loại văn học, Trần Đình Sử nhấn mạnh: “Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học- cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ” [70, tr.73]. Phương Lựu cũng cho rằng: “Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong tác phẩm văn học bằng phương tiện văn học” [49, tr.277] và

“nhân vật văn học là hiện tượng nghệ thuật ước lệ có những dấu hiện để ta nhận ra… tiểu sử, nghề nghiệp hoặc đặc điểm riêng” [49, tr.278].

Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy nhiều khái niệm về nhân vật trong các quyển từ điển văn học. Phạm Thị Hảo cho rằng: “Nhân vật chỉ hình tượng nhân vật được miêu tả trong tác phẩm văn nghệ. Nhân vật là chủ thể, là hạt nhân để tạo nên hình tượng nghệ thuật. Các tác phẩm văn nghệ mang tính tự sự thường thông qua những hoạt động trong hoàn cảnh cụ thể của nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật để khắc họa tính cách của họ. Nhân vật được xây dựng thành công hay không, điều này luôn quyết định giá trị hay dở của tác phẩm” [32, tr.48].

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống với con người. Trong bài thơ Nguyệt Hạ Độc Chước kỳ nhất, Lý Bạch có viết:

Cử bôi yêu minh nguyệt, Đối ảnh thành tam nhân.

(Nâng ly khẩn khoản mời trăng Trăng, ta và bóng rõ ràng thành ba)

( Bản dịch của Hải Đà- Vương Ngọc Long)

Ngoài ta (cái tôi trữ tình của nhà thơ), trăngbóng (bóng đen mờ ảo của nhà thơ) cũng được xem là nhân vật trữ tình “Trăng, ta và bóng rõ ràng thành ba”

Trong quyển Từ điển thuật ngữ văn học, các nhà lý luận cũng cho rằng: “nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống” [29, tr.235].

Như vậy, giữa con người trong cuộc sống và nhân vật trong tác phẩm có mối quan hệ mật thiết với nhau. Con người như một chất liệu để nhà văn nhào nặn, xây dựng nên nhân vật trong tác phẩm. Theo B. Brêch, các nhân vật của tác phẩm văn học là hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả.

Tiếp thu những quan điểm trên, chúng tôi có thể hiểu nhân vật là các đối tượng có đời sống riêng (con người; đồ vật, cỏ cây, muông thú được nhân cách hóa về tính cách và năng lực) được nhà văn sáng tạo có tính hư cấu trong văn học. Đồng thời nhân vật văn học là phương tiện khái quát hiện thực nhằm giúp nhà văn khám phá, lý giải cuộc sống và thể hiện quan niệm nghệ thuật của mình về con người.

Tuy nhiên, nhân vật đôi khi được dùng để chỉ các khái niệm khác như vai, tính cách. Theo G.N. Pôxpêlôp, các tác phẩm tự sự và kịch khi miêu tả con người cá nhân với hành vi, bề ngoài và cách hiểu thế giới của chúng. Các cá nhân này thường được gọi là tính cách hoặc là vai hành động, hoặc là nhân vật tác phẩm. Và bản thân thuật ngữ “nhân vật” (tiếng Pháp persona) mượn từ kịch dùng để chỉ “cái mặt nạ mà diễn viên đeo vào mặt”. Vì vậy, việc một số người sử dụng lẫn lộn hoặc đồng nhất khái niệm nhân vật với vaitính cách là có cơ sở. Nhưng cũng theo nhà nghiên cứu G.N. Pôxpêlôp, thuật ngữ tính cách “dùng để chỉ khách thể của nhận thức nghệ thuật: tức là sự thể hiện trong con người cá nhân những thuộc tính chung, bản chất do xã hội quy định của một loạt người” [67, tr.209]. Còn thuật ngữ vai hành động, vai thì “dùng để chỉ các cá nhân được nhà văn hư cấu ra cũng không chính xác. Chúng tỏ ra không thích hợp khi vận dụng vào các nhân vật bộc lộ bản thân chủ yếu không phải trong hành động, việc làm, mà là qua cảm xúc đối với xung quanh và qua cách suy nghĩ về

những điều trông thấy” [67, tr.210]. Về thuật ngữ nhân vật văn học, ông cho rằng:

“nói đến con người cá nhân được thể hiện trong tác phẩm” [67, tr.209].

Từ những điều vừa trình bày ở trên, khái niệm nhân vật có nội hàm đa dạng, phong phú nhưng chốt lại theo ý kiến của G.N. Pôxpêlôp: nhân vật văn học để “nói đến con người cá nhân được thể hiện trong tác phẩm” .

Một phần của tài liệu kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong một số tiểu thuyết mạc ngôn (Trang 29)