7. Kết cấu của luận văn
3.2.3. Giọng hài hước, hóm hỉnh
Văn phong Bùi Ngọc Tấn là sự trộn lẫn của nhiều giọng điệu, nhưng giọng chủ đạo vẫn là giọng hài hước, hóm hỉnh. Đây là một trong những giọng chính tạo âm hưởng riêng của văn chương ông. Ông cho rằng chất hài hước, hóm hỉnh là một trong những yếu tố không thể thiếu của tác phẩm văn học. Nếu một nhà văn mà không tạo được tiếng cười cho
103
người đọc thì đó chưa phải là nhà văn đích thực. Cùng quan điểm với ông có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, trong một bài phỏng vấn với nhà phê bình Thụy Khuê, ông cũng nhấn mạnh điều này, “văn chương cần có sự hài hước, nó là đạo đức của con người”. Giọng hài hước hóm hỉnh của Bùi Ngọc Tấn có nhiều nét đặc biệt riêng. Đó là cái hài toát lên từ hiện thực đầy những niềm đau. Cười đó, hài hước đó, nhưng rồi lại ẩn chứa những suy tư bên trong. Cái “cười ra nước mắt”, đầy thâm thúy. Giọng điệu này toát lên từ chính ông, một con người đầy lạc quan, sau những thăng trầm của cuộc sống, tưởng chừng như không thể bước đi tiếp trên đường đời. Ông vẫn mỉm cười nhẹ nhõm, như một người đã được tôi luyện từ những thương đau, và đã chai sạn, tâm cũng đã đạt đến cái đỉnh của sự thứ tha, lòng đầy thanh thản. Từ ngôn ngữ trong lời thoại của nhân vật, từ lời kể tự nhiên, từ những mẩu chuyện vui nhỏ nhặt… Bùi Ngọc Tấn đã làm cho văn ông toát lên một giọng điệu hài hước nhẹ nhàng, đầy hóm hỉnh.
Biển và chim bói cá là tiểu thuyết toát lên một giọng điệu hài hước, từ trang sách đầu
tiên, đến khi trang sách cuối cùng được gấp lại, người đọc thấy phảng phất một nụ cười đầy hóm hỉnh. Nụ cười lấp đầy những mệt nhọc, lo toan, những khó khăn vất vả của cuộc sống nơi biển cả. Giọng hài hước tạo nên trước hết từ những câu chuyện dí dỏm, lời ăn tiếng nói “thô ráp” của con người. Đó là những câu nói bông đùa của những thủy thủ dưới tàu. Những đoạn miêu tả về sự khao khát bản năng, những khoái cảm của con người. Có những đoạn văn, làm ta phải cười nhẹ, cười “rúc rích” một mình. Có thể nói một phần tạo nên giọng hài hước, hóm hỉnh trong tác phẩm là những câu nói “tục”, một đặc trưng của những con người vùng biển, quen ăn to nói lớn, quen thẳng tính, cái “thô tục” thuộc về bản năng. Tất cả những điều đó được nhà văn khai thác rất sâu, đưa vào trong trang viết một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Tự nó toát lên tiếng cười, mà ta chỉ có thể tìm thấy trong văn của Bùi Ngọc Tấn. Như: “Lên bờ đi. Các em Vũng Tàu hay lắm. Ki cóp làm gì. Vua Ngô ba sáu tấm vàng. Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì. Chú Chổm uống rượu tì tì. Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô” [50, 112]. Hay“Đám cán bộ chủ chốt của xí nghiệp ngồi tách ra một chỗ, ở những hàng ghế dưới cùng, chuyện rì rầm, thỉnh thoảng lại cười phá lên vì một chi tiết thù vị nào đó… giọng trưởng phòng đời sống đọc bài thơ… làm mọi người cười lăn lộn: Nói có người nghe. Đe có người sợ. Vợ có người chăm. Nằm có người bóp. Họp có người ghi…” [50, 69].
