6. Bố cục của luận văn
3.3. Cặp đôi nhân vật
Chúng tôi nhận thấy trong sáng tác của Soseki, con người cá nhân không bao giờ muốn mình “chiếm lĩnh riêng một thế giới”, họ khẳng định cá tính nhưng luôn chú trọng khía cạnh an toàn, dù không được lòng ai như ông giáo Kushami hay ngang bướng như cậu ấm, khác người như nàng Nami thì họ vẫn không bị hụt hẫng và sợ hãi. Những nhân vật cá nhân của Soseki luôn có đồng minh, dù thất bại trong tất cả các mối quan hệ, con người vẫn luôn an toàn trong một nhóm bất kì.Ông giáo Kushami có những người bạn trí thức luôn lui tới nhà mình nói chuyện, đàm đạo. Nếu không có họ hẳn ông không bình chân như vại và mặc kệ những lời mỉa mai, châm biếm của mọi người, vì ít ra, ông nhận thấy xung quanh mình có những người như mình. Cậu ấm khi xa rời vú nuôi Kiyo, lập tức anh ta trở nên bơ vơ và không biết mình phải làm gì, anh ta cư xử như bản tính vốn có và khi thấy thái độ của mọi người đối với anh ta không như bà Kiyo đối với anh ta, anh ta buộc phải suy nghĩ lại hành động của mình. Anh ta có cảm tình với Nhím vì nhận thấy tính cách khá giống mình, nhưng khi bị Áo Đỏ tung hỏa mù, anh ta nghi ngờ Nhím và lập tức trở nên bơ vơ, cô độc, mất phương hướng. Khi kết thân với Nhím trở lại, cậu ấm lại hùng hổ và mạnh dạn như lúc đầu. Về phần Nhím dù cũng thấy rất bất mãn trước ngôi trường đáng chán và những thầy giáo mất tư cách nhưng anh ta chỉ nín nhịn, phải đợi đến khi có cậu ấm, anh ta mới phản kháng mạnh mẽ. Chàng họa sĩ là đồng minh của Nami, đối diện anh, cô có thể thỏa sức bày tỏ suy nghĩ và hành động khác người của mình mà không bị gọi là điên như dân làng vẫn gọi. Anh tìm thấy ở cô một hình mẫu nghệ thuật anh theo đuổi, cô tìm thấy ở anh một người thông cảm và sẻ chia:
“Giữa hai người chúng tôi lúc này đang vương vấn một sợi chỉ nhân duyên mỏng manh, phần nào giống với tình cảm trong bài thơ ấy. Nếu nhân duyên chỉ là một sợi chỉ mong manh như thế này thì chẳng có gì là đau khổ. Nhưng đây không phải là một sợi chỉ thông thường. Nó giống như cầu vồng giăng ngang, như sương khói mênh mang trên đồng
75
ruộng, như sợi tơ nhện lấp lánh giọt sương. Mong manh dễ mất và tuyệt đẹp trong khoảnh khắc mà chúng ta chiêm ngưỡng.” [37, tr.74]
Nàng Nami được soi chiếu dưới hai lăng kính, nếu soi chiếu dưới lăng kính của cõi đời phù thế nàng là người kì quặc, dị thường, nhưng nếu soi chiếu dưới đôi mắt của người nghệ sĩ nàng là một hình mẫu hoàn hảo: “Tôi là một họa sĩ. Còn cô ấy thì lại không giống như một cô gái bình thường.” [37, tr.74]… “Vì thế tôi đã nhìn thấy ở cô ấy một vẻ gì như là sự khát khao nương tựa” [37, tr.61] Nami bị dân làng đàm tiếu, gia đình xem là người thừa, cô khát khao một sự đồng cảm, xuất phát từ ý thức nhóm và tình trạng lạc lõng giữa xã hội. Những nhân vật trong tác phẩm của Soseki không đơn độc trước số đông của xã hội nhưng lại đơn độc trong chính bản thân mình. Họ có đồng minh, và tin vào sức mạnh của đồng minh, chính điều này đẩy họ ra xa những mối quan hệ khác (ruột thịt, bạn bè, thầy trò), chỉ chú ý đến tư tưởng tương đồng. Trong phần “Ngôi kể tôi” chúng tôi đã lưu ý nhân vật kể chuyện và nhân vật chính trong tác phẩm, cả ba tiểu thuyết giai đoạn đầu của Soseki đều có cặp nhân vật Tôi và nhân vật chính, cặp nhân vật này không đơn thuần chỉ là người kể chuyện và nhân vật chính trong câu chuyện. Soseki xây dựng những cặp đôi này dựa trên sự khát khao đồng cảm và dè chừng xã hội.
