Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong một số tiểu thuyết mạc ngôn (Trang 111)

7. Đóng góp luận văn

3.2.Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Trong tiểu thuyết của mình, Mạc Ngôn sử dụng đa dạng các biện pháp nghệ thuật để sáng tạo ra một thế giới nhân vật vô cùng phong phú và độc đáo. Thông qua những số phận thăng trầm của nhân vật, nhà văn đã thể hiện tấm lòng trăn trở và day dứt của mình về thời cuộc, về thế thái nhân tình của xã hội Trung Quốc diễn ra nhiều biến động qua nhiều giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, Mạc Ngôn dám nhìn thẳng nói thật, thẳng thừng phanh phui những cái “xấu xí” trong tính cách của dân tộc và những sai lầm của lịch sử Trung Hoa. Giống như nhà văn Lỗ Tấn, ông là một “hiệp sĩ múa kích một mình trên sa mạc”, một chàng Đôn Kihôtê thời hiện đại. Trong tác phẩm Ếch, Mạc Ngôn bày tỏ nỗi lòng mình rằng: “Khi viết số phận cá nhân thì phải động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn người ấy; viết về nhân sinh thì phải lục lọi những điều không dám ngoái đầu nhìn lại trong ký ức của mình. Lúc này, tôi vẫn tiếp tục viết về những nỗi đau lớn nhất của nhân sinh, những gì bạo tàn nhất của loài người” [62, tr.294]. Nhà văn xây dựng nhân vật ngoài việc thông qua các tầng bậc người kể chuyện, thông qua ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của nhân vật, thông qua các thủ pháp nghệ thuật nhưng ở đây chúng tôi chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu các thủ pháp nghệ thuật để xây dựng nhân vật như: tương phản - đối lập, kì ảo - lạ hóa, hồi tưởng - giấc mơ, dính kết - gộp lại.

3.2.1. Nghệ thuật tƣơng phản - đối lập

Nghệ thuật tương phản - đối lập là một biện pháp quen thuộc trong việc phản ánh mâu thuẫn, xung đột giữa các nhân vật hay hai tuyến nhân vật đối lập với nhau về

quan điểm, tư tưởng, lý tưởng, tính cách, địa vị, nghề nghiệp,… Thông qua xung đột giữa hai tuyến nhân vật, Mạc Ngôn đã khái quát nên những mâu thuẫn của xã hội đương thời Trung Quốc. Đó là một xã hội rối ren, bất ổn: “(Triều) Thanh mà không thanh (trong sạch), Viên (Thế Khải) mà không phải là Viên Thế Khải, là Tào A Man. Ôi triều Thanh, Người nuôi ông tay áo; Viên Thế Khải mưu mô thâm hiểm! Ngươi tàn sát con của dân ta, bảo vệ con đường cho tây. Ngươi nắm quân đội nhưng không hành động; Ngươi nắm quyền chủ động nhưng tiến thoái không lo. Số phận nhà Đại Thanh trong tay ngươi. Thái hậu, Hoàng thượng ơi, Người đã tỉnh ngộ chưa?” [56, tr.615]. Trong xã hội rối ren và nhiều biến loạn, tất nhiên sẽ có các tầng lớp đối kháng và chúng đối lập với nhau về quan điểm, lẽ sống, cách sống. Để thể hiện lập trường, tư tưởng của mình, nhà văn xây dựng tuyến nhân vật đối lập và gửi gắm quan điểm, tư tưởng thông quan tuyến nhân vật chính nghĩa- đại diện cho tư tưởng, tình cảm của nhân dân. Trong tiểu thuyết Mạc Ngôn nhà văn đã xây dựng nhân vật thông qua biện pháp tương phản- đối lập như: Tôn Bính, Tôn Mi Nương, Tiền Đinh, Tiền Hùng Phi, Öt sơn, Tám Chu đối lập với Triệu Giáp, Viên Thế Khải, Tổng đốc Cáclốt (Đàn hương hình); Cao Mã, Cao Dương, Kim Cúc, Thím tư Phương đối kháng với Bí thư xã Vương An Tu, Huyện trưởng Trọng Vì Dân (Cây tỏi nổi giận); Vạn Tâm, Tiểu sư tử, Vạn Tiểu Bảo mâu thuẫn với Vương Kim Sơn, Trương Quyền, Hoàng Thu Nhã, Vương Cước (Ếch); trinh sát viên Đinh Câu, nữ xế đối lập với phó bộ trưởng Tuyên truyền Khoan Kim Cương (Tửu quốc),…

