Xử lý tăng tốc và trì hoãn

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết bùi ngọc tấn (Trang 76)

7. Kết cấu của luận văn

2.4.2.Xử lý tăng tốc và trì hoãn

Chúng tôi nhận thấy, sáng tạo của nhà văn còn bộc lộ ở cách thức xử lý tăng tốc và trì hoãn trong kĩ thuật trần thuật. Chính cách xử lý này tạo cho yếu tố trần thuật trong truyện Bùi Ngọc Tấn có những nét riêng, tạo một lối kể thủ thỉ, tâm tình khi nhẹ nhàng, sâu lắng, lúc lại dồn dập, gấp gáp, tăng tốc như kéo người đọc đuổi kịp theo “nhịp thở” của người kể chuyện. Cách xử lý này, gợi nhiều suy nghĩ nơi người đọc. Bùi Ngọc Tấn đã xen vào những đoạn tâm tình của nhân vật, những đoạn miêu tả về cảnh thiên nhiên, và cuộc sống con người, cách dồn nén về thời gian, làm mạch kể chùng lại, tạo một khoảng lặng. Ngược lại có đôi lúc ông lại dùng kĩ thuật tăng tốc, với việc dùng những lời kể với dung lượng ngôn từ ngắn, đôi lúc chỉ một từ tuôn trào liên tiếp, hay cách kể lướt, bỏ qua thời gian hiện tại.

Qua khảo sát, người viết khẳng định, nhà văn đã rất chú trọng vào kĩ thuật xử lý tăng tốc và trì hoãn trong trần thuật. Và một trong những cách nhà văn sử dụng trong kĩ thuật này, là việc tạo ra các câu kể ngắn, giảm thiểu ngôn từ đến mức tối đa để tạo một lối kể đặc trưng đôi lúc nhẹ nhàng, khi dồn dập, là một đặc trưng riêng trong kĩ thuật trần thuật của Bùi Ngọc Tấn. Từ một thống kê nhỏ trong 10 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, tần suất xuất hiện của những câu kể dạng này rất ít, mà thường là những câu văn dài, lặp lại đều đặn, tạo một sự nhất quán. Nhất là trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, đặc trưng của lối trần thuật thủ thỉ, tâm tình đặc chất Nam Bộ. Nhà văn nữ này thường rất ít

75

sử dụng những câu văn ngắn trong trần thuật. Số câu một từ: Hoàn toàn không sử dụng. Câu hai từ: Xuất hiện 11 lần. Câu ba từ: Xuất hiện 17 lần. Đến truyện Nguyễn Huy Thiệp, một cá tính văn chương có nhiều nét tương đồng với nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ngược lại với giọng nữ thủ thỉ, tâm tình đậm chất Nam Bộ Nguyễn Ngọc Tư, văn Nguyễn Huy Thiệp là cách kể đầy ẩn ý, nhiều tầng nghĩa, đôi khi tạo nên sự khó hiểu. Để đạt được dụng ý nghệ thuật trên, nhà văn dùng nhiều cách, xử lý tăng tốc và trì hoãn cũng là một kĩ thuật Nguyễn Huy Thiệp hay dùng trong quá trình trần thuật. Nhưng ông không lấy việc sử dụng những câu thuật ngắn làm yếu tố chính trong việc xử lý kĩ thuật này. Thống kê trong 10 truyện ngắn của ông, số lần sử dụng câu một từ: 3 lần, số lần sử dụng câu hai từ: 6 lần, số lần sử dụng câu ba từ: 21 lần. Trong khi đó, trong truyện Bùi Ngọc Tấn, kể cả tiểu thuyết và truyện ngắn. Việc sử dụng những câu từ ngắn đến mức tối đa, trở thành một đặc trưng riêng, một phần tạo nên nét riêng trong kĩ thuật trần thuật của ông. Xét trong 10 truyện ngắn, đã có tới 33 lần nhà văn sử dụng câu trần thuật chỉ có một từ, 84 lần sử dụng câu hai từ, và 100 lần sử dụng câu có ba từ. Vậy số lượng những câu trần thuật ngắn trong truyện Bùi Ngọc Tấn, so với Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Huy Thiệp, chiếm tỉ lệ rất lớn, hơn hẳn từ 5 đến 8 lần.