Cặp đôi nhân vật phản ánh cách nhìn lưỡng phân của Natsume Soseki trước cuộc đời. Cặp đôi nhân vật Con mèo-Ông giáo (Tôi là con mèo) mang mục đích: Nhìn kĩ hơn. Con mèo được xây dựng không giống như con mèo bình thường, nó được chuẩn bị và hấp thụ kiến thức một cách tự nhiên, từ chỗ ghét loài người, nó cảm thấy mình không còn là mèo nữa, nó đã hòa nhập vào xã hội loài người. Giọng kể của con mèo về tất cả các nhân vật đều mỉa mai châm biếm, nhưng con mèo mang những đặc điểm rất giống ông giáo Kushami. Ông giáo là hình ảnh biếm họa mà Soseki tự trào, đây là nhân vật thể hiện nhược điểm của Soseki và con mèo là đại diện cho cái nhìn nghiêm khắc của ông trước bản thân mình và xã hội Âu hóa thời kì đó. Giữa hai nhân vật này tồn tại một mối lương duyên, ông giáo để con mèo xấu xí vào nhà mình mà theo bản tính thông thường hẳn ông đã không can thiệp khi chị bếp nhiều lần đuổi con mèo đi. Là một người hay nhận xét và suy đoán người khác nhưng ông giáo vẫn bảo vệ con mèo trong khi nó không mang lại lợi ích gì: không bắt chuột, không đánh động khi có trộm, nhàn nhã nằm lười suốt ngày. Nó chính là bản sao của ông: không muốn làm gì, chỉ muốn buông xuôi, nghe chuyện đời và nhận xét người khác. Anh Tofu -học trò của ông giáo kể về hội ngâm thơ của mình với buổi họp đầu tiên thành công,
76
thế nhưng đang diễn kịch thì bị các nữ sinh cười, anh Tofu không diễn được nữa, vở kịch phải bỏ dở nửa chừng: “Đấy lần đầu tiên nói là đã thành công mà như vậy. Còn nếu bảo là đã thất bại thì không biết nó thế nào nhỉ? Cứ tưởng tượng mà không nhịn được cười. Tự nhiên từ cuống họng tôi bật ra tiếng “gừ, gừ”. Ông chủ lại nhẹ nhàng vuốt đầu cho tôi. Cười người khác mà lại được thương yêu thì tốt rồi. Nhưng dẫu sao tôi cũng cảm thấy hơi vô duyên thế nào ấy._Thật chẳng ra làm sao.Ngày đầu năm mới mà ông chủ đã đọc điếu từ như vậy.” [38, tr.67] Con mèo đã biểu hiện cảm xúc thay ông chủ của mình, trước một câu chuyện lố bịch, con mèo cười theo kiểu của nó và nhận được sự tán đồng từ ông giáo.
Nếu Soseki đặt bản thân mình vào hai nhân vật ông giáo Kushami và con mèo, theo diễn biến phát triển của câu chuyện, Soseki có một nhân vật giám sát được hành động của nhân vật chính, những lời nhận xét của con mèo về ông giáo Kushami là những kinh nghiệm rút ra từ hành động và suy nghĩ của ông giáo. Con mèo đọc cho chúng ta biết những suy tư của ông giáo, diễn giải những hành động và lối suy nghĩ khác người của ông. Chỉ con mèo mới hiểu rõ bản chất của ông giáo, chỉ cần quan sát thái độ của ông, nó dễ dàng giải thích cho người đọc ông chủ của nó là một người như thế nào:
“Ông chủ này có một cái tật là rất coi trọng bất cứ cái gì mình không biết. Nhưng không nhất thiết chỉ những người quá quắt như ông mới thế. Những cái mà mình không biết thường hàm chứa nhiều thứ mà mình không thể coi thường, làm nảy sinh tâm trạng cứng cỏi ở những chỗ không lường nổi ấy. vì vậy mặc cho những người phàm cứ đưa chuyện một cách hiểu biết về những cái mà họ chẳng hiểu biết gì, các học giả lại lý giải những cái mà họ đã biết rõ một cách “không thể hiểu”. Ai cũng biết, ở các trường đại học, có những người dạy những cái chẳng ai hiểu gì thì được đánh giá cao, còn ai dạy những cái có thể hiểu được thì không được hâm mộ lắm. Ông chủ kính phục bức thư này, không phải vì nó có nội dung rõ ràng dễ hiểu, mà ngược lại, vì khó mà nắm bắt được chủ ý của nó ở chỗ nào?” [38, tr.407]
Con mèo hiểu tường tận suy nghĩ của ông giáo trước một bức thư lạ, hơn nữa nó kể lại câu chuyện về ông giáo như kể tâm trạng của nó, đào sâu vào chỗ khuất, lý giải cặn kẽ hành động của ông giáo.
