6. Bố cục của luận văn
2.4. Cái Tôi và sự bình tâm
Cái Tôi tìm đến sự bình tâm trong tâm hồn là nét độc đáo trong tâm lý con người cá nhân trong văn học Nhật Bản. Trước thời cuộc nhiều biến động, con người luôn tìm cách quay về “thế giới bên trong”, gỡ rối từ thế giới nội tâm sâu sắc. Giải quyết mọi âu sầu ảo não từ trong tâm trí của mình là hướng đi của Soseki trước những khó khăn từ hiện thực bên ngoài: “Khi cảm thấy khó sống quá thì người ta thích tìm đến nơi nào dễ chịu. Và khi nhận ra rằng chẳng có nơi nào dễ sống thì người ta làm thơ, vẽ tranh.” [37, tr.11] Nhân vật của Soseki rất chú ý đến sự thanh thản của tâm hồn, họ không muốn bận tâm đến cuộc sống xô bồ; họ muốn tìm đến những nơi chốn yên tĩnh, nhàn nhã, những thú vui đời thường; họ trốn tránh thế sự, không quan tâm đến tình hình thực tế. Tác phẩm Gối đầu lên cỏ trong bản tiếng Anh có tựa đề là The three concerned world (Thế giới ba góc) chúng tôi cho rằng tựa đề này đã nắm bắt được chủ ý của Soseki, ông đã xây dựng một thế giới bị vạt mất một góc (của những nhận thức bình thường), thế giới của những cá nhân trong Gối đầu lên cỏ là một thế giới an toàn, thế giới của nghệ thuật truyền thống và sự tĩnh tâm của Thiền. Những triết lý về cuộc sống và nghệ thuật trong tác phẩm của Natsume Soseki thực chất là sự tìm kiếm giá trị thẩm mĩ đích thực và sự bình tâm trong tâm hồn.
53
Soseki viết về nghệ thuật với thái độ trân trọng, gìn giữ và cả sự lo sợ nếu cá nhân phát triển quá mạnh thì nghệ thuật sẽ khó tồn tại. Ngay từ tác phẩm Tôi là con mèo, Soseki đã e ngại sự phát triển quá mức của “cá tính” kéo theo đó là sự phát triển “tự do cá nhân” của con người, nếu xem nghệ thuật là sự nhất trí giữa “cái tôi” của nhà sáng tác và “cái tôi” của người thưởng thức thì sự phát triển tự do cá nhân quá mức sẽ đẩy hai “cái tôi” đó xa nhau, nghệ thuật không còn tồn tại nữa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Nam Trân nhận định rằng Soseki tìm đến tiểu thuyết để thoát khỏi tâm trạng u uất. Với Gối đầu lên cỏ (Kushamakura), Soseki muốn tìm về cái đẹp của một thế giới vượt hẳn chúng nhân, với Cậu ấm ngây thơ (Botchan) và Gió mùa thu
(Nowaki), ông đề cao lý tưởng công bằng xã hội. Trong lời giới thiệu cuốn Cậm ấm ngây thơ, dịch giả Bùi Thị Loan đã cung cấp một tư liệu quý giá về cuộc đời của Soseki, vốn đã suy nhược thần kinh, khi dạy học tại đại học Tokyo, những lý luận văn học Anh của ông bị sinh viên phản đối kịch liệt, bệnh của ông trầm trọng hơn. Theo lời khuyên của Takahama Kyoshi-chủ bút tạp chí “Chim tử quy”, Soseki sáng tác tiểu thuyết để thư giãn tinh thần. Truyện Tôi là con mèo ra đời được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt và nhờ đó bệnh tình của ông thuyên giảm. Soseki quyết định theo con đường viết văn chuyên nghiệp. Qua câu chuyện này chúng ta có thể thấy dư luận có vai trò rất quan trọng đối với ông. Soseki viết như để giải tỏa những ẩn ức.
Những nhân vật của Soseki trong vòng kiềm tỏa của xã hội, bế tắc không tìm được lối ra đã tìm đến những giải pháp xoa dịu tâm hồn, những nhân vật ấy là sự thể nghiệm của chính Soseki. Chính điều này là cơ sở cho nhân vật con người cá nhân của Soseki mang hai bản chất: tiếng nói riêng giữa xã hội nhóm và tiếng nói cá tính trong nghệ thuật (Người viết nhấn mạnh): “Cái sầu “vạn cổ” của thi nhân có lẽ chỉ là một chút phiền muộn trong cốc rượu của người đời. Như vậy so với người bình thường thì thi nhân phải chịu đựng nhiều hơn, vì thần kinh của họ nhạy cảm hơn gấp mấy lần. Họ có những thú vui thanh cao vượt lên trên dục vọng tầm thường, nhưng cũng có những nỗi buồn đau vô hạn. Vậy thì phải là người suy tưởng mới có thể trở thành thi nhân.” [37, tr.17]