Bảng 2.4.2: Khảo sát số lần sử dụng câu ngắn trong diễn ngôn người kể chuyện qua 10

truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Huy Thiệp (Phụ lục 1)

Từ việc sử dụng những câu trần thuật ngắn, một phần nhà văn có thể co giãn mạch kể, khi tăng tốc với nhịp nhanh, mạnh, lúc trì hoãn với nhịp văn nhẹ nhàng, từ tốn. Ta hãy cùng xét những ví dụ sau đây:

Truyện ngắn Một ngày dài đằng đẵng, có đoạn viết:“Cánh cửa xe sập lại. Tiếng khóa cửa. Tối sầm... Lúc ấy mới biết bốn chung quanh là tường sắt. Hẹp. Rất hẹp” [48, 125]. Cách sử dụng liên tiếp những câu ngắn, làm không gian như hẹp lại, cách kể tăng tốc,

Tác giả Số lần xuất hiện câu một từ Số lần xuất hiện câu hai từ Số lần xuất hiện câu ba từ Bùi Ngọc Tấn 33 84 100 Nguyễn Ngọc Tư 0 11 17

76

dồn dập, càng làm thu nhỏ bốn bức tường sắt, giam hãm người tù trên chiếc xe chuyển trại. Hay chỉ với bốn câu ngắn đặt cạnh nhau liên tiếp, với nhịp kể tăng dần, nhà văn đã nói lên được nguồn gốc của những món ăn của bà cụ Mít, kèm theo đó là một ý nghĩa trân trọng biết ơn những ai có lòng thương người, thêm một chút chua chát với những kẻ tàn nhẫn, hắt hủi, xua đuổi những hoàn cảnh tội nghiệp như cụ. “Bà cụ ăn. Thế là từ đấy quen nhau... Thỉnh thoảng trên đường đi ăn xin, bà lại ghé qua chỗ chị. Bà móc trong bị ra cho chị khi là quả chuối, khi quả cam, lúc nắm xôi và kể lại lai lịch những món ăn sang trọng ấy của bà. Ai cho. Ai thương người. Ai xởi lởi. Ai xua đuổi” [48, 114].

Đôi khi nhà văn dùng những câu văn ngắn, kết hợp cách “kéo giãn” thời gian, làm cho thời gian trở thành một nỗi ám ảnh, làm cho con người ta “sợ” đến kinh hoàng. Bởi vậy, mà Dương, một anh tù có án tám năm, đã tù được bảy năm, chỉ còn một năm, nhưng anh lại không thể chịu thêm một ngày nào nữa. Anh đã trốn trại, và liệu anh có sống sót được không với quyết định này.“Ông lại đi. Ông nghĩ tới thằng Dương. Nó là sinh viên năm thứ tư, vào tù vì tội đánh nhau với thanh niên địa phương trường sơ tán. Án tám năm. Đã tù bảy năm. Chỉ còn một năm nữa. Mà không cố được. Đã vượt qua bảy năm. Rồi bỗng thấy không chịu đựng thêm mỗi một ngày. Thật là khó hiểu. Và ngu xuẩn. Chỉ vì nó mà bao nhiêu người phải khổ. Năm ngày đêm rồi. Không biết năm ngày vừa rồi nó sống bằng gì. Tý cơm nguội. Quả bí non...” [48, 43].

