Nếu so sánh với các học thuyết triết học phương Tây mới được tiếp nhận ở
Việt Nam, theo chiều rộng, số lượng các công trình nghiên cứu về học thuyết Freud là khá lớn, các nghiên cứu đa dạng và phong phú về thể loại như trình bày ở mục trên. Để có thể làm rõ hơn chiều sâu của các nghiên cứu này về học thuyết Freud, cũng như vận dụng học thuyết này vào thực tiễn cuộc sống, luận án đi sâu vào tìm hiểu nội dung một số nghiên cứu mang tính điển hình đại diện cho các các công trình nghiên cứu đó.
1.2.2.1. Các nghiên cứu đi sâu về nội dung học thuyết hành vi con người
của Freud
Có nhiều tác phẩm của các học giả trong nước và ngoài nước nghiên cứu về
nội dung học thuyết Freud. Trong đó có 3 tác phẩm được coi là rất cơ bản và rất sâu sắc, đó là: ‘Freud đã thực sự nói gì”[18]; “Freud và tâm phân học”[100]; “Học thuyết và tâm lý học Freud” [59].
Tác phẩm “Freud đã thực sự nói gì” của David Stafford-Clrak - Giáo sư
Viện Tâm bệnh học thuộc Trường Đại học Luân Đôn [18], xuất bản năm1966 tại Anh, sau đó đã được đón nhận ở rất nhiều nước trên thế giới. “Freud đã thực sự
nói gì” cũng là tác phẩm được xuất bản đầu tiên ở Việt Nam, về một học thuyết phương Tây từ khi có sự đổi mới về công tác Văn hóa Tư tưởng (1990). Sức hấp dẫn của tác phẩm này chính là ở chỗ D.Stafford-Clrak đã tổng hợp một cách
khoa học toàn bộ công trình nghiên cứu trong suốt cuộc đời của Freud vào một cuốn sách không quá nhiều trang. Hơn thế nữa, trong các tác phẩm nguyên gốc của Freud, do cách trình bày mang tính bác học, rất sâu sắc, nhưng hành văn theo mạch tư duy của riêng mình, nên nhiều người cảm thấy không dễ hiểu ngay được tư tưởng của Freud. Nhưng, sau khi đọc công trình khảo cứu của D.Stafford- Clrak, dường như mọi vấn đề lại trở nên tường minh hơn. Người ta hiểu được tường tận tất cả những gì mà Freud muốn nói, tất cả những gì mà Freud đã làm và tất cả những gì mà Freud để lại cho hậu thế tiếp tục con đường của mình,
đúng như tiêu đề mà D.Stafford-Clrak đã đặt cho tác phẩm là “Freud đã thực sự
nói gì”. Có thể liên hệ một cách đơn giản, nếu như bức tranh tự họa của chính Freud là một bức chân dung đầy chi tiết, nhiều góc cạnh và hơi rườm rà, cùng với đa sắc mầu thì bức chân dung Freud do D.Stafford-Clrak họa lại chỉ có hai gam màu đen trắng, với đường nét thanh mảnh, rõ ràng, nhưng vẫn toát lên thần thái, tựa như các bức tranh của danh họa P.Picasso. Do vậy, có thể nói không quá rằng, sẽ không hiểu được một cách tường tận học thuyết Freud nếu như không
đọc “Freud đã thực sự nói gì”của D.Stafford-Clrak.
Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào “Freud đã thực sự nói gì”, xin được bàn về
lời tựa của cuốn sách này. Cuốn sách đã được học giả uyên bác và nổi tiếng là Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) viết lời nói đầu. Lời nói đầu của Nguyễn Khắc Viện có dung lượng đồ sộ và sâu sắc. Tổng dung lượng của lời nói đầu này đã hơn
1/10 dung lượng gần 300 trang của cả tác phẩm. Trong “Freud đã thực sự nói gì”, D.Stafford-Clrak đã tổng hợp rất cô đọng học thuyết Freud, nhưng lời nói đầu của
Nguyễn Khắc Viện còn tổng hợp cô đọng, súc tích hơn rất nhiều lần. Tất cả những gì mà Freud đề cập trong học thuyết đều được Nguyễn Khắc Viện thể hiện trong lời nói đầu cùng với những bình luận rất sâu sắc.
