Đổi mới phương pháp giảng dạy

Một phần của tài liệu thực trạng sự thích ứng với đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên trường cao đẳng sư phạm sóc trăng (Trang 27)

1.2.6.1. Khái niệm đổi mới

Theo Từ điển Tiếng Việt, năm 2008: “Đổi mới là thay đổi hoặc làm cho thay đổi tốt hơn, tiến bộ hơn so với trước, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển” [10]. Đổi mới là cải cách cái lỗi thời, cái cũ thay vào đó là thừa kế cái tốt và thêm cái mới hợp với thời đại mới. Đó là con đường tiến hóa của nền văn minh. Đổi mới không bao giờ là đủ cả, nó kéo dài theo chiều dài của lịch sử. Đó là kết luận của chủ nghĩa Mác Lê-nin về tính biện chứng của quá trình phát triển, về tính phản tương thích giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở xã hội cũng như sự đấu tranh thường xuyên giữa chúng để thúc đẩy tiến trình lịch sử đi lên.

Như vậy: Đổi mới là thay đổi, kế thừa cái cũ và tiếp thu những cái mới một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh để đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

1.2.6.2. Phương pháp giảng dạy

Thuật ngữ phương pháp (PP) bắt nguồn từ tiếng Hy lạp (methodos) có nghĩa là con đường đi đến mục đích. Theo đó, PP giảng dạy là con đường để đạt mục đích dạy học. PPgiảng dạy là cách thức hành động của GV và HS trong quá trình dạy học. Cách thức hành động bao giờ cũng diễn ra trong những hình thức cụ thể. Cách thức và hình thức

không tách nhau một cách độc lập. Cho đến nay không có sự thống nhất về định nghĩa PP giảng dạy. Sau đây là một số định nghĩa về PP giảng dạy:

Theo tác giả Nguyễn Văn Cường: PP giảng dạy là những hình thức và cách thức hoạt động của GV và HS trong những điều kiện dạy học xác định nhằm đạt mục đích dạy học.

PP giảng dạy là những hình thức và cách thức hoạt động của GV và HS trong những môi trường dạy học được chuẩn bị, nhằm đạt mục đích dạy học, phát triển các năng lực của cá nhân.

Tác giả I.Lecne (một chuyên gia nổi tiếng về lý luận dạy học của Liên Xô) thì cho rằng: “Phương pháp giảng dạy là một hệ thống tác động liên tục của giáo viên nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và thực hành của học sinh, để học sinh lĩnh hội vững chắc các thành phần của nội dung giáo dục nhằm đạt được mục tiêu đã định.”

Tác giả GS.TSKH. Thái Duy Tuyên có 3 định nghĩa về phương pháp giảng dạy: - Theo quan điểm điều khiển học: phương pháp là cách thức hoạt động nhận thức của học sinh và điều khiển hoạt động này.

- Theo quan điểm logic, phương pháp là những thủ thuật lôgic được sử dụng để giúp học sinh nắm kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo một cách tự giác.

- Theo bản chất của nội dung, phương pháp là sự vận động của nội dung dạy học. *Dấu hiệu đặc trưng của phương pháp giảng dạy:

- Nó phản ánh sự vận động của quá trình nhận thức của học sinh nhằm đạt được mục đích đặt ra.

- Phản ánh sự vận động của nội dung đã được nhà trường quy định. - Phản ánh cách thức trao đổi thông tin giữa thầy và trò.

- Phản ánh cách thức điều khiển hoạt động nhận thức: kích thích và xây dựng động cơ, tổ chức hoạt động nhận thức và kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động.