Nhịp đi của lời văn giống như nhịp thở, gấp gáp, dồn dập, hãy thử nghe đoạn đầu trong Chuyện kể năm 2000: “Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên. Thế rồi hắn quên. Dù lúc xảy ra sự việc, hắn tự bảo: mình sẽ nhớ suốt đời. Làm sao quên được những điều đáng nhớ như thế. Ðó là những niềm vui hiếm hoi. Là những sự đau khổ đến tê dại. Không. Không thể nào quên được. Thế mà hắn quên. Thỉnh thoảng hắn muốn ôn lại quá khứ. Hắn không sao nhớ được. Kinh nhất là những đau khổ tột cùng mà cũng quên luôn. Tất cả không hằn được một đường vào nếp nhăn đại não. Có lẽ những nếp nhăn ấy đã bị lấp đầy rồi. Nên nó nhoè. Nó mang máng. Não hắn cứ bị những nhát búa dội vào đều đặn, liên tục. Nó lì” [49, 3]. Cái chật hẹp, tù túng, hành động lặp đi lặp lại của con người trong chốn lao tù cũng đã hiện lên đầy tội nghiệp qua việc sử dụng liên tiếp những câu ngắn trong

Chuyện kể năm 2000:“Năm năm. Phải hiểu cái tốc độ năm năm vừa qua của hắn. Đó là

một năm xà lim và sáu tháng được ra buồng chung. Chỉ nằm một chỗ. Nằm trong một hộp bê-tông. Ngồi. Nằm. Đứng. Ngồi. Nằm. Đứng. Bắt rệp. Nhìn kiến tha cơm. Nói vọng sang

77

với Đỗ, người tử tù xà lim bên kia chờ ngày đem bắn. Không nhìn thấy trời. Chỉ có cảm giác trời qua những nan chớp chéo xuống ở mãi sát trần, có hàng song sắt to và dày. Không một sự xáo động nào của không khí. Suốt ngày nhờ nhờ, đục đục” [49, 74].

Có những đoạn, mạch văn như dừng hẳn lại, con tàu như chìm hẳn vào đêm, mọi vật chìm trong bóng tối, trong sự tĩnh lặng của biển cả. “Vạn Sơn. Đêm. Trăng chênh chếch. Chuông kéo lưới. Máy giảm tốc độ. Đèn tối lại. Quạt chạy chậm lại…” [50, 264].

Khác với truyện ngắn về dung lượng ngôn từ, tiểu thuyết với một số lượng ngôn từ lớn, cho phép nhà văn đôi lúc có thể xen vào những đoạn kể, những dòng “lan man” tả cảnh, tả tình. Nhờ đặc trưng thể loại, cách xử lý “trì hoãn” trong kĩ thuật trần thuật ở tiểu thuyết được Bùi Ngọc Tấn đi sâu vào việc miêu tả cảnh thiên nhiên, và tâm trạng con người. Có những trang, nhà văn dừng hẳn “bước đi của thời gian”, người kể chuyện dừng lại, suy ngẫm cùng nhân vật, hoặc “ngỡ ngàng” trước những vẻ đẹp của thiên nhiên, mạch văn chùng lại. Chẳng hạn, trong Chuyện kể năm 2000:“Trăng chiếu lên người nàng. Trên đầu

nàng là vòm trời thu không một gợn mây, chỉ một vầng trăng to tròn, gần như trong suốt im lặng đang tỏa sáng. Chung quanh nàng là đồng lúa chạy tới mờ sương. Loang loáng phía xa những chuôm ao dát bạc giữa đồng. Hắn nhìn tấm thân trần của vợ hắn lồ lộ giữa trời như lần đầu tiên hắn được thấy. Đó, nàng lại bước những bước uyển chuyển tới bể. Nàng bước lên bậc và cúi xuống múc nước, một bên vai nhô lên. Nàng bước ra xa bể, nghiêng người giội gáo nước lên vai. Trăng lại chảy trên người nàng. Trăng chảy từ vai đến gót chân nàng, tràn ra sân gạch. Trăng chiếu trên người nàng thành những mảng sáng và tối. Ở những bờ sáng tối gặp nhau, rực lên những viền vàng. Tất cả đang lịm đi. Không một tiếng chó sủa, tiếng gà gáy. Trời đất vừa được tắm rửa sau cơn mưa lành lạnh đêm thu, tinh khiết lạ thường” [49, 179].Thời gian như ngừng hẳn, một đêm trăng thu đầy thơ mộng, với hình ảnh của một người phụ nữ tắm dưới trăng, ánh trăng hòa quyện với dòng nước mát lạnh, tinh khiết tạo một vẻ đẹp say đắm lòng người. Tất cả như “lịm đi”, cảnh vắng vẻ một cách lạ thường. Chỉ bằng vài nét phác họa, một bức tranh đầy lãng mạn hiện lên trước mắt người đọc. Nhà văn đã kéo thời gian dừng lại, kéo thế giới to lớn này trở nên nhỏ bé, chỉ còn lại một đêm trăng thu, chỉ còn lại “chàng” và “nàng”, mọi vui buồn, sướng khổ, lo toan trong cuộc đời chợt tan biến trong phút giây này.

