Nghĩa của việc nuôi con nuôi

Một phần của tài liệu quan hệ cha, mẹ nuôi – con nuôi trong luật hôn nhân và gia đình và dự thảo luật nuôi con nuôi (Trang 28)

Ý nghĩa cơ bản nhất của việc nuôi con nuôi đó là đảm bảo cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho phù hợp với đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc, với bản chất xã hội mà nhân dân ta đang gìn giữ và xây dựng.

Hiện nay, có rất nhiều trẻ em khi được sinh ra đã bị cha, mẹ bỏ rơi, nhiều em bị dị tật bẩm sinh, hoặc bị ảnh hưởng do hậu quả của chiến tranh để lại… Các em đã phải sớm lăn lộn với đời, phải bươn chải để kiếm sống, không được sống trong một môi trường giáo dục tốt, một mái ấm gia đình với tình thương yêu chăm sóc của cha, mẹ và người thân để các em có thể phát triển toàn diện về thể chất cũng như là về tinh thần, và còn có rất nhiều gia đình vì quá nghèo nên không có đầy đủ những điều kiện để chăm sóc và giáo dục các em thật tốt. Nếu như các trẻ em đó được nhận làm con nuôi, được hưởng sự chăm sóc và nuôi dưỡng tốt từ phía gia đình người nhận nuôi như: cha nuôi, mẹ nuôi, và những người thân thuộc trong gia đình cha, mẹ nuôi thì sẽ bảo đảm được sự phát triển toàn diện cho trẻ em, tránh được việc các em bị sa ngã đi vào con đường sai trái. Vì vậy, trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh như thế nào thì việc nuôi con nuôi đều phải được bảo đảm cho mục đích là làm cho người được nhận làm con nuôi, được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục tốt. Nhà nước phải quan tâm đến vấn đề này một cách thường xuyên, liên tục để phòng tránh hiện tượng về tệ nạn buôn bán trẻ em, xâm phạm sức khỏe và bóc lột sức lao động của trẻ em.

Bên cạnh việc khuyến khích nhận trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, bị tật nguyền làm con nuôi nhà nước còn tạo những điều kiện thuận lợi để người đã thành niên là thương binh, người tàn tật, người bị mất năng lực hành vi dân sự được làm con nuôi. Hoặc những người có điều kiện nhận nuôi dưỡng những người già yếu, cô đơn.

Pháp luật Việt Nam ghi nhận và khuyến khích việc nuôi con nuôi trong nước giữa công dân Việt Nam với nhau. Nhưng nếu giải pháp nuôi con nuôi trong nước không thực hiện được (không hoặc không thể tìm được gia đình nuôi thích hợp tại quốc gia mình) thì mới tính đến nuôi con nuôi quốc tế. Bởi vì, việc di chuyển các em tới một môi trường sống với các điều kiện về văn hóa, ngôn ngữ, điều kiện sống…không phải là một giải pháp tốt cho sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ em, nhất là đối với những trẻ em lớn tuổi đã nhận thức được một phần nào đó về môi trường sống xung quanh. Do vậy, giải pháp nuôi con nuôi quốc tế là giải pháp cuối cùng và giải pháp này có điểm thuận lợi là đem lại một gia đình ổn định cho trẻ em trong trường hợp không thể tìm ra được gia đình thích hợp cho trẻ ngay tại nước mình. Và để bảo vệ quyền lợi cho những trẻ em này luật pháp Việt Nam đã xây dựng một hành lang pháp lý khá hoàn chỉnh để bảo vệ quyền lợi cho các em. Bên cạnh đó nước ta cũng tích cực tham gia ký kết và phê chuẩn các điều ước quốc tế về bảo vệ trẻ em và các hiệp ước song phương trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

CHƯƠNG 2

XÁC LẬP QUAN HỆ CHA, MẸ NUÔI – CON NUÔI THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH 2000

VÀ DỰ THẢO LUẬT NUÔI CON NUÔI

Để việc nuôi con nuôi được pháp luật công nhận và là cơ sở phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi, thì việc nhận nuôi con nuôi phải tuân theo các điều kiện và thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi.

2.1 Điều kiện về xác lập quan hệ cha, mẹ nuôi - con nuôi

Việc nuôi con nuôi chỉ có thể được xác lập do sự bày tỏ ý chí của người nhận nuôi và được người được nhận nuôi hoặc người đại diện của người được nhận nuôi trong một khuôn khổ theo quy định của pháp luật về thủ tục nuôi con nuôi tiến hành dưới sự giám sát của nhà nước.

Một phần của tài liệu quan hệ cha, mẹ nuôi – con nuôi trong luật hôn nhân và gia đình và dự thảo luật nuôi con nuôi (Trang 28)