Trong Lời nói đầu, Nguyễn Khắc Viện đã trình bày rất cô đọng và sinh động các luận thuyết của Freud và sự khởi sinh của học thuyết này. Ông phân tích tính chất khoa học của học thuyết và dành nhiều trang để phân tích sự tiếp nhận và sự
phê phán học thuyết nổi tiếng này trong Triết học và Tâm lý học. Ông giải thích các khái niệm vô thức, libido, cái ấy, cái tôi, cái siêu tôi và các bản năng eros và
thanatos một cách đơn giản và dễ hiểu. Ông nêu ra những tranh luận của các học giả trên thế giới, những điểm thống nhất và cả những điểm không thống nhất về học thuyết Freud. Chính bản thân ông cũng có những đánh giá khá xác đáng về những
điểm hạn chế của Freud:
Nhưng tư duy của Freud thường vận động theo kiểu trực giác phát hiện, từ một số sự kiện nào đó bỗng lúc nào đó nảy ra một số khái niệm và quan điểm giúp cho lý giải những quá trình phức tạp. Đáng lẽ, sau mỗi lần như vậy cần kiểm nghiệm kỹ lưỡng và đợi cho nhiều người khác cùng kiểm nghiệm, rồi mới chuyển qua những khái niệm mới [18, tr.27]. Tuy nhiên, ông dành rất nhiều cho việc phân tích các điểm tích cực của học thuyết Freud và đánh giá: “Dù sao không thể xem nhẹ công lao của Freud. Trong một lĩnh vực trước kia không hề ai biết gì, Freud đã mang lại ánh sáng, óc hiện thực và một kỹ thuật thăm dò các động cơ có hiệu lực. Tâm bệnh học không thể có một tiến bộ nào nếu không có Freud” [18, tr.26].
Trong “Freud đã thực sự nói gì”, D.Stafford-Clrak đã trình bày khá chi tiết và sâu sắc các công trình của Freud. Bắt đầu từ những nghiên cứu về hysteria và những kết quả đầu tiên của chúng, rồi đến khoa học về các giấc mơ. Đặc biệt, D.Stafford-Clrak phân tích sâu khái niệm cấu trúc và chức năng tâm thần - một cống hiến quan trọng của Freud về bộ máy tư duy của con người. Đó là vô thức, tiền ý thức và bản năng tính dục libido. Ông giải thích cặn kẽ các khái niệm cái ấy, cái tôi, cái siêu tôi từ đó ông phân tích luận thuyết xung lực (theory of impulses) của Freud và bản năng eros, thanatos. Ông trích dẫn nguyên tác của Freud để lý giải cho phân tích của mình về các xung lực này:
Chúng ta gọi những sức mạnh nào tác động ở phía sau những nhu cầu khẩn thiết của cái ấy và biểu hiện những yêu cầu thuộc loại thể chất trong tâm thần là xung lực. Thật vậy, mọi trạng thái mà một người đạt tới được vào một ngày nào đó đều có xu hướng được lập lại ngay từ khi nó bị từ
bỏ. Vì thế người ta có thể phân biệt được rất nhiều xung lực khác nhau và
đó cũng là điều người ta thường làm. Điều quan trọng là cần biết xem nhiều xung lực ấy có thể được quy thành một vài xung lực căn bản
không...Sau những do dự kéo dài, những ngần ngại kéo dài, chúng tôi đã quyết định chỉ chấp nhận hai xung lực căn bản: eros (tính dục) và bản năng phá hủy (instinct de destruction) [18, tr.154].
Do mục đích của tác phẩm “Freud đã thực sự nói gì” là thể hiện cô đọng và rõ hơn những điều Freud muốn nói, nên D.Stafford-Clrak không hề bình luận những điểm đạt được hay chưa đạt được của Freud như những tác giả
khác, mà ông tôn trọng một cách tuyệt đối tất cả các ý tưởng, quan điểm của Freud, đó là điểm đặc biệt của tác phẩm này. Cuối cùng, xin được trích dẫn một chi tiết mà D.Stafford-Clrak đã ca ngợi Freud trong phần đầu của tác phẩm “Freud đã thực sự nói gì”:
Đây là một người mà tên tuổi mãi mãi đứng cùng hàng với những tên tuổi như Darwin, Copernic, Newton, Marx và Einstein; một người đã thật sự
làm biến đổi cách thức chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống và của xã hội con người. Những tư tưởng của số người có nghị lực như thế, hoạt
động tinh thần của họ, cũng như cái cách họ thông báo kết quả những công trình nghiên cứu của họ, những gì họ nói ra, viết ra, tất cả những cái
đó đều nằm trong di sản của loài người. Những sự khẳng định của họ
không phải là để được chấp nhận như những giáo điều chi phối hay vượt qua sự suy nghĩ hay sự xem xét phê phán. Mà là chính chúng ta, không kém gì họ, phải chú ý lắng nghe tất cả những gì họ thực sự nói ra. Phân tâm học đã và mãi mãi vẫn là sự sáng tạo độc đáo của Freud. Sự khám phá, thăm dò, nghiên cứu và thường xuyên xét duyệt lại của ông là sự
nghiệp cảđời của một bậc thầy [18, tr.35].