Trong Đàn hương hình, sự đối lập, mâu thuẫn thể hiện qua hai loại âm thanh: âm thanh tiếng tàu hỏa- hiện đại, phương Tây với âm thanh của hý kịch Miêu Xoang- truyền thống, phương Đông. Tương ứng với hai loại âm thanh đó là hai tuyến nhân vật đối lập. Âm thanh tàu hỏa gắn liền với tuyến nhân vật với tư cách là công cụ triều đình phong kiến, phục tùng quân xâm lược Đức, gạt bỏ quyền lợi nhân dân sang một bên: Triệu Giáp, Viên Thế Khải, Tổng đốc Cáclốt. Âm thanh Miêu Xoang đại diện cho nhân dân, nhân vật có sự thức tỉnh trong tư tưởng và nhân cách: Tôn Bính, Tôn Mi Nương, Tiền Đinh, Tiền Hùng Phi, Öt sơn, Tám Chu. Nhân vật với tư cách là công cụ đắc lực để bảo vệ triều đình phong kiến không thể không kể đến tên đao Triệu Giáp. Hắn là “tên đao phủ hạng nhất của Bộ hình ở kinh thành, là lưỡi dao bén của triều

Đại Thanh, là một cao thủ chặt đầu người, một chuyên gia tinh thông các hình phạt tàn khốc của mọi triều đại” [56, tr.8]. Tên đao phủ này luôn tự hào về nghề và tự tin về tài năng “giết người” của mình: “Đao phủ cũng là một nghề. Nghề này, người đứng đắn không làm, kẻ lười nhác làm không nổi! Nghề này đại biểu cho tinh khí thần của triều đình. Nghề này mà phát triển thì triều đình hưng thịnh; Nghề này tiêu điều thì khí số của triều đình cũng hết! ” [56, tr.86]. Nếu Triệu Giáp là tên đao phủ để thực thi các hình phạt thì Viên Thế Khải “con ba ba cao cấp”, một công cụ để “ổn định thời cuộc” cho triều đình Đại Thanh. Hắn là “một con sói chúa, giết một mạng người đối với ông ta chẳng khác dẫm chết một con dòi” [56, tr.85]. Một người nham hiểm, bán nước cầu vinh, “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”. Đối lập với tính cách “cỗ máy giết người” Triệu Giáp, “con ba ba cao cấp” Viên Thế Khải đó là tính cách anh hùng của Tôn Bính và Tiền Hùng Phi. Tôn Bính một kép hát Miêu Xoang nhưng trở thành anh hùng của Cao Mật Đông Bắc. Bất bình trước việc quân Đức xây đường sắt đã làm cho “phần mộ tổ tiên bị đè bẹp, con kênh tiêu úng bị san lấp, phong thủy ngàn năm bị phá hoại, huyền thoại về cắt đuôi sam bắt linh hồn, sống động bày ra trước mắt, cái đầu của con người không được bảo vệ. Quan phụ mẫu chỉ là chó săn của người Tây, cuộc sống khốn khổ của người dân sắp tới gần” [56, tr.284] nên đã tập hợp người dân ngày đêm luyện tập nghĩa hòa quyền để chống Đức. Hành động của Tôn Bính chống giặc Đức đã dệt nên huyền thoại về người anh hùng: “Ông là hảo hán, đáng mặt nam nhi, không sợ quan, không sợ Tây, ông là anh hùng” [56, tr.285]. Ngoài ra, đối lập với tính cách tàn ác, bạc nhược của Viên Thế Khải là tính cách hiệp nghĩa của Tiền Hùng Phi. Anh là một anh hùng có tư tưởng tiến bộ, là một lưu học sinh Trung Quốc đầu tiên tốt nghiệp trường sĩ quan Nhật Bản. Anh là một tay súng thiện xạ “tài bắn súng thì dưới gầm trời có một” [56, tr.356]. Bất bình trước thái độ tàn ác của Viên Thế Khải. Hắn đã tàn sát Lục quân tử, nên anh quyết định hành thích tên quan này để trả thù nhưng bất thành. Bên cạnh đó, trái với tính cách vô trách nhiệm, vô cảm của Viên Thế Khải là tinh thần trách nhiệm và thương dân của quan huyện Tiền Đinh. Ông luôn luôn nghĩ cho dân và vì dân. Để kiện quân Đức giết hai mươi bảy mạng người ở trấn Mã Tang, ông không quản ngại gió sương, không kể ngày đêm lên phủ kiện chúng. Tấm lòng của vị quan phụ mẫu này được cụ Tú cảm