Theo GS. TS. Phạm Viết Vượng, phương pháp giảng dạy là tổng hợp các cách thức hoạt động phối hợp của giáo viên và học sinh, trong đó phương pháp dạy chỉ đạo phương pháp học, nhằm giúp học sinh chiếm lĩnh hệ thống kiến thức khoa học và hình thành kỹ năng, kỹ xảo thực hành sáng tạo. Theo ông, phương pháp giảng dạy có những đặc điểm:

- Phương pháp giảng dạy là phương pháp của hai chủ thể: phương pháp giảng dạy của giáo viên và phương pháp học tập của học sinh

- Phương pháp là cách thức làm việc của chủ thể nên chứa đựng những dấu ấn chủ quan. Phương pháp giảng dạy thể hiện trình độ nghiệp vụ sư phạm của giáo viên, nó khoa học trong nội dung, kỹ thuật trong thao tác, nghệ thuật trong thể hiện. Phương pháp dạy có hiệu quả khi thầy giáo ý thức được các quy luật khách quan: quy luật nhận thức của học sinh, quy luật phát triển của bản thân khoa học, để điều khiển trí tuệ người học theo nội dung nhận thức, tạo nên tính tích cực, sáng tạo trong học tập và rèn luyện của họ.

- Phương pháp giảng dạy luôn gắn chặt với mục đích dạy học. Phương pháp giảng dạy phục vụ cho mục đích môn học, bài học, giáo dục tính sáng tạo, lòng kiên trì, thúc đẩy sự hứng thú học tập của học sinh. Trong phương pháp giảng dạy chứa đựng yếu tố của phương pháp giáo dục. Mục đích giáo dưỡng, phát triển trí tuệ và giáo dục trong từng bài học chỉ dẫn việc lựa chọn phương pháp dạy và phương pháp học cho phù hợp.

- Việc dạy học bao giờ cùng thực hiện theo nội dung. Nắm vững kiến thức là mục đích học tập của học sinh. Nội dung giảng dạy quy định phương pháp giảng dạy. Mỗi môn học, mỗi bài học, mỗi đơn vị kiến thức, mỗi loại kỹ năng đòi hỏi những phương pháp dạy và học cụ thể.

- Phương pháp giảng dạy hiện đại cần có phương tiện kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, phương tiện là công cụ phục vụ cho phương pháp đạt tới kết quả cao. Lựa chọn và sử dụng một loại phương pháp gắn liền với việc lựa chọn và sử dụng một loại phương tiện . Theo yêu cầu của phương pháp mà tìm tòi , sản xuất các phương tiện dạy học thích hợp.

- Mỗi bài dạy sử dụng nhiều phương pháp, mỗi phương pháp bao gồm nhiều thao tác, cho nên dạy học bao giờ cũng là sự phối hợp một hệ nhiều phương pháp, với nhiều thao tác. Việc lựa chọn hợp lý và sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy đó chính là nghệ thuật sư phạm.

Ở đề tài này chúng tôi đồng ý với khái niệm phương pháp giảng dạy của tác giả Phạm Viết Vượng: phương pháp giảng dạy là tổng hợp các cách thức hoạt động phối hợp của giáo viên và học sinh, trong đó phương pháp dạy chỉ đạo phương pháp học,

nhằm giúp học sinh chiếm lĩnh hệ thống kiến thức khoa học và hình thành kỹ năng, kỹ xảo thực hành sáng tạo.

1.2.6.3. Đổi mới phương pháp giảng dạy

* Khái niệm đổi mới PPgiảng dạy

Đổi mới PP giảng dạy có thể hiểu là con đường tốt nhất để đạt chất lượng và hiệu quả dạy học cao. Đổi mới PP giảng dạy theo định hướng của đổi mới mục tiêu giáo dục hiện nay, về bản chất là sự đổi mới cách thức tổ chức dạy học theo quan điểm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh.