104
Chuyện kể năm 2000, một tác phẩm nhuốm màu “tù ngục”, nhưng không vì hiện thực
đầy đắng cay, mà nhân vật cho mình cái quyền quên đi sự hài hước. Ngược lại càng đau khổ, càng chán chường, con người lại càng mong ước tìm được tiếng cười, cố tạo ra niềm vui: “Như hôm chuyển trại từ Q.N lên đây, cùng Già Đô “hai ba nào” nhảy xuống đái, hắn bỗng nhiên nhìn thấy đồng bằng. Những bà mẹ ngồi ở vệ đường với quang gánh cải bắp. Những đứa bé cởi truồng thò cả chim chạy theo người lớn, vừa chạy vừa khóc trong tiếng vọng về của một phiên chợ gần đau đó. Hắn như tỉnh lại” [49, 64]. Giọng hài hước vẫn toát lên từ tác phẩm, từ những đoạn miêu tả niềm vui ngắn ngủi của một cuộc xử án đồng chí “chuột” vì đã gặm thức ăn của người tù, đến tiếng cười nhẹ mà sâu cay khi nhân vật nhận được món quà từ Lê Bá Di, “bãi phân trâu” đầy tình nghĩa. Niềm vui khi được bạn bao một bữa bún chả khi ra tù, nhưng đâu biết đó chính là “máu” bạn vừa bán để khoản đãi mình… Tất cả những điều đó được ông viết rất sâu, rất thật, rất tình người. Tiếng cười đầy thâm thúy, sâu cay, cười đó, nhưng rồi lại nghẹn ngào suy ngẫm. Thật vậy, trong bất cứ tình huống nào, có khi vào những tình huống đáng thương nhất, nghịch lý nhất, trái ngang nhất của cuộc đời, người đọc vẫn tìm thấy một nụ cười ẩn đằng sau trang văn ông. Vẫn thấy lòng mình nhẹ nhàng, ẩn chứa một niềm lạc quan, hi vọng. Cười để rồi hiểu, rồi thấm thía, rồi cảm thấy cay cú, cười rồi nhận ra mọi giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, mọi trái ngang của cuộc đời để có những đánh giá đúng đắn, cái nhìn sâu sắc về hiện thực.
Tiểu kết: Tóm lại, để làm rõ đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc
Tấn, ngoài bình diện phương thức và kĩ thuật tự sự, đã tìm hiểu ở chương hai, đến chương này, luận văn tiếp tục đi sâu khảo sát về cách sử dụng ngôn từ, và những giọng điệu chính trong tác phẩm của nhà văn, để có cái nhìn toàn diện hơn. Qua khảo sát ngôn từ trong tác phẩm, người viết kết luận được trong tác phẩm của ông có sự kết hợp tự nhiên giữa diễn ngôn của người kể chuyện và diễn ngôn của nhân vật, xen vào những thủ pháp “lạ hóa” ngôn từ đầy ý vị, cách đặt tên tác phẩm đầy dụng ý, lời ăn tiếng nói đậm chất “khẩu ngữ” tự nhiên của con người miền biển. Về giọng điệu văn chương truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn, có một giọng văn trầm buồn, giàu chất suy cảm, tác phẩm của ông nghiêng về ba giọng văn chủ đạo là giọng bình thản, lạnh lùng, ẩn chứa nhiều suy tư, giọng từng trải, chiêm nghiệm và giọng hài hước, hóm hỉnh.
105
KẾT LUẬN
Căn cứ kết quả khảo sát nghiên cứu ở các chương trên, người viết rút ra những kết luận sau đây về những đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn.
1.Hòa mình vào dòng chảy văn học sau 1975, một giai đoạn với nhiều chuyển biến mới trong tư tưởng và hình thức nghệ thuật, cùng với thế hệ các nhà văn khác, Bùi Ngọc Tấn đã đến với văn chương với tất cả lòng nhiệt thành, sự đam mê, khát khao được cống hiến của một người nghệ sĩ chân chính.
Sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, miền đất cảng gắn bó máu thịt với ông gần trọn kiếp người, mảnh đất cũng đã từng được ông đưa vào trang văn đầy trân trọng, yêu thương. Quá trình sáng tác của ông, được chia làm hai chặng chính: Từ năm 1954-1968 và từ 1990- nay. Bùi Ngọc Tấn sáng tác trên nhiều thể loại: hồi ký, phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết,… nhưng truyện ngắn và tiểu thuyết vẫn là hai thể loại chính, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Với hai tiểu thuyết nổi bật, Biển và chim bói cá (Giải thưởng của Hội nhà văn Pháp), Chuyện kể năm 2000, và tập truyện ngắn chọn lọc “Người ở cực bên kia”, tác phẩm của nhà văn dần chiếm một chỗ đứng trong lòng người đọc.
