- Quan hệ với gia đình người nuôi
+ Quan hệ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi đơn giản
Theo Dự thảo Luật Nuôi con nuôi thì kể từ thời điểm đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, con nuôi đơn giản có đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với cha, mẹ nuôi theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2000. Cụ thể là cha, mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, yêu thương, đại diện con nuôi trước pháp luật, quản lý tài sản của con nuôi đơn giản, bồi thường thiệt hại do con nuôi chưa thành niên gây ra; con nuôi có trách nhiệm yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha, mẹ nuôi, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha, mẹ nuôi, giữ gìn danh dự, truyền thống của gia đình, chăm sóc, nuôi dưỡng cha, mẹ nuôi. Đối với con nuôi trước đây là con của thương binh, con liệt sĩ, con của người có công với cách mạng thì có tiếp tục được hưởng mọi quyền lợi của con liệt sĩ, con thương binh, con của người có công với cách mạng khi đã được cho làm con nuôi hay không? Có quan điểm cho rằng, con nuôi đã chấm dứt mối quan hệ pháp lý với cha, mẹ đẻ và phát sinh đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với cha, mẹ nuôi thì không nên níu kéo quyền hưởng các chế độ, chính sách nữa. Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng, nên cho con nuôi tiếp tục hưởng các chế độ, chính sách của cha, mẹ đẻ nhằm thể hiện chính sách đãi ngộ của nhà nước đối với những đối tượng xã hội đặc biệt này. Theo ý kiến của tôi, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai để đảm bảo đúng chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước trong vấn đề này.
+ Con nuôi được thay đổi tên và thay đổi họ theo họ của cha, mẹ nuôi
Việc thay đổi họ tên nhằm đảm bảo sự hòa hợp toàn diện của con nuôi đơn giản vào gia đình cha, mẹ nuôi. Dự thảo Luật quy định con nuôi được thay đổi họ, tên theo họ của cha, mẹ nuôi. Được quy định khoản 3 điều 21 Dự thảo Luật Nuôi con nuôi.
- Quan hệ với gia đình gốc
+ Quan hệ nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với gia đình gốc
Kể từ thời điểm đăng ký nuôi con nuôi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cha, mẹ đẻ không còn một số quyền và nghĩa vụ đối với con đã đi làm con nuôi
như quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con, đại diện cho con trước pháp luật, quản lý, định đoạt tài sản riêng ( nếu có) của con vì những quyền và nghĩa vụ này đã được chuyển sang cho cha, mẹ nuôi. Và con nuôi đơn giản cũng “ không có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với cha, mẹ đẻ”. Như vậy ngoài hệ quả chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đẻ đối với con đã cho làm con nuôi ( kế thừa khoản 3 điều 61 Luật Hôn nhân và Gia đình) thì con nuôi cũng không còn nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với cha, mẹ đẻ.
+ Quan hệ về thừa kế
Đối với con nuôi đơn giản thì ngoài việc “ con nuôi và cha, mẹ nuôi có quyền thừa kế của nhau” theo quy định tại khoản 1 điều 21 Dự thảo Luật Nuôi con nuôi, thì theo khoản 4 Dự thảo Luật Nuôi con nuôi “ con nuôi có quyền thừa kế với cha, mẹ đẻ theo pháp luật”. Như vậy, con nuôi đơn giản vừa có quyền thừa kế đối với cha, mẹ nuôi vừa có quyền thừa kế đối với cha, mẹ đẻ. Vì, đối với hình thức nuôi con nuôi đơn giản không làm chấm dứt hoàn toàn quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với cha, mẹ đẻ, con nuôi theo ( điều 14 Dự thảo Luật Nuôi con nuôi). Đây là điểm rất đặc thù và khác với hình thức con nuôi trọn vẹn.