Cá nhân “không theo kịp” xã hội

Một phần của tài liệu vấn đề con người cá nhân trong các sáng tác thời kì đầu của natsume soseki (Trang 38)

6. Bố cục của luận văn

2.2.1.Cá nhân “không theo kịp” xã hội

Văn minh phương Tây đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của xã hội Nhật Bản. Những tòa nhà xây bằng gạch theo kiến trúc phương Tây mọc lên khắp Tokyo. Những người có địa vị được phân biệt qua Âu phục, chính quyền ban hành quy định Âu phục phải được dùng trong mọi nghi lễ chính thức. Đàn ông cắt tóc ngắn trở thành trào lưu, để cổ súy cho phong trào này có hẳn một bài hát phổ thông: Zangiri atama o tataite mireba, bunmei kaika no oto gasuru (Gõ vào đầu để tóc ngắn dội ra tiếng “văn minh khai hóa”)… (Theo Giáo sư Vĩnh Sính trong Nhật Bản cận đại ). Làn sóng Âu hóa lan tràn đến mức bất cứ cái gì của phương Tây đều được xem là sang trọng, “đúng mốt”. Nhìn vào bối cảnh xã hội như vậy, hẳn những người luôn mang nặng tinh thần dân tộc như Soseki không khỏi thấy “chướng tai gai mắt”. Ông giáo (Tôi là con mèo) cho rằng xã hội này là tập hợp những kẻ điên, anh Kangetsu suốt ngày xách cơm theo mài viên thủy tinh, ông Meitei nghĩ rằng mình sinh ra để đi trêu chọc, đùa bỡn thiên hạ, bản tính độc ác của mụ vợ nhà Kaneda, ông Kaneda phi bình thường, đám học trò Lạc Vân quán với sự phá phách làm loạn có thể làm tiêu tan cả thế giới:

Chỉ tính qua như vậy đã thấy khá đông bọn cùng loại, đã cảm thấy vững lòng một cách không ngờ rồi. Xã hội biết đâu chả là nơi tụ tập toàn những bọn điên với nhau. Chính cái gọi là xã hội, phải chăng là việc những thằng điên tụ tập lại, đâm chém, giằng xé nhau, chảnh chọe, chửi bới nhau, rồi tất cả gộp lại thành một tập thể, lúc tan rã, lúc thịnh vượng. Cứ thịnh vượng lên rồi lại tan rã đi như một tế bào, và cứ thế mà sống mà tồn tại? Trong cái xã hội đó, những kẻ ít nhiều biết lý lẽ, biết phải trái lại trở thành vướng, cho nên xã hội phải làm ra một cái gọi là “nhà thương điên” để nhốt họ vào đó. Nếu vậy thì chính những người bị nhốt trong nhà thương điên tối tăm kia mới là người bình thường, còn những bọn đang nhởn nhơ phá phách ngoài xã hội, trái lại mới đúng là những thằng điên.Những người điên bị cô lập một mình thì mãi mãi bị coi là điên. Nhưng nếu họ tụ tập nhau lại thành tập thể, thành tổ chức, có lực lượng, biết đâu lại trở thành là hoàn toàn lành mạnh cũng nên. Thiếu gì những trường hợp thằng điên nặng nhưng có tiền, có quyền, dùng tiền và quyền sai kiến những thằng điên nhẹ, hung hăng tàn bạo nhưng lại được người đời cho là tài giỏi đó thôi? Thật chẳng còn hiểu cái gì ra cái gì nữa!” [38, tr.434-435]

37

Chúng ta nhận thấy một nội hàm ý nghĩa mới trong quan niệm của Soseki về Nhóm, nhóm luôn luôn đúng, còn cá nhân với tiếng nói riêng của mình thì luôn luôn sai, mãi mãi bị vùi dập. Và hệ quả của nó đưa đến ranh giới mong manh giữa kẻ điên và người tỉnh, cái khác nhau giữa họ không phải là bản chất mà là lực lượng:

Bất bình cũng được. Có gì không vừa lòng, tức giận xong thì tâm trạng lại bình thường trở lại. Con người ta có nhiều loại, khuyên người khác hãy giống mình thì không thể giống được. Đũa mà không cầm giống người khác thì ăn cơm hơi khó. Nhưng bánh mỳ của mình, mình cứ bẻ tùy theo ý thích là tiện nhất. Đặt may bộ Kimono ở cửa hàng may khéo thì mặc vừa người, không may gặp phải cửa hàng dở thì ít nhiều phải gắng chịu mới được. Nhưng cuộc đời này rất kỳ diệu, bây giờ người ta mặc Âu phục nhiều vì nó hợp với phong cách người mặc. Nếu cha mẹ sinh ra mình khéo léo, phù hợp với thời thế thì hạnh phúc nhất. Nhưng nếu không may không hợp thời thế thì phải một là gắng chịu, hai là chịu cho đến khi hòa hợp được vào cuộc đời, ngoài ra không có cách nào khác cả.” [38, tr.384-385] Nhân vật của Soseki là những nhân vật còn nặng lòng với truyền thống đang loay hoay giữa guồng quay của hiện đại hóa. Nhân vật cậu ấm (Cậu ấm ngây thơ) là nhân vật rất đặc biệt của Soseki, trên nền chung về những cá nhân u uất lãnh đạm và “trơ lì” trước guồng quay của xã hội thì cậu ấm là một nhân vật “năng động” thực sự. Cậu ấm là đại diện cho tinh thần võ sĩ đạo: luôn nóng nảy, thẳng thắn, muốn làm gì phải làm cho bằng được, luôn ca ngợi những gia đình samurai (nhưng cái ngầm ý sâu xa của Soseki không chỉ dừng lại ở đó, samurai đại diện cho hệ thống ý thức lâu đời của Nhật Bản, đại diện cho quyền lãnh đạo của Nhật Bản, đại diện cho thái độ ứng xử trước làn sóng Âu hóa: vừa thỏa hiệp vừa đấu tranh). Những suy nghĩ của cậu ấm là những lời bình phẩm đanh thép về xã hội:

Ngẫm ở trên đời có những kẻ thì trâng tráo như Hề Trống, bất cứ chỗ nào, chẳng ai cần đến, hắn cũng giơ cái mặt ra, bắng nha bắng nhắng, lại có những kẻ vênh váo, mặt vắt trên vai theo kiểu “cái nước Nhật này mà không có tôi là không xong” như Nhím, rồi có những kẻ như Áo Đỏ tự đóng vai thành gã lái buôn, chuyên kinh doanh những mặt hàng làm đỏm, nước hoa, son phấn và trai lơ. Cũng có những ông Ta-nu-ki luôn mồm tuyên bố “ta đây chính là nền giáo dục biết đi, nền giáo dục khoác áo đuôi tôm”. Biết bao nhiêu loại người, biết bao nhiêu bộ mặt, ai cũng thấy mình oai mình giỏi. Vậy mà chỉ có anh Bí Đỏ này, chưa thấy ai hiền như anh. Anh hiền như một con búp bê mà người ta giữ để làm tin, hiền đến nỗi có anh mà cũng như không có”. [34, tr.143-144]

38

Chàng họa sĩ giữa không khí thoát tục cũng trăn trở về cuộc đời có quá nhiều kẻ gây phiền nhiễu: “Trên đời nhan nhản những kiểu người không ra gì. Cố chấp, độc địa, huênh hoang, khoác lác hay tủn mủn, keo kiệt. Đến nỗi người ta không hiểu được họ có mặt trên cõi đời này làm gì nữa. Nhưng số người như thế lại đông kinh khủng! Và họ cảm thấy vô cùng vinh dự khi hiện diện trong cõi phù sinh.” [37, tr.178]

Xã hội trong mắt những nhân vật của Soseki thật khó chấp nhận, nó đi ngược lại suy nghĩ và mong muốn của họ, những giá trị giả tạo, tầng lớp tư sản mới nổi mê đắm đồng tiền, thang giá trị mới đánh giá con người dựa trên năng lực cá nhân (không hề khách quan mà nhằm để phục vụ lợi ích của quốc gia). Con người cá nhân suy nghĩ và hành động theo cách riêng của mình, luôn chịu sự phê phán của người đời (như ông giáo Kushami, hay Cậu ấm, nàng Nami), không theo kịp xu hướng của xã hội hay nói chính xác hơn là họ“đứng lại trước guồng quay hiện đại hóa quá nhanh”, khi đứng lại, họ trở thành “con người bên lề” và xã hội quay lại chế nhạo họ.

Một phần của tài liệu vấn đề con người cá nhân trong các sáng tác thời kì đầu của natsume soseki (Trang 38)