phục: “Tiền đại nhân, vì dân mà không ngại gian khổ như đại nhân, thật là hồng phúc cho dân Cao Mật” [56, tr.379]. Như vậy, thông qua sự đối lập giữa hai tuyến nhân vật, nhà văn đã khắc họa được tính cách của nhân vật.

Biện pháp nghệ thuật tương phản - đối lập còn được nhà văn Mạc Ngôn sử dụng trong tiểu thuyết Cây tỏi nổi giận. Một bên đại diện cho quyền lực của nhà nước, công cụ để duy trì trật tự xã hội như Huyện trưởng Trọng Vì Dân, bí thứ xã Vương An Tu. Một bên thể hiện cho tư tưởng của nhân dân, quyền lợi của dân như Cao Mã, Cao Dương, Kim Cúc, Thím tư Phương. Mâu thuẫn giữa hai lực lượng xảy ra khi đến mùa thu hoạch tỏi mà người dân không bán được. Trong khi đó tỏi của cán bộ từ xã đến huyện được ưu tiên mua. Đồng thời, nhiều loại thuế hạch sách người dân. Vì bức xúc trước tình cảnh đó nhân dân đã đập phá trụ sở Ủy ban huyện vào ngày 25 tháng 8 năm 1987 để mong gặp người cán bộ đứng đầu huyện đứng ra giải quyết:

Dù tội phanh thây

Cũng phải lôi Huyện trưởng Bí thư xuống ngựa Quần chúng làm reo phạm quốc pháp Họ dung túng tay chân bóc lột nhân dân

Họ phạm quốc pháp hay không?

Nhưng “trông tin quan như trời hạn trông mưa” bởi Huyện trưởng “vì bảo mạng, đã đóng cửa ngồi trong nhà, đôn cao tường, cắm mảnh chai, khi sự việc phát sinh, dù nhân viên công tác gọi điện rất nhiều lần, ông ta vẫn không chịu ra gặp quần chúng, đến nỗi sinh đại loạn, gây ra hậu quả nghiêm trọng” [54, tr.483]. Huyện trưởng khi gặp chuyện không đứng ra giải quyết để dân tình “sống chết mặc bay”, mang tên Trọng Vì Dân nhưng thực chất trọng cá nhân. Hơn nữa, Bí thư xã Vương An Tu đụng người chết rồi bỏ chạy. Bởi vì ông ta nghĩ bỏ ra cho họ ít tiền là có thể giải quyết xong chuyện: “Chú đừng sợ, là nông dân của xã ta, rất thuận rồi, cho họ ít tiền là xong!”

[54, tr.369]. Ông còn bảo người nhà nạn nhân không được kiện cáo. Nếu kiện sẽ liên lụy đến người sống bởi “người chết thì hết chuyện, nhưng người sống vẫn phải sống”

[54, tr.379]. Trước tình cảnh ấy, cây tỏi cũng phải nổi giận huống chi con người:

Ông Huyện, bàn tay ông che sao được trời

Chuyện dở ở Thiên Đường, ông bịt sao nổi ...