* Quan điểm về đổi mới PPgiảng dạy

Đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới PP giảng dạy nói riêng là quy luật phát triển tất yếu của thời đại và mỗi quốc gia trên bước đường phát triển xã hội, giáo dục và chính bản thân người làm công tác giáo dục, của GV và HS trong điều kiện mới. Đổi mới PP giảng dạy là thay đổi, kế thừa các PP giảng dạy truyền thống và tiếp thu những PP giảng dạy mới một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Đổi mới không phải thay cái cũ bằng cái mới. Nó là sự kế thừa, sử dụng một cách có chọn lọc và sáng tạo hệ thống PP giảng dạy truyền thống hiện còn có giá trị tích cực trong việc hình thành tri thức, rèn luyện kĩ năng, kinh nghiệm và phát triển thái độ tích cực đối với đời sống, chiếm lĩnh các giá trị xã hội. Đổi mới PP giảng dạy theo hướng khắc phục các phương pháp đã lạc hậu, truyền thụ một chiều, tăng cường sử dụng các phương tiện thiết bị giảng dạy tạo điều kiện cho người học hoạt động tích cực, độc lập và sáng tạo. Đổi mới PP giảng dạy là tăng cường vận dụng những thành tựu mới của khoa học, kĩ thuật, công nghệ thông tin có khả năng ứng dụng trong quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Đổi mới PP giảng dạy phải được tổ chức, chỉ đạo một cách có hệ thống, khoa học, đồng bộ, khả thi. Đổi mới PP giảng dạy phải thực sự góp phần nâng cao chất lượng dạy học [13].

Đổi mới PP giảng dạy đòi hỏi phải kiên quyết loại bỏ các PP giảng dạy lạc hậu, truyền thụ một chiều, HS thụ động trong học tập và mất dần khả năng sáng tạo vốn có của người học, khắc phục những chướng ngại vật về tâm lí, những thói quen cổ hủ ở cả người dạy và người học. Phải quyết tâm, mạnh dạn chiếm lĩnh những thành tựu mới của

khoa học kĩ thuật, ứng dụng sáng tạo khoa học kĩ thuật vào quá trình dạy học nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Đổi mới PP giảng dạy phải được tổ chức, chỉ đạo một cách có hệ thống, khoa học, đồng bộ, có tính khả thi; không được cầu toàn, thụ động, phải mạnh dạn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đổi mới PP giảng dạy phải thực sự góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Định hướng đổi mới PP giảng dạy theo hướng tiếp cận hệ thống quá trình dạy học đặt sự đổi mới PP giảng dạy trong mối quan hệ biện chứng với sự đổi mới mục tiêu, đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương tiện, kiểm tra đánh giá.Đổi mới PP giảng dạy theo định hướng của mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay, về bản chất là đổi mới cách thức tổ chức dạy học phát huy “tính tích cực, chủ động, sáng tạo” của học sinh. Đổi mới sao cho người học trở thành chủ thể thực sự tích cực, tự giác trong hoạt động của chính mình.

Để đổi mới PP giảng dạy thành công, cần phải đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ các thành tố, các bộ phận cấu thành của quá trình dạy học. Sự đổi mới cần bắt đầu ở việc lập kế hoạch, thiết kế và triển khai kế hoạch bài học ở trên lớp đến vận dụng linh hoạt, sáng tạo các PPDH, đa dạng hoá các PTDH, HTTCDH và cuối cùng là đánh giá kết quả dạy học [13].

Theo chúng tôi: Đổi mới phương pháp giảng dạy là đổi mới cách thức làm việc giữa giảng viên và sinh viên theo hướng phát huy vai trò chủ thể của sinh viên, đặt sinh viên vào vị trí trung tâm của quá trình dạy học, giúp sinh viên đạt được những mục tiêu

học tập bằng và trong các hoạt động của chính họ.

Hiện nay đổi mới phương pháp giảng dạy gắn liền với phương pháp giảng dạy tích cực. Đây là phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. "Tích cực" trong phương pháp giảng dạy được dùng với nghĩa là hoạt động, chủ động, trái nghĩa với không hoạt động, thụ động chứ không dùng theo nghĩa trái với tiêu cực.

Phương pháp giảng dạy tích cực hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy, tuy nhiên để

giảng dạy theo phương pháp tích cực thì giáo viên phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động.

Một phần của tài liệu thực trạng sự thích ứng với đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên trường cao đẳng sư phạm sóc trăng (Trang 27)