Thực trạng giáo dục thời kì Minh Trị và sự phản ứng

Một phần của tài liệu vấn đề con người cá nhân trong các sáng tác thời kì đầu của natsume soseki (Trang 52)

6. Bố cục của luận văn

2.3.3.Thực trạng giáo dục thời kì Minh Trị và sự phản ứng

Trở lại với Khuyến họccủa Fukuzawa Yukichi, ông đã chỉ rõ bệnh của tập quán nguy hiểm qua quan niệm sai lầm đã tồn tại bao đời về mục tiêu, ý nghĩa của hoạt động học tập, mọi người đều quan niệm học để làm quan chứ không ai học để làm dân, quyền lực là tuyệt đối vì vậy ai cũng muốn leo lên làm quan. Fukuzawa khẳng định rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, và sự bất bình đẳng nảy sinh chỉ vì sự khác biệt về trình độ học vấn. Ông cho rằng nền học thuật Nhật Bản phải chú trọng “thực học” (Jitsugaku) tức không tách rời thực tế, dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần thực dụng, tính độc lập và ông cho rằng tinh thần độc lập ở mỗi người dân là điều căn bản tối thiểu cho một nước độc lập và tiến bộ. Theo Fukuzawa, do ảnh hưởng của nền giáo dục Khổng giáo quá chú trọng “hư học” (Kyogaku) nên phương Đông chậm tiến trong thời cận đại. Chính lối giáo dục này đã tạo ra một xã hội chuộng bằng cấp, người có địa vị cao nghiễm nhiên có tất cả quyền hành và quyền lợi. Trong Cậu ấm ngây thơ, Lửng (hiệu trưởng) và Áo đỏ (hiệu phó) được miễn trực đêm vì là người có chức quyền, Cậu ấm cảm thấy vô cùng bất công, anh ta cho rằng họ đã dạy ít, lương cao giờ còn miễn trực đêm. Nhưng đó là điều ai cũng chấp nhận như một chân lý nên một mình sự bất bình của Cậu ấm cũng chẳng giải quyết được điều gì. Nhím đọc cho Cậu ấm một câu đúc kết “Might is right” (chân lý thuộc về kẻ mạnh) [34, tr.66]. Độc giả ấn tượng Cậu ấm ngây thơ bởi cách tính toán tiền lương chi li cho từng vị trí giáo viên, quyền hành mà họ được hưởng, và chính những điều kiện đó chi phối và quyết định tính cách của họ. Ông hiệu trưởng với biệt danh là Lửng nắm quyền hành, cách nói chuyện lươn lẹo, khôn ngoan, lúc nào cũng muốn điều khiển người khác theo ý của mình.

Cách đào tạo học sinh trong Cậu ấm ngây thơ phơi bày một nền giáo dục đáng báo động, học trò trêu chọc và hỗn láo với thầy giáo nhưng nhà trường không dám trách phạt

51

học sinh vi phạm nội quy. Những học trò Lạc Vân Quán (Tôi là con mèo) để người khác giật dây, quấy phá nhà hàng xóm sát cạnh trường bằng những trò du đãng và lì lợm không khác gì những kẻ vô học, lạ một điều là những thầy giáo của Lạc Vân Quán vẫn để những chuyện đáng xấu hổ đó diễn ra dù đã được nạn nhân nhắc nhở. Những “ung nhọt” trong nền giáo dục đều tập trung trong tác phẩm Cậu ấm ngây thơ, Áo Đỏ đường đường là hiệu phó nhưng lại là một người tha hóa về nhân cách, một kẻ hai mặt, xúi bẩy học trò hãm hại thầy giáo, theo đuổi vợ của đồng nghiệp, sống đạo đức giả nhưng lại cấm đoán người khác thỏa mãn nhu cầu của mình:

Giáo viên trung học vốn dĩ thuộc tầng lớp có địa vị cao trong xã hội. Vì thế cho nên không chỉ đi tìm những thú vui vật chất tầm thường. Nếu cứ lao vào những chỗ đó thì phẩm cách con người cũng bị tiêm nhiễm những cái xấu, trở nên tầm thường. Nhưng có điều, chúng ta là những con người. Là con người mà về cái nơi thôn quê hẻo lánh này, nếu không có một sở thích nào thì kể cũng khó. Phải chăng ta nên đi câu cá, tìm đọc những sách văn học, hay làm thơ…nghĩa là đi tìm một sự thú vui về tinh thần cao thượng nào đó.” [34, tr.126-127]

Soseki đã xây dựng những giáo viên nhấn mạnh ở khía cạnh đời thường, ông không xoáy sâu vào chuyên môn hay hình ảnh khuôn mẫu của họ ở trường, nhưng dụng công miêu tả kĩ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là mặt xấu của họ và bằng cách đó chân dung của những học sinh (sản phẩm đào tạo của những giáo viên như thế) hiện lên qua những hành động vô học mà chẳng cần gia công miêu tả nhiều: Chi tiết ăn mừng nước Nhật thắng trận trong Cậu ấm ngây thơ thực chất là chi tiết mỉa mai, trong không khí tự hào khi quốc gia chiến thắng thì học sinh hai trường (những con người được đào tạo dưới chính sách giáo dục của nhà nước đó) đang ẩu đả, nó như một chiến trường thu nhỏ, mô phỏng lại cuộc chiến tranh mà nước Nhật vừa thắng trận. Học trò trong tác phẩm của Soseki là những người không xứng đáng ngồi trên ghế nhà trường. Từ Tôi là con mèođến Cậu ấm ngây thơ

những học sinh hiện lên như những tên du đãng.

Hiện trạng của những cá nhân trong xã hội Nhật Bản thể hiện từ sự cô đơn của con người giữa nhóm xã hội đến những cá nhân đáng chê trách về lối sống và nhân cách chính là bản chất của con người cá nhân trong tác phẩm của Soseki. Những nhân vật cá nhân ông xây dựng nên chính là sự trình bày hậu quả của văn minh, chứ không phải là tiếng nói đòi quyền tự do như những tác phẩm viết về vấn đề con người cá nhân khác.

52

Con người cá nhân trong sáng tác giai đoạn đầu của Soseki là con người loay hoay giữa truyền thống và hiện đại, giữa mong muốn của bản thân và yêu cầu của xã hội, giữa ham muốn tự do và khao khát sự phụ thuộc, giữa phương Đông và phương Tây để tìm kiếm bản chất của chính mình. Một trong những thuộc tính quan trọng của vấn đề con người cá nhân là sự tự do, với người phương Đông, tự do được mang lại từ cảm giác cô đơn, đó là đường dây xuyên suốt của một mối quan hệ tất yếu, cô đơn mới tự chiêm nghiệm và phản tỉnh, và tự do phụ thuộc rất nhiều vào sự tự phản tỉnh. Vì vậy khi xã hội càng náo loạn và bộn bề thì con người càng rơi vào cô đơn, đến tận cùng con người không còn tha thiết giữa đúng và sai, không còn nhu cầu giải quyết những vướng mắc, họ tìm đến một thế giới khác. Với người Nhật, càng đi xa chúng nhân và bụi trần, con người càng về gần với bản chất của mình, họ thực hiện quá trình chiêm nghiệm, phản tỉnh và đạt đến trạng thái tự giải thoát. Vì vậy Soseki đã tìm đến con đường giải thoát, giai đoạn đầu, con đường giải thoát của các nhân vật hay chính Soseki là nghệ thuật và tư tưởng triết học. Đây cũng là giai đoạn tuyên ngôn về nghệ thuật của ông.

Một phần của tài liệu vấn đề con người cá nhân trong các sáng tác thời kì đầu của natsume soseki (Trang 52)