78

Hay đó có thể là cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, được người kể chuyện miêu tả tỉ mỉ, bằng những từ ngữ lặp đi lặp lại, mạch kể như dừng lại đôi phút để xoáy sâu vào sự vui mừng khôn xiết, khi vợ chồng được đoàn tụ sau bao nhiêu năm xa cách, với đầy những đắng cay, tủi nhục. Một đoạn ngắn, nhưng tác giả đã sử dụng lặp lại 13 từ “là”, như một định nghĩa, một cách giải thích. Như một niềm hạnh phúc tuôn trào, mà những tưởng không bao giờ có thể xảy ra, nay lại trở thành hiện thực. “Là chấm dứt những hồi ức của nàng u uất, cô độc. Là lại có một người để mà than thở, để mà chia sẻ, để mà yêu thương. Là có thêm đôi vai nữa cùng mình gánh vác. Là đoạn tuyệt những đêm dài ghê sợ, gọi người ở thế giới bên kia trò chuyện bằng độc thoại. Là chấm dứt nỗi kinh hoàng khi mỗi tế bào trong người đều nổi loạn đòi cuộc sống, tiếp theo là cuộc hành quyết chính bản thân mình. Là lại được như những người bình thường khác. Là những gì còn đó nguyện vẹn mà không bạo lực nào có thể cướp đi. Là điều tốt đẹp nhất trên cuộc đời này. Đúng là điều tốt đẹp nhất còn lại trên cuộc đời này. Là yêu nhau. Là lại được yêu nhau. Là trở về quá khứ mười lăm năm trước. Là cuộc sống. Là quyết sống, dù thế nào chăng nữa” [49, 229].

Nhà văn như để thời gian ngừng hẳn trước giây phút gặp gỡ ngắn ngủi của nhân vật Chơn và Hòa trước lúc đi biển. Người kể chuyện như “ngoảnh mặt đi” một nơi khác, cố tình “quên” nhiệm vụ kể của mình, dành cho nhân vật một khoảng không gian riêng, như sự thấu hiểu nỗi khao khát hạnh phúc của nhân vật. Kĩ thuật trì hoãn được nhà văn sử dụng linh hoạt, tài tình: “Trong sương mù họ cảm thấy hai lần tự do. Cõi trần ngừng tồn tại. Chỉ còn họ. Trời sương này là dành cho họ. Để có thể đứng giữa trời mà hôn nhau. Để có thể có nụ hôn giữa trời này. Cho đến khi có tiếng còi tàu gọi Chơn. Hòa và Chơn càng ghì nhau chặt hơn. Dứt hồi còi thứ ba hai người mới rời nhau…” [50, 284].

Nhưng có những đoạn người kể chuyện lướt nhanh, với việc sử dụng liên tục những câu ngắn, dồn dập tạo mạch văn dồn dập: “Thế nhưng đến chiều trời chuyển. Bôn cho tàu chạy tiếng ba, cố vượt qua cơn bão. Nhưng không kịp. Gió về nhanh quá. Chập tối gặp bão. Tàu nghiêng ngả. Mấy chục chai gió, mỗi chai nặng non tạ xếp trên boong lái đã chằng buộc bằng giây cáp cẩn thận, xô vào nhau kêu rầm rầm” [50, 253]. Cái nhịp độ gấp gáp của lời văn, với kĩ thuật tăng tốc, làm rõ ý đồ nghệ thuật, diễn tả sự nguy hiểm, tình thế cấp bách của cơn bão đang tiến gần.

79

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết bùi ngọc tấn (Trang 76)