Người đọc, chủ thể tiếp nhận văn chương

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 89)

8. Dự kiến cấu trúc luận văn

3.1.1.Người đọc, chủ thể tiếp nhận văn chương

Hoạt động văn học từ xưa đến nay đều vận hành qua các khâu hiện thực - nhà văn - tác phẩm - bạn đọc. Các khâu luôn có sự liên kết chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau. Ngoài các mối quan hệ tác phẩm với hiện thực, tác phẩm với nhà văn….văn học hiện đại còn đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ giữa tác phẩm với bạn đọc, tức sự tiếp nhận tác phẩm văn học của bạn đọc thông qua hoạt động đọc. Bạn đọc giữ vai trò lớn đối với tác phẩm và với cả nhà văn. Không có người đọc tiếp nhận, tác phẩm sẽ chết và nhà văn cũng mất lí do tồn tại.

Người đọc có vai trò rất lớn đối với sự tồn tại của tác phẩm văn học. Ma Văn Kháng cho rằng: “Trong cái sự chết của nhà văn ngoài cái nguyên nhân là do sự đố kị của đồng nghiệp còn là cái duyên do cơ bản “sự thờ ơ của bạn đọc! Sự thờ ơ của bạn đọc! đó là một thực cảnh đáng buồn” [44; 127]. Văn thơ tác động đến xã hội, đến cộng đồng gián tiếp qua việc bồi dưỡng và nâng cao tâm hồn con người. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi những điều tâm huyết mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm được người đọc tiếp nhận. Những hình tượng tinh thần trong tác phẩm khi tham gia vào thế giới tinh thần của công chúng bạn đọc, mới biến thành một thực thể trong đời sống ý thức xã hội. Tác phẩm mà không đến với người đọc, thì chẳng khác nào một bức thư không có địa chỉ.

Vai trò của người đọc không những chỉ thể hiện sau khi tác phẩm đã ra đời, mà thật ra đã bắt đầu ngay khi nhà văn thai nghén, và trong suốt quá trình hình thành tác phẩm. Ma Văn Kháng cho rằng: “Mối liên hệ của chúng ta với

bạn đọc thực sự đã được thiết lập từ lâu rồi. Vẻ như từ trong cõi giới vô hình. Là bởi vì ngồi trong một căn phòng riêng, khi chỉ có mình với chiếc computeur, một thân một mình, nhưng nhà văn đâu có cô độc” [44; 132]. Quả thật, tác phẩm mới thai nghén đã làm gì có người đọc thực tế, nhưng thật ra họ không hề vắng bóng trong tâm tưởng của nhà văn với những nhu cầu, thị hiếu, động cơ, tâm thế, tầm đón, điều kiện và hoàn cảnh thưởng thức của mình. Ông viết: “Nhà văn trong khi viết tác phẩm của mình đâu có đơn độc một thân một mình. Có mối giao lưu đã thiết lập giữa anh và bạn đọc, cố nhiên là chủ động từ phía anh, trong tưởng tượng âm thầm nhưng không kém phần mãnh liệt và hào hứng” [44; 133].

Đánh giá về chủ thể tiếp nhận văn học, Ma Văn Kháng chỉ ra rằng: “Viết sách là một hoạt động nghệ thuật. Đọc sách cũng là một hoạt động nghệ thuật. Mà hoạt động nghệ thuật là hoạt động mỹ cảm” [44; 139]. Khác với người tiêu thụ sản phẩm thông thường, người đọc văn học làm phong phú thêm cho tác phẩm, sàng lọc và bảo tồn tác phẩm văn học về mặt chất lượng. Người tiêu thụ thông thường chỉ sử dụng sản phẩm với những giá trị vốn có của nó, và giá trị sử dụng, do đó nói chung là ngang nhau giữa tất cả mọi người. Trái lại, chủ thể tiếp nhận văn học làm phong phú thêm cho tác phẩm bằng những cảm thụ và đánh giá rất riêng của mình. Mỗi người đọc khi tiếp nhận tác phẩm họ không đứng ở góc nhìn của nhà văn mà đứng ở góc nhìn của họ với những quan niệm sống của họ để hiểu tác phẩm, vì vậy một tác phẩm được nhà văn viết xong nhưng đó chưa phải là sự hoàn tất tác phẩm, tác phẩm ấy còn được người đọc tiếp nhận và mở rộng biên độ, tầng lớp ý nghĩa dẫn đến sự liên văn bản của một tác phẩm. Bởi “chữ mang một khái niệm không phải lúc nào cũng ổn định, Nó luôn bị nhòe mờ khi tiếp nhận” [44; 138].

Nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng, một cuốn sách được in ra đến với bạn đọc là một niềm hạnh phúc đối với tác giả nhưng cũng là những phút giây

căng thẳng, cô đơn, chờ đợi sự đón nhận, ý kiến của độc giả về đứa con tinh thần của mình. Ma Văn Kháng viết: “Nỗi chờ đợi trương căng chỉ mong được giải tỏa là không của riêng ai, kể từ các ông kễnh đến những kẻ mới mon men vào nghề như tôi, những kẻ làm cái công việc sáng tạo chữ nghĩa nhọc nhằn này”. Huy Cận, Xuân Diệu đã sung sướng reo to khi thơ mình được bạn đọc khen. Ma Văn Kháng đã xúc động đến trào nước mắt khi đứa con tinh thần của mình đến được với độc giả. Chấm dứt nỗi cô đơn, chờ đợi… độc giả là lí do để nhà văn tồn tại là vì vậy. Nhà văn tâm sự: “Chê hay khen thì cuốn sách cũng đã tới với bạn đọc. Đó là một ân thưởng vô cùng quý giá! Cao hơn cả tiền bạc đã đành. Cao hơn cả giấy khen, bằng khen, huy chương, huân chương. Đó là hạnh phúc lớn lao không chắc nghề nghiệp nào có được! không chắc nghề nghiệp nào có được! và tôi tin chắc rằng, đó cũng là niềm phúc lạc vô biên đã được hưởng của rất nhiều nhà văn, nhà thơ” [44; 136].

Bạn đọc không chỉ đem đến cho nhà văn những phút thăng hoa, sự ấm cúng, sự cảm thông, chia sẻ…mà đôi khi còn đem đến sự đau lòng, thậm chí là thất vọng và tức giận. Ấy là khi chủ thể tiếp nhận hiểu lệch lạc, hiểu sai tác phẩm cũng như tư tưởng của nhà văn, dẫn đến những phán quyết nặng nề. Ma Văn Kháng cũng đã từng ở trường hợp đó. Ông chia sẻ: “Tôi cũng đã có những phút sao lòng cay đắng. Thậm chí đau đến tê dại vì nhận được những lời chê trách nặng nề, độc địa. Không phải chỉ là vì cuốn sách mình viết say mê và tâm huyết thế mà bạn đọc gần như bỏ quên. Mà là cuốn sách được viết với cả tấm lòng yêu thương thế mà sao có bạn đọc lại phũ phàng phủ nhận, cay nghiệt phán định và quy kết cho mình những tội đồ không có” [44; 137].

Tuy nhiên, nhà văn cũng vẫn tin rằng, đồng hành cùng với bạn đọc còn có thời gian. Thời gian là thước đo sàng lọc khắt khe nhất của văn chương, chỉ những tác phẩm văn học có giá trị mới tồn tại được với thời gian, với bạn đọc

Từ những điều đã suy ngẫm và trải nghiệm, nhà văn Ma Văn Kháng khẳng định vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của bạn đọc với tác phẩm văn học,

với nhà văn. Ông viết: “Nhìn một cách tổng quát và lâu dài thì trước hết và sau cùng, bạn đọc vẫn là cội nguồn sự sống của nhà văn. Bạn đọc nào thì nhà văn ấy…chân lý, lẽ phải nằm ở phía bạn đọc! Vượt qua tất cả các thể chế, thủy chung bạn đọc vẫn là người cầm cân nảy mực, ra quyết định vô tư khách quan và sáng suốt…Nhà văn và bạn đọc, một cuộc tình xuyên thời gian, khởi đầu từ dòng văn đầu tiên, rồi mãi mãi, kể cả khi cái chết đã chia lìa..” [44; 144-145].

Như vậy, qua những bài tiểu luận, nhà văn Ma Văn Kháng nêu lên quam điểm của ông về người đọc, chủ thể tiếp nhận văn chương với tấm lòng trân trọng, biết ơn và cả sự đồng cảm. Từ những gì đã chiêm nghiệm được sau nhiều năm cầm bút và những gì đã trải qua, nhà văn khẳng định vai trò của người đọc trong mối quan hệ mật thiết với nhà văn, với tác phẩm. Chỉ có công chúng bạn đọc, mới thực sự chuyển hóa những giá trị tinh thần trong những tác phẩm văn học đích thực, trở thành những động lực tình cảm trong tiến trình lịch sử.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận, phê bình văn học qua tiểu luận, bút ký về nghề văn của ma văn kháng (Trang 89)