Dùng BT trong giờ ôn tập, luyện tập

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập phát triển tư duy cho học sinh lớp 11 ban nâng cao ở trường trung học phổ thông (Trang 130)

Các BT đưa ra trong giờ ôn tập nên có nội dung tổng hợp, liên quan tới nhiều kiến thức cần ôn tập, qua đó khắc sâu, hệ thống và khái quát hóa kiến thức, kỹ năng, có thể là dạng bài so sánh tính chất, phân biệt - tách chất hay BT tính toán,...GV cần chọn các bài tiêu biểu, điển hình, tránh trùng lặp (dạng bài có kiến thức hóa học trọng tâm, có phương pháp giải mới, dạng bài quan trọng, phổ biến hay ra thi, …), chú ý dạy học bằng “bài toán” phân hóa. Ngoài số bài tập chung cho cả lớp, cần lựa chọn BT thích hợp riêng cho từng đối tượng khá, giỏi, trung bình, yếu để từng HS đều phải độc lập suy nghĩ, bộc lộ năng lực suy luận logic.

Muốn hình thành kĩ năng không thể chỉ giải một BT mà phải giải một số BT cùng dạng. Nếu như các BT này hoàn toàn giống nhau (chỉ khác số liệu) thì sẽ gây nhàm chán, nhất là đối với HS khá, giỏi. Do vậy cần phải bổ sung những chi tiết mới, vừa có tác dụng mở rộng, đào sâu kiến thức và gây hứng thú cho HS.

Các BT trong giờ luyện tập nên đa dạng, có nhiều mức độ khác nhau: có thể là BT có nhiều cách giải để HS tư duy, cũng có thể là BT giải nhanh trong một thời gian nhất định, cũng có thể cho HS giải BT theo nhóm rồi cử đại diện lên bảng giải hoặc GV có thể chỉ định bất cứ thành viên nào trong nhóm lên giải. Thực tế cho thấy những phương pháp này làm HS cảm thấy rất hứng thú, đồng thời cũng rèn luyện khả năng phản xạ cũng như tinh thần làm việc theo nhóm cho HS.

GV cần chú ý:

– Hướng dẫn cho HS cách phân tích bài tập, chứ không chỉ đi sâu vào giải cụ thể, giúp HS nắm chắc phương pháp giải các dạng bài tập cơ bản.

– Gọi HS lên bảng: cho BT phù hợp với trình độ HS, bổ sung, sửa chữa kịp thời sai sót của HS, khi HS có hướng giải sai nên dừng lại ngay. Đối với HS yếu chỉ cho BT vừa sức, đề bài đơn giản, không nên giải nhiều phương pháp, từng bước nâng cao trình độ cho HS.

– Sửa bài chi tiết, trình bày rõ ràng, diễn đạt chính xác. Trong khi sửa, kết hợp sửa các lỗi điển hình của HS.

– Kết hợp nhiều phương pháp dạy học khi sửa bài, nhất là các phương pháp dạy học tích cực, chú trọng dạy HS cách trình bày lời giải.

VD: Có thể cho HS đề bài sau đây trong tiết luyện tập để giải nhanh.

Đốt cháy hoàn toàn m(g) hỗn hợp X gồm metan, butan và propen thu được 4,4g CO2 và 2,52g nước. Tìm m?

Bài toán này có 2 cách giải, cách thứ nhất phải viết 3 pthh, đặt hệ pt 3 ẩn số rồi giải, trong khi cách thứ hai chỉ cần HS tư duy sẽ thấy ngay dùng phương pháp bảo toàn nguyên tố sẽ nhanh hơn nhiều:

m = mC + mH = (4,4/44)12 + (2,52/18)2 = 1,48 (g)

Một phần của tài liệu xây dựng hệ thống bài tập phát triển tư duy cho học sinh lớp 11 ban nâng cao ở trường trung học phổ thông (Trang 130)