4.2.3.1. Đối với vùng đồng bằng
Trên thực tế mỗi khu dân cư nông thôn hiện có thường có một ranh giới đất đai rõ ràng và ổn định. Khu vực đồng ruộng bao quanh làng xóm có thể có cả 4 phía, 3 phía hoặc 2 phía tùy theo quá trình phát triển khu dân cư đó tạo nên.
Tình trạng chung hiện nay là khu vực làng xóm có xu hướng tăng dần làm thu hẹp diện tích đồng ruộng tương ứng. Đây là hậu quả của tình trạng tăng dân số quá nhanh của mỗi khu dân cư. Để đáp ứng được với tình trạng chung nói trên, các địa phương cần khai thác được tiềm năng phát triển các loại hình sản xuất phi nông nghiệp để sử dụng lao động dư thừa trong các khu dân cư nông thôn. Mặt khác cần có kế hoạch điều động dân cư đi xây dựng các vùng kinh tế mới theo chính sách vĩ mô của Nhà nước về phân bố và phát triển lực lượng sản xuất trên phạm vi cả nước.
4.2.3.2. Đối với khu vực miền núi
Nông thôn miền núi có mật độ dân cư thưa hơn và do phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số nên quy mô các khu dân cư thường là quá nhỏ và không có ranh giới rõ ràng giữa làng bản và ruộng nương canh tác.
Tình trạng sống rải rác của dân cư miền núi đã gây nên nhiều khó khăn cho việc tổ chức quản lý xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ nông thôn. Do đó trong quy hoạch cần phải có phương án thu gom các khu dân cư quá nhỏ lẻ di dời tới các vị trí thích hợp, có đủ đất sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ăn ở của nhân dân và sinh hoạt cộng đồng.