Cá nhân cô đơn giữa tình thân

Một phần của tài liệu vấn đề con người cá nhân trong các sáng tác thời kì đầu của natsume soseki (Trang 30)

6. Bố cục của luận văn

2.1.1 Cá nhân cô đơn giữa tình thân

Lối ứng xử theo cộng đồng đều có cả ở Đông- Tây nhưng ở phương Đông nó mang nặng tính thống thuộc một cách tự nguyện. Ở Nhật Bản, hãy xem nhóm của anh ta sẽ biết anh ta là người như thế nào. Nhân vật trong tác phẩm của Soseki rất đặc biệt bởi không thể đoán biết nhân vật trong nhóm của họ. Khái niệm nhóm và cá nhân thuộc về nhóm trong tác phẩm của Soseki có chiều kích phức tạp hơn.

Với người Nhật, tất yếu ai cũng có một nhóm cụ thể, người thân trong gia đình là nhóm thân thiết nhất.Soseki miêu tả những con người cô đơn ngay chính trong những mối quan hệ thân thiết nhất. Ông đi từ cấp độ gần gũi nhất đến xa nhất của nhân vật trong nhóm và đi theo chiều ngược lại của thước đo tình cảm: càng thân thiết càng lạnh nhạt, càng xa lạ càng tin tưởng. (Người viết nhấn mạnh). Trong mối quan hệ gia đình, những nhân vật của

29

Soseki đều không tìm được sự chia sẻ. Ngay cả vợ chồng đầu gối tay ấp cũng dấy lên sự hoang mang về sự gắn kết tình thân đang vụn vỡ. Tình yêu trong tác phẩm của Soseki thường bị bóp méo và miêu tả với giọng điệu châm biếm. Tình yêu, tình nghĩa vợ chồng không có sự thấu hiểu và đồng cảm.

Ông giáo Kushami trong Tôi là con mèolà điển hình cho người đàn ông ghét vợ, ông ta luôn càu nhàu và châm chọc vợ mình, luôn thao thao bất tuyệt những điều bà vợ không biết. Ông ta ngồi điềm nhiên trong khi người vợ cuống quýt hỏi bạn ông cái tên ông chồng vừa gọi châm biếm mình có nghĩa là gì? Là hình ảnh hài hước và xót xa. Họ sống mà không quan tâm nhau, từ cái thắt lưng đến cái áo khoác lụa Haori, chỉ đến khi nhà bị mất trộm, đối phương mới biết người đầu gối tay ấp của mình có trang phục như thế nào. Cô gái Nami và người chồng trong Gối đầu lên cỏ tồn tại như hai người quen biết lâu ngày, họ không hiểu gì về nhau và quan hệ vợ chồng của họ rất mong manh. Tình cảm vợ chồng trong những tác phẩm của Soseki nổi bật cảnh “đồng sàng dị mộng”, càng trăn trở, càng muốn biết họ lại càng không biết gì về nhau. Tác phẩm sáng tác trong giai đoạn chuyên nghiệp: Nỗi lòng

(Kokoro) miêu tả một người vợ đến tội nghiệp, nếu nói rằng Tiên sinh là một người đàn ông yêu vợ hẳn đó là một tình yêu méo mó, người vợ chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Bà không thể bước vào “thế giới” của ông, bà bất lực và quay quắt trong ý nghĩ dằn vặt cả đời rằng mình là nguyên nhân của nỗi buồn dai dẳng trong ông, là một phần của xã hội mà ông vô cùng căm ghét.

Những tác phẩm của Soseki khiến độc giả thấy nhói lòng về mối quan hệ gia đình lỏng lẻo, chông chênh… Trong gia đình, cậu ấm (Cậu ấm ngây thơ) là một cái gai, mẹ đuổi cậu đi đến ở nhà bà con, không muốn gặp mặt cho tận đến lúc lâm chung; cậu bị ông bố xem là người vô tích sự, không bao giờ gần gũi. Quan hệ giữa cậu với anh là tranh giành, đánh nhau…Khi cha mất, mối dây liên hệ duy nhất giữa hai anh em cũng không còn nữa, họ giải quyết mối quan hệ bằng việc chia tiền và đường ai nấy đi “kể từ đó tôi không gặp anh nữa” [34, tr.28] Câu nói này được lặp lại cuối tác phẩm, là cái kết của mối quan hệ giữa cậu ấm và Nhím (Sau khi trừng trị Áo Đỏ và Hề Trống, cậu ấm và Nhím chia tay nhau: “Tôi chưa có dịp gặp lại hắn lần nào” [34, tr.234]. Trong cuộc đời mình, cậu ấm “lỗi hẹn” với mọi mối quan hệ thân thiết, cho đến cuối cùng bà Kiyo-người quan tâm cậu cũng không ở bên cậu lâu dài.

