Cá nhân sợ hãi trước dư luận xã hội

Một phần của tài liệu vấn đề con người cá nhân trong các sáng tác thời kì đầu của natsume soseki (Trang 40)

6. Bố cục của luận văn

2.2.2.Cá nhân sợ hãi trước dư luận xã hội

Soseki không chối bỏ quá trình hiện đại hóa nhưng không đồng tình trước một Nhật Bản “với tay” theo văn minh phương Tây. Ông đồng tình với sự khai hóa văn minh nảy sinh từ nhu cầu nội tại. Mâu thuẫn trong con người cá nhân theo quan điểm của Soseki là cá nhân tự cho mình là trung tâm, có thể sắp xếp cuộc sống của mình mà không biết rằng chính môi trường mới sắp xếp cuộc sống của họ. Vì vậy họ có tâm lý mâu thuẫn cho rằng mình không để ý đến người khác nói gì cứ làm theo ý mình nhưng lại u uất, dè chừng khi xã hội phản ứng xấu về họ.

Cậu ấm (Cậu ấm ngây thơ) qua những lời kể về chiến tích của mình, thoạt trông là một người không để ý gì đến việc người khác nhận xét gì về mình: “Những khi lên lớp thỉng thoảng gặp những trục trặc nhưng tôi chỉ thấy buồn lúc đó. Sau đó ba mươi phút là tôi quên hết. Tôi là một kẻ dẫu có muốn lo xa cái gì cũng không được. Hầu như tôi không để ý gì đến những thất bại trong giờ giảng của tôi đã ảnh hưởng thế nào đối với học sinh, hay đã làm cho ông hiệu trưởng và ông hiệu phó có nhận xét thế nào về mình.” [34, tr.56] nhưng thực chất anh ta rất để ý khi nhược điểm của mình bị phơi ra trước mặt mọi người: chi tiết bà Kiyô nói việc anh ta đái dầm ngày còn nhỏ trước mặt một người xa lạ như cháu bà Kiyô nhưng cậu ấm luôn suy nghĩ không biết anh ta nghĩ gì về mình. Nhân vật cậu ấm bề ngoài

39

tưởng như có những suy nghĩ mâu thuẫn, bị phê bình vì tự tiện bỏ trực trường đi tắm suối nước nóng anh ta chấp nhận vì thấy rằng như vậy đúng là vi phạm nội quy. Anh ta vốn bỏ ngoài tai lời răn đe và cả sự từ mặt của gia đình để thỏa mãn sở thích của mình nhưng lại bấm bụng từ bỏ sở thích ăn uống chỉ vì bị đồng nghiệp phê bình cười nhạo, cho rằng những tiệm mỳ, tiệm bánh bao là những nơi không nên lui tới, tổn hại đến địa vị cao quý của một giáo viên. Rõ ràng, một người nóng nảy, xem trời bằng vung như cậu ấm cũng kiêng nể tiếng nói của số đông.

Khảo sát những tác phẩm giai đoạn đầu của Soseki, chúng tôi nhận thấy ông ám ảnh bởi hình ảnh của những thám tử, đây có thể là hệ quả từ sự dè chừng dư luận xã hội, “thám tử” gây cảm giác không an toàn cho những nhân vật cá nhân của Soseki: “Tôi cảm thấy tất cả bọn học sinh trong trường đều là thám tử, chuyên môn theo dõi chỉ riêng có một mình tôi. Tôi thấy não cả ruột. Tôi không phải loại người vì bị học sinh nói này nói nọ mà từ bỏ những ý định hay những việc mình đã định làm. Nhưng cứ nghĩ là sao mình lại đi đến cái nơi khốn khổ, khỉ ho cò gáy, toàn một lũ ếch ngồi đáy giếng này, thì tôi lại thấy ngán ngẩm trong lòng.” [34, tr.65] Cậu ấm đã nói lên nỗi lòng u uất này khi mọi chuyện của mình đều được học sinh biết hết, rút kinh nghiệm từ lần đi ăn mì gặp học sinh, cậu ấm cẩn thận hơn khi ăn bánh bao gần xóm kỹ nữ dù chắc ăn rằng mình đã không gặp học sinh nhưng hôm sau lên lớp vẫn thấy dòng chữ “Hai dĩa bánh bao 7 xu”. Trong tác phẩm Tôi là con mèo,

