Hệ thống tiêu chí và phương pháp đánh giá năng lực tư duy của học sinh

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập phát triển tư duy cho học sinh lớp 11 ban nâng cao ở trường trung học phổ thông (Trang 40)

Học tập là một trường hợp riêng của nhận thức. Việc đánh giá quá trình học tập của học sinh thông qua việc đánh giá trình độ phát triển tư duy của học sinh bao hàm: Đánh giá trình độ phát triển năng lực nhận thức, năng lực tư duy và năng lực kỹ năng thực hành.

Sau khi nghiên cứu các quan điểm đánh giá mức độ của quá trình nhận thức và tư duy theo quan điểm của GS. Nguyễn Ngọc Quang và của GS. Benjamin Bloom ( như giới thiệu phần đầu trong luận văn), chúng tôi thấy có những điểm tương đồng :

Mức độ 1 trong tiêu chí đánh giá của GS. Nguyễn Ngọc Quang tương ứng với cấp độ BIẾT trong tiêu chí Bloom.

Mức độ 2 trong tiêu chí đánh giá của GS. Nguyễn Ngọc Quang tương ứng với cấp độ HIỂU trong tiêu chí Bloom.

Mức độ 3 trong tiêu chí đánh giá của GS. Nguyễn Ngọc Quang tương ứng với cấp độ VẬN DỤNG trong tiêu chí Bloom.

Mức độ 4 trong tiêu chí đánh giá của GS. Nguyễn Ngọc Quang tương ứng

với cấp độ PHÂN TÍCH, TỔNG HỢP, SÁNG TẠO trong tiêu chí Bloom.

Vì thế, theo chúng tôi nên đánh giá trình độ phát triển tư duy của học sinh theo các mức độ: Biết, hiểu, vận dụng, vận dụng sáng tạo. Cụ thể:

+ Biết: khả năng nhớ lại kiến thức đó một cách máy móc và nhắc lại được. + Hiểu: khả năng hiểu thấu được ý nghĩa kiến thức, giải thích được nội dung kiến thức, diễn đạt khái niệm theo sự hiểu biết mới của mình.

+ Vận dụng: Khả năng sử dụng thông tin và biến đổi kiến thức từ dạng này sang dạng khác, vận dụng kiến thức trong tình huống mới, trong đời sống, trong thực tiễn.

+ Vận dụng sáng tạo: Sử dụng các kiến thức đã có, vận dụng kiến thức vào tình huống mới với cách giải quyết mới, linh hoạt, độc đáo, hữu hiệu.

Với các tiêu chí đánh giá khả năng tư duy của học sinh như trên, trong quá trình dạy học nói chung và dạy học hoá học nói riêng mỗi giáo viên cần phải chú ý phối hợp nhiều hình thức dạy học cho phù hợp nhằm phát triển tư duy cho học sinh, trong đó việc sử dụng hệ thống các câu hỏi và bài tập hóa học trong giảng dạy hoá học ở trường phổ thông là một hướng quan trọng. Do đó cần xây dựng và sử dụng hệ thống câu hỏi và bài tập hóa học như thế nào để nâng cao năng lực nhận thức và phát triển tư duy cho học sinh một cách hiệu quả nhất và đó cũng chính là nội dung của đề tài.

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập phát triển tư duy cho học sinh lớp 11 ban nâng cao ở trường trung học phổ thông (Trang 40)