Tác phẩm “Freud và tâm phân học” của Phạm Minh Lăng [100] được xuất bản năm 2000, vào đúng thời nở rộ các trào lưu triết học phương Tây
được phép phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Tác phẩm này được ông viết xong từ
năm 1989, nhưng phải tới hơn 10 năm sau đó mới cho ra mắt độc giả, sau một số tác phẩm nghiên cứu triết học phương Tây khác. Có thể, đó là sự thận trọng của tác giả trước một học thuyết nổi tiếng song còn mới lạ trong dòng triết học ở Việt Nam.
Trong nghiên cứu của mình, Phạm Minh Lăng tập trung phân tích những vấn
đề cơ bản nhất, cốt lõi nhất của học thuyết Freud hay tâm phân học (theo cách gọi của tác giả). Đó là: lý thuyết vềvô thức, lý thuyết vềtính dục và lý thuyết vềcơ cấu nhân cách toàn diện hay tâm lý học về cái tôi. Cùng với ba vấn đề lớn nêu trên, Phạm Minh Lăng cũng đề cập tới các nghiên cứu khác của Freud về giấc mơ, về
mặc cảm Ơdipe, nhưng ở mức độ khiêm tốn hơn. Trong nghiên cứu này, Phạm Minh Lăng gợi ý một số những ứng dụng, vận dụng học thuyết Freud vào một số
lĩnh vực khác nhau của các ngành khoa học xã hội vào việc nghiên cứu những phong tục tập quán nghi lễ truyền thống của các dân tộc trên thế giới. Tuy gợi ý Phạm Minh Lăng chỉ nêu trong vẻn vẹn một phần của ba trang cuối cùng của tác phẩm, nhưng cũng đáng suy ngẫm, đây không chỉ là công trình nghiên cứu mang tính hàn lâm, mà nó còn nêu được khả năng ứng dụng học thuyết Freud vào các vấn
đề thực tế xã hội.
Ngoài các phân tích những điểm chính trong các luận thuyết của Freud vềvô thức, libido và vềcái ấy, cái tôi, cái siêu tôi, Phạm Minh Lăng còn nêu một số các
đánh giá không đồng thuận của nhiều học giả trên thế giới về các học thuyết này. Phạm Minh Lăng viết:
Tuy nhiên cũng phải nói ngay rằng Tâm phân học không phải là một lý thuyết
được tất cả mọi người nhất nhất đồng tình. Sự không đồng tình đó lại rất đa dạng trên nhiều cung bậc khác nhau với những nguyên nhân cũng như nguyên cớ rất phong phú, nhiều màu sắc bao gồm cả tính tích cực lẫn tính tiêu cực, vừa xác đáng lại vừa ngộ nhận đan xen vào nhau [100, tr.35].
Phạm Minh Lăng phê phán một số học giả cho rằng Freud chỉ chú ý tới cái
vô thức mà không chú ý tới cái hữu thức. Ông biện minh cho Freud:
Sự thực thì hoàn toàn không phải như vậy. Tâm phân học lấy cái vô thức làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu của mình, đương nhiên nó phải chú trọng nhiều đến đối tượng nghiên cứu của mình. Còn cái hữu thức
là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học cổđiển và đã được các nhà tâm lý học, các nhà triết học, các nhà xã hội học và nhiều ngành khoa học xã hội nghiên cứu về con người đã nghiên cứu và kết quả là người ta
đã hiểu được khá đầy đủ về nó. Công lao đó thuộc về họ. Vì vậy, Freud không còn gì để nói về nó. Tuy nhiên, Freud đã dành cho cái hữu thức một vị trí xứng đáng trong học thuyết của mình. Đồng thời Freud còn chỉ ra những mặt mạnh cũng như những mặt hạn chế của cái hữu thức. Và rằng cái hữu thức không phải là hình thức tinh thần duy nhất chi phối mọi hoạt động của con người cũng như vai trò của nó không phải là tất cả [100, tr.13].
Công trình nghiên cứu của Phạm Minh Lăng về Freud có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn. Điểm hạn chế của tác phẩm này là sử dụng thuật ngữ chưa
được thông dụng nếu không muốn nói là chưa chuẩn xác. Một ví dụ, cho đến nay chỉ duy nhất Phạm Minh Lăng sử dụng thuật ngữ tâm phân học, trong khi tất cả các học giả “xưa và nay” đều dùng thuật ngữ phân tâm học, thuật ngữ
này mới là chính xác.
