6. Bố cục của luận văn
3.4.2. Không gian bất toàn
Cá tính là bản sắc riêng của từng người đặc biệt trong làn sóng hiện đại hóa mạnh mẽ. Sự xác định cá tính hay theo Soseki là xác định lập trường riêng của mình không phải là mong muốn nữa mà trở thành nhu cầu bức thiết. Tàu lửa-biểu tượng của hiện đại hóa trong sáng tác của Soseki, trở thành phương tiện “triệt tiêu cá tính”. Trong tác phẩm của Soseki tàu lửa là một hộp kín, nhồi nhét bao nhiêu con người, hạn chế tự do cá nhân, mang con người xa rời tất cả: “Cái hay của thế giới thi ca này không phải là cái hay của Hototogisu hay Konjikiyasha. Nó là sự tuyệt vời của một giấc ngủ vùi để quên đi mọi thứ, sau khi đã quá mệt mỏi vì những thứ tàu thủy, tàu hỏa, quyền lợi, nghĩa vụ, đạo đức, lễ nghĩa.” [37, tr.21] Tàu hỏa luôn là hình ảnh thường trực trong suy nghĩ của Soseki về sự ngột ngạt, chán nản, là đại diện không thể thích ứng được của văn minh phương Tây. Với lý tưởng công bằng xã hội, nhân vật Cậu ấm luôn cảm thấy kệch cỡm trước sự phân biệt giàu nghèo của những toa tàu, toa hạng nhất 5 chinh toa hạng bét 3 chinh, hơn nhau chỉ 2 chinh nhưng
82
những người trên toa hạng nhất thì rất vênh váo. Soseki nhấn mạnh hành động cậu ấm cầm vé hạng nhất nhưng ngồi toa hạng bét không phải chỉ vì để được ngồi gần Bí Đỏ mà đó còn là hành động phá bỏ ranh giới. Hình ảnh con tàu chạy bằng hơi nước trong Gối đầu lên cỏ
tượng trưng cho văn minh, nhưng đối với Soseki phương tiện giao thông thuận tiện đó chỉ làm “triệt tiêu cá tính”:
“Tôi đang bị kéo về thế giới hiện thực. Theo cách nghĩ của tôi thì thế giới hiện thực là nơi ta có thể nhìn thấy những đoàn tàu hỏa. Không có gì đặc trưng cho sự văn minh của thế kỷ hai mươi bằng tàu hỏa. Những chiếc hộp chạy rầm rập nhồi nhét bên trong cả trăm người. Chẳng có chỗ nào dành cho cảm xúc. Những con người bị nhồi nhét ấy phải di chuyển cùng một tốc độ, dừng lại cùng một nơi, và cùng tắm mình trong thứ hơi nước động cơ của đoàn tàu. Người ta bảo là “lên tàu”. Tôi thấy như thế là bị nhồi nhét. Người ta bảo là ‘đi tàu”. Tôi thấy là “bị áp tải”. Chẳng có gì chối bỏ cá tính như là thứ tàu này….Kiểu văn minh hiện thời cứ như là cấp cho mỗi người một mảnh đất nhỏ xíu như nhau, rồi bảo người ta cứ tùy ý, thức hay ngủ gì trên mảnh đất ấy cũng được. Đồng thời lại dựng lên một hàng rào thép xung quanh mảnh đất kia, không cho người ta bước ra ngoài dù chỉ là một bước…Văn minh mang đến cho con người tự do cá nhân, biến họ thành những kẻ hung dữ như mãnh hổ, rồi ném họ vào bên trong cũi sắt để bảo vệ hòa bình. Đó không phải là hòa bình thực sự, mà là kiểu yên bình như con hổ nằm trong lồng sắt nơi thảo cầm viên lừ mắt nhìn ra cảnh vật bên ngoài. Chỉ cần một thanh sắt của lồng giam rơi xuống là tất cả sẽ tan nát ngay thôi…khi thấy sự tương phản giữa những con người cá nhân đang khép mình đến mức co rút lại giữa toa tàu chở khách với đoàn tàu chẳng hề quan tâm đến cá tính của một ai, tôi những muốn hét lên với đám người kia rằng: “Nguy hiểm, nguy hiểm kìa! Hãy cẩn thận đề phòng nguy hiểm đấy!”Văn minh hiện thời là kiểu văn minh đầy nguy hiểm, đến mức tưởng như thứ mùi nguy hiểm ấy xộc vào tận mũi mình! Mà thứ tàu hỏa cứ lao sầm sập vào khoảng không đen ngòm phía trước là một trong những điều đáng sợ!” [37, tr.222-223- 224]
Theo cách cảm nhận về thế giới văn minh của Soseki, tàu hỏa là không gian giam cầm những con người đã được “cấp” cho tự do cá nhân. Tự do cá nhân không xuất phát từ nội tại của con người mà rõ ràng chỉ là lớp vỏ bên ngoài để theo kịp xu thế văn minh. Hình ảnh những con người cá nhân cùng nhau chịu đựng sự nhồi nhét trong không gian biểu hiện sự văn minh đó lại tố cáo ngược lại rằng họ không hề được khẳng định cá tính của mình.