Tiếng hát của Khấu mù vừa thể hiện sự thức tỉnh của nhân dân đồng thời đây cũng là lời buộc tội đanh thép bọn tham quan ô lại chỉ biết bản thân. Mà “thời buổi này, sống là kiếp chó, chết là kiếp người” [56, tr.165]. Làm quan chủ yếu là để vơ vét của dân: “Bẩm đại nhân, tiểu nhân xin nói một câu: Đại nhân làm quan cho trên, chứ không phải làm quan cho dân. Muốn làm quan thì không được có lương tâm, muốn có lương tâm thì không nên làm quan” [56, tr.376]. Vì thế “tức nước vỡ bờ” nhân dân chống lại bọn quan lại là điều tất yếu.

Bên cạnh khắc họa tính cách nhân vật thông qua tuyến nhân vật đối lập, nhà văn còn tập chung miêu tả nhân vật thông qua điểm nhìn của nhân vật đối kháng. Trong tiểu thuyết Ếch, Vạn Tâm là một bác sĩ nông thôn sản khoa thiên tài. Bên cạnh cứu người, Vạn Tâm còn kiên quyết phá đi những cái thai vi phạm chính sách một con. Do đó, hành động của cô gây nên sự thù hằn với các nhân vật Trương Quyền, Vương Kim Sơn, Vương Cước. Vợ của Trương Quyền sinh đã ba đứa con gái, muốn có đứa con trai nên vợ hắn đã mang thai đứa thứ tư. Vạn Tâm đến nhà vận động bỏ thai nhưng tên thổ phỉ này đã dùng gậy đánh vào đầu của Vạn Tâm. Bên cạnh đó, vì ép Vương Nhân Mỹ bỏ thai, cháu dâu của Vạn Tâm, bị mẹ cô ta Ngô Tú Chi đâm vào đùi khiến cho vết thương nhiễm trùng. Vạn Tâm mê sản mấy ngày liền nhưng vẫn đi bắt Vương Đảm để phá thai. Đồng thời, cô luôn luôn bị người đời nguyền rủa là “Diêm vương sống”:

“mày chết mà không nhắm mắt đâu… Mày chết rồi thi thể thối của mày sẽ bị đặt lên rừng đao, bị cho vào vạc dầu, lột da móc mắt” [62, tr.215]. Bị đánh sứt trán gãy chân nhưng cô vẫn quyết tâm thực hiện công việc mà nhà nước giao cho. Bởi vì: “không thực hiện sinh đẻ có kế hoạch thì giang sơn sẽ thay đổi màu sắc, tổ quốc chỉ còn có mùa đông! Làm gì còn có giang sơn đẹp, tổ quốc xuân!” [62, tr.214] và “sinh đẻ có kế hoạch là quốc sách hàng đầu, không vì một chuyện ngẫu nhiên này mà thay đổi. Những người mang thai phi pháp thì hãy chủ động nạo thai. Nhưng ai cố tình chống đối, phá hoại chính sách sẽ bị trừng trị nghiêm khắc” [62, tr.239]. Qua mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật, Mạc Ngôn đã khắc họa được tính cách tận tâm yêu nghề, trung thành tuyệt đối với Đảng của Vạc Tâm - một bác sĩ sản khoa thiên tài, một đảng cộng sản kiên trung “thà chết chứ không chịu lùi bước” trước cường quyền và bạo lực:

“Thật khó tìm được một người trung thành như cô… có được những người như cô, liệu có chính sách nào của nhà nước mà không thực hiện được” [62, tr.245].

