− Phần lớn GV đều cho rằng truyền thụ kiến thức mới là nội dung dạy học quan trọng nhất rồi đến BT, sau đó đến thí nghiệm thực hành và liên hệ thực tế.
− Phương án được dùng nhiều nhất trong giờ BT là GV phân tích BT từng bước và hướng dẫn HS giải (lớp yếu) hoặc cho HS tự đưa ra cách giải và lên bảng giải (lớp khá giỏi), ít khi dùng phương pháp grap hay algorit. Đa số GV vẫn nặng về trang bị kiến thức, rèn luyện một số kỹ năng tính toán chứ chưa chú ý đến việc vận dụng nhiều phương pháp dạy khác nhau, không biết cách khai thác đặt câu hỏi gợi mở để buộc mọi HS đều tích cực làm việc, chưa quan tâm nhiều đến việc dạy phương pháp học tập cũng như khả năng vận dụng linh hoạt, năng lực độc lập suy nghĩ.
− Bài tập phần lớn lấy từ SGK, sách BT hoặc từ đề cương của tổ chuyên môn. Một số GV có biên soạn BT riêng nhưng mới chỉ theo những nội dung quan trọng. Hầu hết GV chưa có một hệ thống BT riêng được sắp xếp theo các mức độ nhận thức của HS. HS cả lớp đều phải làm tất cả BT mà GV yêu cầu, không phân biệt giỏi hay yếu, trừ một số BT khó thì không bắt buộc mà chỉ khuyến khích các em làm và xung phong lên bảng giải.
− Khó khăn thường gặp nhất là không đủ thời gian cho BT. Theo phân phối chương trình chỉ có một vài tiết luyện tập cho mỗi chương không thể giải hết các BT. GV thường tranh thủ sửa BT trong các tiết học vào đầu hoặc cuối tiết, khi đã xong phần lý thuyết. Tuy nhiên, với lớp 11 chương trình nâng cao, chương trình được đánh giá là khá nặng, 45 phút không đủ để dạy lý thuyết của nhiều bài một cách cặn kẽ thì còn đâu thời gian để làm BT! Mặc dù đa số các trường chúng tôi khảo sát đều có tăng từ 1-2 tiết hóa/ tuần cho lớp 11 chương trình nâng cao, theo các GV chỉ tạm đủ hoặc chưa đủ.
− Do lớp đông, thời gian có hạn, GV lo dạy hết chương trình trong thời gian qui định, chưa giúp HS hiểu rõ từng từ ngữ trong bài tập, không kiểm tra hết khả năng suy luận của HS thông qua câu trả lời, cũng không có thời gian bổ sung kịp thời kiến thức bị hổng cho HS. Kiểm tra chỉ là tư duy tái hiện chứ chưa chú ý đến tư duy sáng tạo. Từ đó dẫn đến năng lực suy nghĩ, trình bày thiếu logic, mạch lạc, chất lượng học tập không cao và độ bền kiến thức giảm.