Từ sự phân tích các quan điểm về thích ứng, đặc biệt là quan điểm của trường phái TLH mác-xit và TLH nhận thức, có thể thấy sự thích ứng tâm lí của con người chịu sự tác động của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài cá nhân, trong đó có những yếu tố cơ bản:
Sự phát triển của cơ thể, của hệ thần kinh và vận động. Đây là điều kiện vật chất để cá nhân có thể tiếp nhận và thực hiện được những hành vi mới, thích ứng được với điều kiện sống và hoạt động mới.
Sự phát triển về mặt tâm lí, đặc biệt là mặt nhận thức, thái độ, KN, ý chí, tâm thế… Những cấu tạo tâm lí đã có là điều kiện tâm lí của sự thích ứng.
Hoạt động của cá nhân là yếu tố trực tiếp quyết định đến sự thích ứng tâm lí. Chỉ thông qua hoạt động, con người tiếp thu, lĩnh hội những nội dung, phương thức, các phẩm chất tâm lí và điều chỉnh chúng cho phù hợp với môi trường mới. Sự luyện tập hành vi mới trong hoạt động rất quan trọng vì hành vi thích ứng có tính khái quát, nó là
kết quả của quá trình luyện tập của cá nhân trong những tình huống giống nhau hoặc khác nhau nhưng có cùng bản chất. Hoạt động còn là động lực của sự thích ứng, nó đặt ra cho con người những yêu cầu mới, qua đó cá nhân có thể thực hiện hoạt động mới phù hợp.
Sự thích ứng tâm lí của cá nhân xảy ra trong quá trình tác động qua lại với người khác. Chính trong quá trình này cá nhân được chuyển giao và tiếp nhận những yêu cầu của hoạt động và môi trường, những phương thức của sự thích ứng.
Tính chủ thể và sự phối hợp hoạt động chung là một yếu tố quan trọng để cá nhân tiếp thu những phương thức hoạt động mới. Đặc biệt, việc tham gia hoạt động với tư cách là một chủ thể trong sự phối hợp chung của cộng đồng là điều kiện để lĩnh hội được mục đích, kế hoạch và khả năng tự điều khiển, điều chỉnh hành vi của bản thân.
Hoàn cảnh sống có ý nghĩa quyết định đến sự thích ứng tâm lí vì nó tác động đến quá trình này một cách toàn diện. Chính hoàn cảnh sống đặt cá nhân vào trước những điều kiện mới. Hoàn cảnh sống bao gồm môi trường, các quan hệ xã hội, hoàn cảnh của cá nhân… nó đặt ra những chuẩn mực, phương thức hành vi mà cá nhân phải có để thích ứng được với hoàn cảnh sống luôn thay đổi.
Giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong việc điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của cá nhân. Bởi giáo dục đặt ra mục đích, đưa con người vào tình huống phải thích ứng và tổ chức cho cá nhân hoạt động để lĩnh hội những phương thức hành vi mới.
Những yếu tố trên luôn có mối quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ với nhau để tạo ra động lực và phương thức của sự thích ứng tâm lí.