Ngoài việc khắc họa tính cách nhân vật qua mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật, giữa hai nhân vật đối kháng, Mạc Ngôn còn tập trung miêu tả nhân vật cùng tuyến, cùng lý tưởng, địa vị, quan điểm, lập trường. Trong tiểu thuyết Ếch, hai người có cùng tên, cùng nghề nghiệp nhưng mỗi người làm việc ở hai nơi khác nhau, dẫn đến số phận của mỗi người khác nhau. Đó là Dương Tâm nhưng bà đang giữ chức “chủ nhiệm Hội sinh đẻ có kế hoạch… Đây là một phụ nữ lãnh đạo cao cấp của quân đội, chức vụ hiện giờ của bà là chính ủy sư đoàn” [62, tr.222]. Nhưng Vạn Tâm chỉ giữ chức chủ nhiệm khoa phụ sản của bệnh huyện kiêm chức phó tổ trưởng tổ kế hoạch hóa sinh đẻ của công xã. “Vạn Tâm Dương Tâm hai trái tim đỏ” nhưng lại có số phận khác nhau. Vạn Tâm tâm sự với cháu của mình, Vạn Túc: “Làm công tác ở địa phương gian nan lắm. Cháu cứ nhìn Dương Tâm, nhìn cô thì thấy. Bà ấy và cô đều phụ trách công tác sinh đẻ có kế hoạch nhưng bà ấy thì sao, phương phi đĩnh đạc, còn cô ? Sứt đầu gãy chân, máu và nước mắt luôn luôn thường trực trên người cô, trên mặt cô, trông chẳng ra gì”

[62, tr.254]. Trong tiểu thuyết Đàn hương hình, Viên Thế Khải đã quyết định dùng cọc đàn hương để hành hình Tôn Bính. Để cứu Tôn Bính, nhóm ăn mày do Tám Chu lãnh đạo cướp ngục để “trộm long tráo phụng” lấy Tôn Bính giả thay cho Tôn Bính thật. Tôn Bính giả là Öt Sơn “một anh hùng mà tự hủy dung nhan, dấn thân vào chỗ chết, tấm gương trung liệt sáng mãi muôn đời” [56, tr.528]. Nhưng cướp ngục bất thành nên đến ngày hành hình đều mang cả hai ra xử tử. Mọi người không phân biệt ai là Tôn Bính thật, Tôn Bính giả nhưng dưới cái nhìn ngây dại của Triệu Giáp Con, vì hắn tin mình có râu hổ có thể nhìn thấy bản tướng con người, có thể phân biệt được ai là Tôn Bính thật, ai là Tôn Bính giả: “Thoạt nhìn, hai Tôn Bính rất giống nhau, nhìn kĩ hai Tôn Bính khác nhau rất xa. Bản tướng của hai Tôn Bính, một là gấu đen, một là lợn đen. Bố vợ tớ là một đại anh hùng, không thể là lợn, chỉ có thể là gấu” [56, tr.601]. Để khắc họa tính cách anh hùng cả hai, Mạc Ngôn đã đặt hai nhân vật vào cảnh hành hình. Tôn Bính bị đóng cọc đàn hương, từ hậu môn lên đỉnh đầu, mà vẫn hiên ngang chửi mắng Viên Thế Khải, Tổng đốc Cáclốt và miệng vẫn hát Miêu Xoang. Nhưng Tôn Bính giả khi chuẩn bị hành hình đã “bĩnh ra quần”. Vậy theo cái nhìn của Giáp Con

hắn chính là lợn đen, là Öt Sơn. Hy sinh dung nhan vì đại nghĩa nhưng Öt Sơn không giữ được phong thái của anh hùng đến phút chết. Thông qua biện pháp nghệ thuật đối lập cùng tuyến, Mạc Ngôn đã tô đậm tính cách anh hùng của Tôn Bính. Tôn Bính xứng đáng là đại anh hùng của vùng Cao Mật, mãi mãi được lưu truyền trong sử sách và trong các bài hát Miêu Xoang.

Tóm lại, việc xây dựng nhân vật thông qua nghệ thuật đối lập- tương phản, nhà văn đã khắc họa được tính các của nhân vật từ nhiều chiều, nhiều điểm nhìn. Và tính cách đó khách quan hơn, nhân vật hiện ra sinh động và hấp dẫn hơn đối với người đọc. Để nhân vật càng độc đáo và lôi cuốn độc giả, Mạc Ngôn còn vận dụng nghệ thuật kỳ

Một phần của tài liệu kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong một số tiểu thuyết mạc ngôn (Trang 111)