83
Soseki gọi nền văn minh hiện nay là văn minh nguy hiểm bởi lẽ nó chỉ như vỏ bọc bên ngoài, con người ngỡ có được tự do cá nhân và phát triển nó nhưng thực chất họ “trắng tay”. Tàu hỏa - biểu tượng của văn minh, con người biết sẽ bị nuốt chửng nhưng vẫn cứ đi vào, chen chúc nhau, phó mặc cho nó đưa đi bất cứ đâu. Trong tác phẩm Người đi đường
(Koujin), tàu hỏa là minh chứng cho sự phát triển của khoa học kĩ thuật, đối với Soseki tàu hỏa biểu hiện cho sự bất an, đáng sợ: Sự bất an của con người xuất phát từ sự phát triển khoa học. Khoa học phát triển liên tục không hề cho phép chúng ta được nghỉ ngơi. Từ đi bộ đến xe kéo, từ xe kéo đến xe ngựa, từ xe ngựa đến tàu hỏa chạy bằng hơi nước, từ tàu hỏa đến ô tô, rồi đến cả máy bay, cả phi thuyền, dù phát triển cao đến đâu cũng không được dừng lại. Không biết còn tiến đến đâu nữa. Thật đáng sợ.” [72]
Một không gian khá bất ngờ mang tính chất bó buộc trong tác phẩm của Soseki đó chính là không gian trường học. Nạn nhân của không gian ngột ngạt, bế tắc này chính là thầy giáo và học sinh. Trường học của ông giáo Kushami, Lạc Vân Quán, trường học của cậu ấm đào tạo những con người chẳng ra sao và “dập khuôn”. Những người thầy càng lúc càng rụt rè, không được kính trọng, bị giam hãm trong những nội quy cứng nhắc, chạy theo bệnh thành tích. Học trò bất kính với người dạy dỗ chúng. Không gian này cho thấy sự bất lực của người trí thức trước hiện trạng giáo dục của Nhật Bản. Trường học trong Cậu ấm ngây thơkhông được miêu tả là nơi truyền thụ kiến thức và đạo đức, đó là nơi học sinh trêu chọc thầy giáo, thầy giáo cạnh khóe nhau. Đối với người quen được tự do như cậu ấm thì trở thành một giáo viên trung học chuẩn mực khuôn phép đã là quá sức nhưng không bức bối bằng bị giam hãm trong không gian ngột ngạt của trường học: “Dẫu rằng đó là việc bán thân đổi lấy đồng lương, nhưng kiểu đâu lại có cái luật lệ bắt con người ta phải giam hãm trong trường suốt cả thời gian rảnh rỗi để ngồi ngắm những cái bàn không bao giờ?” [34, tr.53] và lâu dần một cậu ấm-thầy giáo đã: “Trong thời gian đó tôi đã chán trường học.” [34, tr.59] Cậu ấm bấm bụng chấp nhận vì tất cả giáo viên trong trường đều ngoan ngoãn chấp hành, không lẽ chỉ một mình mình chống lại. Chính vì tâm trạng bất mãn đó nên trong ngày trực trường, cậu ấm đã từ bỏ không gian bị ép buộc nhồi nhét vào để thư giãn ở không gian ưa thích: suối nước nóng dù biết hành động đó vi phạm nội quy.
Những không gian gây cảm giác không an toàn cho Soseki đều mang tính chất hiện đại hóa, trái ngược với Mori Ogai luôn cảm thấy hài lòng và thích thú trước những đổi thay của văn minh hiện đại, thể hiện qua việc xây dựng những kiến trúc mới theo lối Tây phương:
84
“Nhật Bản hãy còn chậm tiến. Em thấy không, đang trùng tu đầy ra kìa!” Watanabe vừa phì phà điếu xì gà, đến mở cánh cửa sổ bên góc phòng có đặt chiếc xô-pha để ngắm phong cảnh bên ngoài. Ngay dưới của sổ, ông thấy rất nhiều thanh gỗ chất lên bên nhau. Đây mới đúng là mặt tiền khách sạn. Bên kia bờ con kênh đầy ắp nước và hầu như ngừng chảy là mấy ngôi nhà dân, có lẽ chỗ người ta dùng để hẹn hò. Trên đường không có bóng người, ngoại trừ một thiếu phụ đang địu con đứng lơ đãng trước cửa một trong những ngôi nhà ấy. Xa hơn nữa về phía tay mặt, ngôi dinh thự đồ sộ dùng làm Sở Tư Liệu của Bộ Hải Quân với màu gạch đỏ vươn cao lên choán hết tầm mắt.” [69]
Truyện ngắn không có cốt truyện nhưng vẫn rõ ràng ở hình ảnh một viên chức trong chính phủ khẳng định rằng Nhật Bản cần phải xây dựng nhiều hơn nữa mới theo kịp phương Tây.