30

Ông giáo Kushami (Tôi là con mèo) có rất nhiều bạn bè, phòng khách của ông không bao giờ vắng tiếng người. Meitei và Kanghetsu là những người thường xuyên lui tới nhất, một người là bạn thân nhất, một người là học trò ông ưng ý nhất nhưng ngay cả những câu nói đùa của Meitei ông cũng không nhận ra; Kangetsu có vợ lúc nào ông cũng không hay biết. Phòng khách của ông giáo là nơi họp mặt của những trí thức nhàn rỗi để họ tạo dựng mối quan hệ. Ngoài ra, giữa họ không có sự gắn bó thân thiết nào khác. Những trí thức trong tác phẩm của Soseki là những người nhàn rỗi và tỏ ra nhàn rỗi, họ không muốn tham gia vào thế sự. Anh Kanghetsu (Tôi là con mèo) luôn bận bịu về luận án tiến sĩ với đề tài về lực học, treo cổ (những đề tài như những câu chuyện phiếm) và mục đích làm luận án tiến sĩ là được cưới tiểu thư giàu có. Chàng họa sĩ (Gối đầu lên cỏ) nhàn nhã buồn tình tìm đến nơi thôn dã. Cậu ấm (Cậu ấm ngây thơ) không bận rộn với việc giảng dạy mà rất nhàn rỗi quan sát người khác…Kiểu nhân vật trí thức này được Soseki miêu tả khá tinh tế, thay vì phải cống hiến cho đất nước, họ thu mình lại, không quan tâm tới quốc gia đại sự, họ lặng lẽ với thế giới riêng của mình.

Thật khó để tìm kiếm tình bạn đích thực trong tác phẩm Soseki, bề ngoài họ rất hợp nhau, cùng chung chí hướng mỉa mai xã hội nhưng về thực chất họ không hề có bạn, họ là những người thấy người khác na ná giống mình và tìm đến (nhận thức này dựa trên ý thức nhóm, họ cho rằng mình thuộc về nhóm đó và cảm thấy cần phải sinh hoạt trong nhóm đó, các cá nhân tồn tại như những mảnh ghép không vừa vặn). Cậu ấm và Nhím (Cậu ấm ngây thơ) là những người cùng chung chí hướng trả đũa Áo Đỏ, họ tạm thời sát cánh bên nhau, họ cảm thấy cô độc khi không có chiến hữu, Nhím không dám phản kháng cho đến khi cậu ấm xuất hiện, cậu ấm không biết trả đũa Áo Đỏ thế nào nếu không có Nhím. Cùng đi trên một con đường ngắn và khi đạt được mục đích, họ tách ra, không gặp lại nhau nữa.

Ông giáo Kushami xem Kangetsu là học trò ưng ý nhất của mình nhưng cũng không hiểu hết về anh ta, không biết anh ta kết hôn khi nào, ông giáo thờ ơ với học trò khi đến nhờ ông giúp đỡ. Mối quan hệ thầy trò vốn thiêng liêng trong truyền thống nhưng dưới ngòi bút của Soseki hiện lên thật méo mó. Nếu tinh ý với những sự việc gây phiền toái cho ông giáo Hắt hơi (Tôi là con mèo) thì nguyên nhân đều bắt nguồn từ mối quan hệ thầy trò, điều này gây sự ảo não vô cùng cho ông giáo Kushami. Mối quan hệ nảy lửa giữa cậu ấm và học trò (Cậu ấm ngây thơ) là sự phản ánh sinh động nền giáo dục còn nhiều bất cập.

31

Truyền thống ứng xử của người Nhật được chia thành Bên trongBên ngoài. Bước ra ngoài ranh giới Bên trong là một thái độ ứng xử hoàn toàn khác trong không gian Bên ngoài. Nếu nói: “Hắn ta tốt bên ngoài nhưng xấu bên trong” theo cách hiểu của người Nhật, tức là là cách nói chê bai người đó vì tính ích kỉ và cư xử khó khăn với người trong nhà, trong khi các mối quan hệ bên ngoài của anh ta lại được coi là dễ chịu và đáng trọng, điều này được minh chứng rõ ràng qua hình tượng ông giáo Kushami (Tôi là con mèo). Ông ta coi vợ như một người đáng ghét, luôn chê bai, không muốn nói chuyện nhưng ông ta sẵn sàng ngồi liền hàng giờ để nghe câu chuyện phiếm của ông bạn Meitei dù hay cằn nhằn ông bạn mình, ông quan tâm đến học trò Kangetsu của mình hơn là để mắt đến ba cô con gái nhỏ… Trong tác phẩm của Soseki, mối quan hệ giữa gia đình và xã hội thường rất trái ngược nhau.

Một phần của tài liệu vấn đề con người cá nhân trong các sáng tác thời kì đầu của natsume soseki (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)