Về quan điểm sáng tác văn chương, ông rất chú trọng ở lòng nhân của người cầm bút, viết văn phải xuất phát từ lòng yêu thương con người. Ông không viết về những cái cao cả của cuộc đời, mà lặn sâu vào cái “nhếch nhác, lam lũ trần ai”, “văn chương của ông thuộc về những kẻ yếu, những người bất hạnh, những người đau khổ, những người ở tầng đáy, những người chịu đựng lịch sử”. Ông luôn nhìn con người với tất cả sự yêu thương, trân trọng nhất, ông phát hiện trong họ có những phẩm chất, những vẻ đẹp tâm hồn sáng ngời, phải nghiền ngẫm, phải có con mắt tinh đời mới có thể cảm nhận. Viết văn với ông còn là viết về những sự thật, ông tôn trọng sự thật, xem nó là cội rễ của văn chương, nếu một tác phẩm viết sai sự thật, xuyên tạc sự thật, thì đó là một tai họa. Chạm vào những sự thật hằng hữu của cuộc đời, Bùi Ngọc Tấn đã ghi lại một cách chân thực những trải nghiệm, những điều “ông thấy, ông nghe, ông nếm trải”, nhằm cố gắng lưu giữ lại một phần kí ức dân tộc. Với quan điểm nghệ thuật, nội dung tư tưởng luôn hướng về con người, nhà văn đã chọn cho tác phẩm một hình thức nghệ thuật nhất quán.
106
2. Phương thức và kĩ thuật tự sự trong truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn chủ yếu là phương thức dựng truyện “phi cốt truyện”, kiến tạo tình huống nghịch lý, bộc lộ tâm trạng, chú trọng vào kết cấu đơn tuyến và kết cấu dòng ý thức, khắc họa nhân vật những số phận bi kịch, kết hợp với lối trần thuật điềm tĩnh mà linh hoạt, đậm tính chủ thể.
Thống nhất với quan điểm nghệ thuật, nhà văn xây dựng cho tác phẩm một lớp vỏ hình thức nghệ thuật giản dị nhất. Đôi khi, người đọc có cảm giác như ông cố tình “bỏ mặc lớp vỏ bề ngoài”, cứ để câu chuyện tự tuôn trào, như những gì nó vốn có, chỉ cốt sao nói cho được thông điệp cần gửi gắm. Truyện của ông là những câu chuyện “rất đời”, mà cuộc đời thì không theo một logic, nó “ngổn ngang, hỗn đỗn”. Ông dùng kĩ thuật xen ngang vào cuộc đời, vào dòng tâm trạng, từ đó xây dựng cốt truyện xung quanh những diễn biến tâm lý, tâm trạng nhân vật. Truyện không mở đầu, không kết thúc, không có cốt truyện, nhưng cái hay là ở chỗ không gây sự nhàm chán, mà nhiều đột biến, bất ngờ, đầy hấp dẫn, lôi cuốn. Tình huống truyện được ông xây dựng bằng cách đưa nhân vật vào những va chạm bình thường của cuộc sống, tìm một cái cớ, nắm bắt những khoảnh khắc tâm trạng, mà ở đó tính cách của nhân vật hiện lên đậm đặc nhất, bộc lộ rõ những phần sâu kín trong tâm hồn. Ông tạo những tình huống tâm trạng, qua đó bộc lộ những bi kịch của con người. Tạo nên đặc trưng riêng trong những trang viết của nhà văn, một phần còn ở việc xây dựng một lối kết cấu đơn giản mà hiện đại. Truyện của ông giống như những tác phẩm tự truyện, tự thuật, phảng phất những trải nghiệm trong cuộc đời nhà văn. Chọn lối kết cấu đơn tuyến, ông để nhân vật tự kể lại những diễn biến đã xảy ra. Xoay quanh tâm lý nhân vật làm nền tảng xây dựng truyện – kết cấu dòng ý thức, là một kiểu kết cấu đặc biệt xuất hiện trong hầu hết truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn. Con người trong truyện ông, thường là con người tâm trạng, xuất phát từ con người này, mà truyện hiện lên với hàng loạt những câu chuyện, truyện lồng trong truyện, đan xen từ quá khứ đến hiện tại. Nhân vật hiện lên trong trang văn Bùi Ngọc Tấn là những con người với những số phận, những bi kịch khác nhau. Ông không đi sâu vào khắc họa ngoại hình, có chăng cũng chỉ là những nét phác thảo sơ lược, chủ đích của nhà văn là làm nền, để nhấn mạnh đến sự cô đơn, nhỏ bé, nỗi vất vả, lam lũ của nhân vật. Nhà văn chú trọng nhiều hơn ở việc miêu tả những hành vi kì dị, vô nghĩa lý, đi sâu vào bộc lộ những tâm lý hoang mang, dằn vặt. Khắc họa thật rõ, thật chi tiết những cử chỉ, hành vi lạ lùng của nhân vật, những con người bị bỏ rơi, những con người thuộc về một thế giới
107
khác. Nhân vật bế tắc, hoang mang trước cuộc sống hiện tại, một chuỗi những hồi ức đan xen quá khứ hiện tại.