Tác phẩm “Học thuyết và tâm lý học S.Freud” của Phạm Minh Hạc [59] có cấu trúc ba phần riêng biệt nhưng gắn bó hữu cơ với nhau. Ở mỗi phần đều có giải thích, phân tích cặn kẽ chi tiết các vấn đề về học thuyết Freud. Phần1, tác giả giới thiệu cách tiếp cận nghiên cứu học thuyết Freud. Phần 2, tác giả
tóm tắt cô đọng 9 tác phẩm mang tính đại diện của học thuyết Freud là: Các bài giảng nhập môn phân tâm học; Ba tiểu luận về tính dục; Tâm lý học đám
đông và phân tích cái tôi; Phác họa phân tâm học…Sau tóm tắt mỗi tác phẩm của Freud, Phạm Minh Hạc có viết vài điểm lưu ý. Vài điểm lưu ý là những vấn
đề mà tác giả thu nhận được những gì tinh túy nhất trong mỗi tác phẩm, rồi gợi ý cho người đọc những suy nghĩ và phương hướng cho nghiên cứu tiếp theo. Cùng với tóm tắt cô đọng các tác phẩm của Freud và vài điểm lưu ý, Phạm Minh Hạc cho người đọc thấy bức tranh toàn cảnh về học thuyết Freud, từ cuối thế kỷ XIX tới đầu thế kỷ XX và vai trò của học thuyết này đối với xã hội và khoa học về tâm lý con người.
Ở phần 3, tác giả tổng hợp toàn bộ học thuyết Freud với những nét cô đọng nhất về: khái niệm năng lượng, lực, xung; giấc ngủ và giấc mơ; vô thức và ý thức;
bản năng…Từđó, tác giả giới thiệu: tâm lý học sâu thẳm (tâm lý học miền sâu) và
tâm lý học động, là những vấn đề mới của Tâm lý học đương đại. Cũng trong phần này, Phạm Minh Hạc nêu lên mối liên hệ giữa chủ nghĩa Marx và học thuyết Freud
đã được nhiều học giả trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Là một nhà giáo dục học, Phạm Minh Hạc đã dành những trang cuối đầy ý nghĩa của tác phẩm để viết về ý kiến của Freud về giáo dục. Xin được trích những suy nghĩ của Phạm Minh Hạc về
Freud với khoa học giáo dục:
Freud cho rằng chức năng chính của giáo dục là nghiêm cấm, kiềm chế
các bản năng ở mức tối thiểu, giúp trẻ tiếp thu (xã hội hóa, đồng hóa: trẻ
phải chấp nhận nghiêm cấm, kiềm chế) các chuẩn mực xã hội, nhưng không bác bỏ các bản năng của cuộc sống, mà chỉ điều chỉnh bản năng cho phù hợp với tự nhiên và xã hội, không hạn chế và ngăn chặn dòng chảy của cá tính trong thế giới văn minh [59, tr.235].
Tác phẩm “Học thuyết và tâm lý học S.Freud” được khép lại bằng những
đánh giá rất xác đáng về học thuyết Freud:
Tâm lý học Freud với Phân tâm học đã đi vào lịch sử văn hóa, văn minh Tây Âu, và về sau của cả loài người như là một học thuyết đã bàn đến
bản tính (bản chất) con người, bảo vệ dòng giống và loài người, đi sâu vào một trong những động lực tâm lý người từ bản năng, từ vô thức với các cơ chế khác nhau, dành nhấn mạnh cơ chế thăng hoa có ý nghĩa to lớn thế nào cho văn minh, văn hóa, đạo đức chuẩn mực xã hội. Chẳng nói các bạn cũng nhận ra, đây là một đại vấn đề của nhân loại, từng dân tộc, từng cộng đồng và từng cá nhân con người, còn nguyên tính thời sự cho thời đại của chúng ta ngày nay [59, tr.238].
Như vậy, với 16 tài liệu nguyên gốc của Freud được xuất bản, cùng với hàng chục tác phẩm của các học giả Việt Nam và học giả nước ngoài nghiên cứu sâu về học thuyết Freud hiện có ở Việt Nam có thể thấy, toàn bộ nội dung của học thuyết Freud đã được cập nhật và lan tỏa sâu rộng trong giới nghiên cứu Triết học và Tâm lý học nước ta. Các luận thuyết của học thuyết Freud không còn xa lạ với những