Chính sách nhân công “độc tài”

Một phần của tài liệu Thành công của wal mart và bài học cho các doanh nghiệp bán lẻ việt nam về quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả (Trang 56)

e) Thực hiện ý tưởng độc đáo bất luận nguồn gốc của nó

2.2.2.1. Chính sách nhân công “độc tài”

Việc cắt giảm chi phí luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu của Wal- Mart. Wal-Mart chủ trương tiến hành cắt giảm mọi chi phí ở mọi khâu trong chuỗi cung ứng có thể. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy chính sách này đã có những bất ổn nhất định và có ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu cũng như niềm tin và sự tôn trọng của khách hàng đối với Wal-Mart. Không chỉ cắt giảm chi phí tiền lương mà Wal-Mart còn giảm đến tối thiểu việc trả lương cho nhân viên với mức lương thấp nhất, không cho phép nhân viên lập các nghiệp đoàn. Thêm vào đó là chính sách đối xử phân biệt với phụ nữ, trả lương thấp và khiến họ không có cơ hội thăng tiến. Wal-Mart cũng thường thuê người làm theo mùa vụ, làm bán thời gian và luôn thay đổi nhân viên để khỏi phải trả những chi phí như bảo hiểm, sức khỏe và hưu trí cho các nhân viên dài hạn. Wal-Mart thường xuyên phải đối phó với hàng loạt các vụ kiện mà phần lớn là do nhân viên hoặc cựu nhân viên Wal-Mart khởi tố. Theo thống kê vào năm 2000 của công đòan Mỹ UFCW, trong riêng năm 2000, Wal-Mart phải

đối mặt với 4851 vụ kiện tụng, tức là trung bình cứ 2 giờ thì Wal-Mart bị kiện một lần (Dina Spector và Ujala Sehgal, 2011).

Nhìn một cách tổng quát, việc quản lý chi phí dành cho lao động không phải là một ý tưởng điên rồ. Tuy nhiên về lâu dài việc trả tiền lương và phúc lợi “ bủn xỉn” cho nhân viên không hẳn sẽ đồng nghĩa với việc giảm thiểu chi phí. Đây có thể nói là một trong những hạn chế lớn nhất của Wal-Mart lí giải tại sao mặc dù nhiều năm đứng hạng đầu trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới nhưng công ty lại không hề có tên trong danh sách 100 công ty tốt nhất để làm việc( Top 100 best companies to work for- Fortune).

Để thấy rõ được ảnh hưởng của chính sách nhân viên độc tài này của Wal- Mart , chúng ta có thể so sánh chính sách nhân viên của Wal-Mart với chính sách nhân viên một “đại gia” khác trong ngành bán lẻ tại Mỹ, đó là Costco (doanh nghiệp bán lẻ đứng thứ 3 tại Mỹ chỉ sau Wal-Mart và Kroger. Doanh thu năm 2011 của Costco là 77,946 tỷ USD ) (Fortune 500, 2011). Sam’s Club( thuộc hệ thống Wal-Mart) và Costco, là hai đối thủ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán hàng giá rẻ. Costco có 338 cửa hàng và 67.600 nhân viên bán hàng toàn thời gian trên khắp nước Mỹ, chiếm vị trí số một với khoảng 50% thị phần. Sam’s Club có tổng số 551 cửa hàng và 110.200 nhân viên tại Mỹ, lại chỉ đứng ở vị trí thứ hai với khoảng 40% thị phần. Mặc dù hai công ty này là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp và nhìn tổng thể tương đối giống nhau, song chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa hai công ty này chủ yếu nằm ở cơ chế tiền lương và phúc lợi cho người lao động.

Mức lương trung bình của một nhân viên tại Costco là 17 USD/ giờ. Wal- Mart không tiết lộ tiền lương của nhân viên làm việc tại Sam’s Club, song một nhân viên làm việc toàn thời gian tại Wal-Mart có thu nhập trung bình là 10,11 USD/ giờ. Và một số nguồn tin cho biết cơ chế tiền lương tại Sam’s Club cũng tương tự như tại Wal-Mart. Trong một bài báo đăng trên tờ New York Times năm 2005, tác giả Steven Greenhouse cho biết: Mức lương trung bình Costco trả cho nhân viên là 17 USD/ giờ, cao hơn 72% so với mức lương bình quân tại Sam’s Club( 9.86 USD/ giờ). Về mặt phúc lợi, 82% nhân viên làm việc tại Costco được mua bảo hiểm y tế, so với con số dưới 50% nhân viên có bảo hiểm y tế tại Wal-Mart.

Thêm vào đó, các nhân viên tại Costco chỉ phải trích 8% tiền lương của mình để đóng bảo hiểm y tế trong khi các nhân viên tại Wal-Mart phải trả tới 33% tiền lương của họ. 91% nhân viên của Costco được trả lương hưu, trong đó công ty đóng góp 1300 USD/ năm cho một người. Trong khi đó, con số nhân viên được hưởng chế độ hưu trí ở Wal-Mart chỉ chiếm 64% và công ty chỉ đóng góp khoản tiền 747 USD/ năm cho một người.

Rõ ràng, việc thực hiện chính sách tiền lương và phúc lợi của Costco cao hơn Wal-Mart. Song họ đã thu được hiệu quả cắt giảm chi phí bù đắp: số lượng công nhân thay thế tại Costco rất thấp, chỉ chiếm tổng số 17% và số lượng công nhân thay thế sau một năm làm việc chỉ chiếm 6%. Ngược lại, tại Wal-Mart tỷ lệ thay thế nhân viên là 44%/ năm, gần bằng con số bình quân trong toàn ngành công nghiệp bán lẻ này tại Mỹ.

Như một đền đáp cho chính sách tiền lương và phúc lợi hào phóng của Costco, công ty này đã có một lực lượng lao động trung thành và năng suất nhất trong toàn bộ ngành công nghiệp bán lẻ. Có lẽ cũng không phải là trùng hợp, Costco có tỷ lệ mất hàng hóa( trộm cắp trong nhân viên) nhỏ nhất trong ngành này. Năm ngoái, doanh số bán lẻ tại Mỹ của Sam’s Club và Costco lần lượt là 37 triệu USD và 43 triệu USD, trong khi đó Costco chỉ sử dụng số lượng nhân viên ít hơn 38% so với Wal-Mart. Phải thừa nhận rằng, điều này một phần do đích ngắm của Costco hướng tới người tiêu dùng có thu nhập cao và phần lớn chỉ cung cấp các sản phẩm cao cấp. Như vậy, tại Mỹ Costco thu được lợi nhuận hoạt động trên một nhân viên là 21,805 USD/ giờ so với con số 11,615 USD/ giờ tại Sam’s Club. Lực lượng lao động ổn định và rõ ràng hiệu quả của Costco cao hơn nhiều so với mức chi phí bù đắp mà công ty áp dụng( Wayne F. Cascio, 2006).

Một phần của tài liệu Thành công của wal mart và bài học cho các doanh nghiệp bán lẻ việt nam về quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả (Trang 56)