Ông có lối trần thuật điềm tĩnh, mà linh hoạt. Chú trọng vào việc chọn ngôi kể thứ ba, cách dịch chuyển điểm nhìn hướng vào nội tâm nhân vật, sử dụng thành thạo kĩ thuật xử lý tăng tốc và trì hoãn, tạo mạch văn lên xuống, đầy lôi cuốn, bằng cách xen vào nhiều đoạn miêu tả, sử dụng những câu kể “cực ngắn”. Người kể chuyện thấp thoáng hình bóng của tác giả, tạo sự chân thành trong lời kể.
3. Trên bình diện hình thức ngôn từ và giọng điệu, Bùi Ngọc Tấn cũng có những khám riêng, độc đáo, sáng tạo.
Đóng góp của ông có lẽ ở sự mộc mạc, bình dị của câu chữ, một ngôn ngữ rất tự nhiên, hết sức đời thường. Truyện của nhà văn là một sự kết hợp đầy tự nhiên, hiệu quả giữa diễn ngôn của người kể chuyện và diễn ngôn của nhân vật, thêm vào đó là những thủ pháp lạ hóa ngôn từ đầy ý vị, ông hoàn toàn không “xuyên tạc” ngôn từ, mà được đúc kết từ những trải nghiệm, dường như nó không phải là “chữ”, mà là khái niệm sống. Bùi Ngọc Tấn rất chú trọng đến việc sử dụng câu từ trong việc đặt nhan đề tác phẩm. Tên nhan đề, luôn là những câu từ có ý nghĩa nhất, mang đầy dụng ý của nhà văn. Vùng đất hải cảng, với những con người miền biển ăn to, nói lớn được ông sáng tạo và đưa vào trang văn một cách tự nhiên, mang đầy tính “khẩu ngữ”, nhưng vẫn trong sáng, mực thước, mềm mại và đầy sang trọng.
Bùi Ngọc Tấn đã tạo được một giọng điệu riêng, không pha lẫn, không trùng với bất cứ nhà văn nào, một giọng điệu “rất Bùi Ngọc Tấn”: Một giọng văn bình thản, lạnh lùng, nhưng ẩn đằng sau đó là những suy tư, trăn trở của một tâm hồn luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với con người; một giọng văn từng trải, chiêm nghiệm của một con người trải đời, một con người đã từng đi qua, từng nếm trải, những đau khổ tột cùng nhất; một giọng văn hài hước, hóm hỉnh, nhưng thâm thúy, sâu cay. Đi qua những nỗi đau, những bất hạnh, người đọc vẫn luôn tìm thấy nơi văn ông một “nụ cười” nhẹ nhàng, một niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc đời.
4. Viết văn quả thật là một công việc rất khó khăn, con đường đi của nó đầy những chông gai, bất trắc. Nhưng dường như chính sự khắc nghiệt của cuộc đời lại giúp nhà văn
108
tạo ra được nhiều tác phẩm hay. Cũng giống như cây xương rồng, phải khắc nghiệt, nắng gió, mới nở hoa, khoe sắc. Bởi giá trị lớn nhất của ông, là cố gắng ghi lại và lưu giữ những gì thuộc về kí ức dân tộc. Và có lẽ viết văn, nghiệp văn đó chính là số phận của ông. Đã là số phận, là văn nghiệp, hẳn ông không thể chọn cho mình một con đường đi nào khác. Nhưng đó chính là tất cả những gì thuộc về con người ông, “viết văn để sống nhẹ hơn, làm mình tốt hơn lên”. Từ hệ thống tư tưởng, quan điểm nghệ thuật riêng, Bùi Ngọc Tấn đã xây dựng cho những đứa con tinh thần của ông một lớp vỏ nghệ thuật “giản dị”, giản dị như chính con người nhà văn. Không cầu kì, không trau chuốt, mộc mạc mà rất đỗi chân tình. Đó là tất cả những mong muốn, những ước vọng của ông với cuộc đời. Ông đã cống hiến hết mình, viết nên những tác phẩm đầy tính nhân văn, và mong tìm được một tiếng nói đồng cảm, tri ân. Và có lẽ ông đã đạt được điều đó.
109
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Thị Vàng Anh (2011), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
2. Lại Nguyên Ân (1986), “Khi quyền kể chuyện được trao cho nhân vật”, Văn Nghệ quân đội, (5).
3. Lại Nguyên Ân (2004), 150 Thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
4. Nguyễn Thành Ngọc Bảo (2008), Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Luận án Thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh. 5. Nguyễn Thị Bình (2012), Văn xuôi Việt Nam sau năm 1975, Nxb Đại học Sư phạm,
Hà Nội.
6. Đỗ Hữu Châu (2005), Tuyển tập Từ vựng Ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, Hà Nội.