Cậu ấm và Nhím (Cậu ấm ngây thơ) là cặp nhân vật thực hiện lý tưởng công bằng của Soseki. Nhân vật nhân nghĩa, anh hùng, trừ gian là kiểu nhân vật cá nhân thường thấy trong văn học Đông Á thời cận kim. Điều này xuất phát từ ý thức gìn giữ và lo sợ trước những giá
77
trị tốt đẹp của đạo đức truyền thống đang dần suy vi trước sự thâm nhập mạnh mẽ của văn minh phương Tây. Cậu ấm và Nhím mang tinh thần Samurai: nóng nảy, dứt khoát, dám làm dám chịu, coi trọng danh dự của mình hơn tất thảy. Họ hiểu lầm nhau, sát cánh bên nhau cũng bắt nguồn từ tinh thần samurai này. Khi là hai cá nhân riêng rẽ, họ bị lung lạc và chưa dám phản kháng mạnh mẽ, khi tìm thấy được đồng minh, người chung chí hướng, họ mạnh dạn dạy cho Áo Đỏ-trí thức nham hiểm bài học làm người, họ trả đũa hắn để lấy lại danh dự của mình. Nếu không gặp nhau, Cậu ấm và Nhím đã không thể thực hiện lý tưởng công bằng xã hội.
Họa sĩ và nàng Nami (Gối đầu lên cỏ) là cặp đôi nhân vật của sự gìn giữ nghệ thuật. Soseki tin rằng nghệ thuật là sự nhất trí giữa “cái tôi” của người sáng tác và “cái tôi” của người thưởng thức, nhưng khi tự do cá nhân phát triển quá mức sẽ đẩy hai “cái tôi” đó xa nhau, nghệ thuật không còn tồn tại nữa. Mối quan hệ giữa chàng họa sĩ và nàng Nami là mối quan hệ gìn giữ nghệ thuật, bởi chàng họa sĩ vẽ được bức tranh hằng mong mỏi khi tiếp xúc lâu dài với Nami. Chỉ chàng họa sĩ mới hiểu được sự thiếu sót aware ở cô gái, và chỉ mình chàng họa sĩ mới đủ sáng suốt để nhận biết Nami không phải là người kì dị, quá khích. Nàng biết sống thoát tục ngay giữa cõi đời. Chàng họa sĩ và nàng Nami là sự nhất trí giữa “cái tôi” của nhà sáng tác và “cái tôi” của người thưởng thức; “Vì thế, tôi đã nhìn thấy ở cô ấy một vẻ gì như là sự khát khao nương tựa, ẩn trong cái vẻ ngoài khinh bạc thế kia. Đằng sau sự nổi loạn ẩn chứa một vẻ sâu lắng dịu dàng. Bên trong sự nỗ lực để thể hiện tài năng và khí phách vượt cả hơn trăm người đàn ông là dòng chảy âm thầm của những đam mê trong sáng.” [38, tr.61-62] Gương mặt nàng Nami gợi lên sự khát khao nương tựa và đồng cảm. Chính vì vậy chàng họa sĩ cảm nhận giữa mình và cô gái có một mối lương duyên kì lạ dù mong manh nhưng khó đứt. Gối đầu lên cỏkhông đưa đến một câu chuyện tình, nó đưa đến sự gắn bó giữa “cái tôi” nghệ sĩ và “cái tôi” người thưởng thức. Chàng họa sĩ và nàng Nami luân phiên hoán đổi vai trò. Nami lúc như một nghệ sĩ trình diễn hình ảnh, hình ảnh giúp chàng họa sĩ đọc được tâm hồn cô gái, giúp chàng vẽ bức tranh ám ảnh trong tâm trí nhưng có lúc Nami chính là người thưởng thức bức tranh của chàng họa sĩ, bức tranh trong trí tưởng tượng đó được thể hiện qua những bài thơ.
Cặp đôi nhân vật còn được Soseki mở rộng biên độ ở nội hàm: thế hệ trước-thế hệ sau hay ứng xử theo truyền thống-ứng xử theo hiện đại hiện đại (nhằm cảnh tỉnh thế hệ trẻ)
78
trong giai đoạn sáng tác chuyên nghiệp tiêu biểu như cặp nhân vật Tiên sinh-Tôi, Tiên sinh- Cha mẹ tôi trong Nỗi lòng (Kokoro).
Cách xây dựng nhân vật của Soseki cho thấy một cái nhìn thận trọng trước thời cuộc (kể cả nhân vật Cậu ấm dù nông nổi nhưng hành động chống trả quy mô lớn của anh ta cũng cần một quân sư như Nhím thăm dò và chuẩn bị kế hoạch). Cặp đôi nhân vật minh chứng con người cá nhân của Soseki vẫn bị ràng buộc trong ý thức nhóm. Cặp đôi nhân vật thể hiển bản chất con người cá nhân trong tác phẩm của Soseki: khác xa hoàn toàn phương Tây, con người cá nhân không tìm cách vượt trội, tạo sự khác biệt với cộng đồng, con người cá nhân trong tác phẩm của Soseki luôn muốn tìm về bản chất đúng nghĩa của nó, bản chất đã bị che khuất bởi ràng buộc của nhóm và nền văn minh đang phát triển méo mó.