Soseki đã dành hẳn chủ đề con người cá nhân để các trí thức nhàn rỗi bình luận và hình ảnh “thám tử” được ông giải thích rõ ràng hơn:

Những chữ như ‘ung dung” ‘thanh thản’ chỉ còn xác chữ chứ không còn nghĩa nữa, về điểm này con người thời nay mang tính chất ‘thám tử’. Mang tính chất kẻ trộm nữa. Thám tử là kẻ chuyên rình mò sơ hở của người khác để được việc cho mình, cho nên nếu không nhận thức cao về cá nhân mình thì không thể làm được. Kẻ trộm thì cũng luôn luôn không thoát khỏi nỗi ám ảnh liệu có bị phát giác, bị bắt không, nên cũng phải có ý thức cao về cá nhân. Con người ngày nay, khi ngủ, khi thức đều vắt óc suy nghĩ xem cái gì là lợi, cái gì là thiệt cho bản thân mình, nên cũng phải nâng cao ý thức về cá nhân, không thua kém thám tử hay kẻ trộm được. Suốt ngày đêm 24 trên 24 tiếng đồng hồ, lúc nào cũng lấm la lấm lét, thì thà thì thụt cho đến tận lúc xuống mồ cũng không được một phút giây thanh thản. Đó chính

là tâm trạng những con người thời nay. Đó là sự trù úm, nguyền rủa của văn minh đấy. Thật điên rồ!” [38, tr.547]

40

Không ai khác mà chính ông giáo Kushami là người đúc kết ra kinh nghiệm này, bởi ông bị người khác theo sát một cách công khai. Những lời ông giáo nói, những hành động của ông ta, những ai đến nhà ông ta đều được hàng xóm tường thuật vanh vách. Đó là người hàng xe hám lợi, nghe lời nhà tư sản Kaneda để ý ông giáo Kushami-cái gai trong mắt của ông ta. Bị kẻ khác rình mò là nguyên nhân gây nên chứng u uất của ông giáo, bị rình mò khiến con người cảm thấy mất tự do. Nhưng người rình mò lại thỏa mãn được nhu cầu cá nhân của mình: thỏa mãn sự tò mò và nắm bắt người khác trong tầm tay. Soseki đặc biệt căm ghét cảnh sát ông cho rằng họ cũng là những kẻ tọc mạch người khác, hình ảnh thám tử là hình ảnh thường thấy trong những tiểu thuyết giai đoạn đầu của Soseki. Hình ảnh này cùng không gian tù túng cho thấy hình tượng con người cá nhân phần nhiều không tự tin vào bản thân mình, luôn lo sợ, u uất. Đối với Soseki bị soi mói về con người cá nhân là điều kinh khủng nhất. Dưới ngòi bút của ông, xã hội thời Minh Trị đã đào tạo nên những con người mang tính chất thám tử, chuyên rình mò người khác.

Những nhân vật của Soseki rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”, họ cần phải hòa nhập vào không khí xã hội đang văn minh hóa từng ngày, nhưng lại cảm thấy không thể thích ứng được bầu không khí đó. Đứng lại, hay cư xử khác đi, họ trở thành đối tượng bị chê bai, bình phẩm. Kết lại thành sự u uất, cảm giác bơ vơ. Nỗi niềm này được phát triển xuyên suốt trong nền văn học Nhật Bản hiện đại, trở thành tình cảnh “thất lạc giữa cõi người”.

Một phần của tài liệu vấn đề con người cá nhân trong các sáng tác thời kì đầu của natsume soseki (Trang 40)